"Mức phí nào cho chiếc xe hơi cà tàng của tôi?"

19/04/2012 06:49
Độc giả Nguyễn Minh Hà/Vnexpress
Chiếc xe cà tàng hơn năm chục tuổi của tôi đem bán chắc cũng chỉ được độ hai chục triệu. Nếu đóng phí lưu hành có nghĩa là mỗi năm tôi lại phải mất một chiếc xe cà tàng để được đi một chiếc xe cà tàng?!
Tôi là một người yêu thích xe hơi và hiện đang sở hữu một chiếc xe cũ. Chiếc xe của tôi đã lăn bánh ở Việt Nam hơn năm chục năm qua mà chưa phải đóng một đồng phí lưu hành nào cả.
Tuy xe có kêu và rung lắc hơn bình thường nhưng vẫn chạy được quanh xóm. Nhà tôi cách Sài Gòn hơn trăm cây số và tất nhiên, chẳng bao giờ tôi dám lái chiếc xe cọc cạch của mình lên Sài Gòn vì sợ tắc đường, sợ xe trục trặc, sợ xe cháy bất thình lình...
Một điều chắc chắn là chiếc xe của tôi chẳng làm gì gây nên nạn ùn tắc giao thông trên Sài Gòn. Nếu xe của tôi giờ phải đóng phí tới hai mươi triệu một năm để giảm ùn tắc giao thông cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM liệu có công bằng?
Chiếc xe cà tàng hơn năm chục tuổi của tôi đem bán chắc cũng chỉ được độ hai chục triệu. Với mức phí Bộ trưởng đề ra như vậy là bằng cả giá trị chiếc xe của tôi. Có nghĩa là mỗi năm tôi lại phải đóng phí mất một chiếc xe cà tàng để được đi một chiếc xe cà tàng?! 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Với số tiền hai chục triệu chưa đủ cho vài người giàu có nhậu một bữa, nhưng từng đó là tiền lương của vợ tôi, một cô giáo có trình độ đại học dạy miệt mài cả năm! Thử hỏi có nước nào trên thế giới mà phí lưu hành một chiếc xe hơi cũ nát lại bằng cả năm lương của một cô giáo? 
Ta thử so sánh thu nhập của người dân Mỹ và mức phí mà họ trả cho việc dùng một chiếc xe hơi một năm là bao nhiêu? Với cách so sánh như vậy để thấy người dân nước mình khổ sở tới mức nào.
Người có xe đã phải đóng quá nhiều thứ thuế và phí rồi. Còn phí lưu hành thật vô lý. Người dân có tiền thì họ hoàn toàn có quyền mua sắm thứ họ cần miễn là thứ đó không phải là thứ hàng quốc cấm hay là thứ gây nguy hại cho xã hội. Vì vậy chẳng có lý gì lại bắt người mua xe phải đóng phí cho chiếc xe được lưu hành khi họ đã phải đóng tiền bảo trì đường bộ rồi.

Chiếc xe hơi hoàn toàn là một phương tiện cần thiết trong xã hội văn minh. Nhiều nước phương Tây có tỉ lệ bình quân hai người dân một xe hơi từ vài chục năm trước và số vụ tai nạn giao thông của họ thấp hơn Việt Nam rất nhiều.
Tính ưu việt của chiếc xe hơi trong xã hội văn minh thì đã quá rõ. Một điều mà ai cũng thừa nhận rằng nước nào sớm có nhiều xe hơi là nước đó văn minh và người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn những nước khác.
Chiếc xe hơi không chỉ là phương tiện che mưa che nắng trên đường mà quan trọng hơn cả là nó bảo đảm an toàn tính mạng cho con người.
Theo thống kê thì tai nạn giao thông ở nước ta chủ yếu do xe máy gây nên. Sự hỗn loạn trong giao thông ở các thành phố lớn cũng là do xe máy. Số người Việt Nam chết và bị thương vì tai nạn giao thông hiện nay có thể so sánh với các cuộc chiến tranh.
Vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay chẳng thể đổ tội cho chiếc xe trên đường khi mà ở các thành phố lớn, các bện viện, trường đại học vẫn còn chen chúc trong nội đô từ bao lâu nay thì làm sao không tắc đường? 
Chính sách giãn dân ở các thành phố lớn đáng lẽ phải làm từ vài chục năm trước chứ không phải tới bây giờ mới giật mình nghĩ tới khi dân số đã quá tải. Cho tới tận bây giờ người ta vẫn ào ạt xây dựng những khu phố mới mà chẳng có lấy một phương án bãi đỗ xe hơi cho xứng tầm.
Những con đường vừa mới mở được vài năm đã thấy nhỏ hẹp quá, lại phá đi để làm lại. Nếu cứ lòng vòng với cách giải quyết phần ngọn như thế thì tôi dám khẳng định rằng: một trăm năm nữa cũng không giải quyết được tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội và TP HCM!
Vấn nạn ùn tắc giao thông bây giờ không đơn giản do chiếc xe trên đường mà nó tắc trong đầu các nhà quản lý từ nhiều năm nay.
Chúng ta không thể đưa những giải pháp của re ra để áp dụng ngay cho Việt Nam được vì chúng ta khác họ quá nhiều. Cơ sở hạ tầng của Singapore đi trước chúng ta hơn một trăm năm; ý thức chấp hành luật giao thông của người dân họ cũng hơn hẳn mình; thu nhập bình quân đầu người của họ gấp mình mấy chục lần...
Nếu chỉ đưa ra được các giải pháp thu phí thật nhiều như vậy thì chắc chắn cũng chẳng giải quyết được nạn tắc đường bởi vì không đi được xe hơi thì người ta sẽ sắm thêm xe máy chứ chẳng trông cậy gì vào chiếc xe bus nhếch nhác, ọp ẹp được. Vẫn là những con đường chật chội và từng ấy con người đổ ra đường thì xe gì mà chẳng tắc.

Điểm nóng
Hà Nội: Những con đường đầy bao cao su
Góc ảnh độc giả
Những kiểu ăn mặc lố lăng, phản cảm
Hình ảnh Chướng mắt ở cửa Phật
Những đám cưới khủng, đình đám
Bấm xem ảnh đẹp
Hình ảnh "cái bang" chỉ có ở VN
Bấm xem clip hot

Độc giả Nguyễn Minh Hà/Vnexpress