Dịch bệnh tinh hồng nhiệt tấn công miền nam Trung Quốc

22/06/2011 03:20
(GDVN) - Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại và có thể bùng phát gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn...

(GDVN) - Dịch sốt đỏ hay còn gọi là bệnh tinh hồng nhiệt (scarlet fever epidemic) đang tấn công nhiều địa phương ở miền nam Trung Quốc khiến 1 người thiệt mạng và hàng trăm người khác nhiễm bệnh.

Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại và có thể bùng phát gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn trong tuần tới.

alt
 

Dịch bệnh tấn công cả Trung Quốc đại lục cũng như Macau và Hong Kong. Riêng tại Hong Kong đã ghi nhận 419 trường hợp nhiễm bệnh - số lượng bệnh nhân gấp cao 4-5 lần so với năm ngoái, trong đó có một bé gái 7 tuổi bị thiệt mạng hồi cuối tháng 2 vừa qua và 2 bé trai khác bị biến chứng.

Các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiếp xúc với người mắc bệnh ở nhà trẻ công, trường tiểu học và các trung tâm giữ tư nhân trẻ khác.

Bệnh bệnh tinh hồng nhiệt do vi khuẩn liên cầu nhóm A gây ra và hầu hết chỉ ảnh hưởng tới trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh lây lan qua tiếp xúc ở đường hô hấp.

Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau họng, xuất hiện các nốt phát ban đỏ trên cổ, mình và chân tay. Bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nhưng cũng có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới tim, thận.

Các nhà nghiên cứu của Hong Kong khi tiến hành xét nghiệm vi khuẩn gây bệnh từ cơ thể một cậu bé 6 tuổi phát hiện ra rằng vi khuẩn này đã có một thay đổi nhỏ trong cấu trúc di truyền dẫn tới khả năng truyền bệnh của nó được nâng cao hơn.

Trong khi đó, một nửa số vi khuẩn liên cầu nhóm A được phát hiện tại Hong Kong lại có biểu hiện kháng lại kháng sinh erythromycin và clindamycin, nhưng dùng penicillin vẫn có hiệu quả khống chế chúng.

Bệnh tinh hồng nhiệt là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của amiđan hay nhiễm trùng da, thường gặp ở trẻ em, do liên cầu tan huyết nhóm A (đôi khi do tụ cầu vàng) gây ra.

Thường sau 2-3 ngày bị bệnh nhiễm trùng ở họng hay ở trên da thì bệnh nhân có biểu hiện phát ban. Các ban đỏ nhạt hoặc đỏ tươi xuất hiện ở phía trên thân thể trước, sau đó lan ra tay, chân. Ban đỏ có ở cả trên mặt, nhưng xung quanh miệng thì có quầng trắng.

Lúc đầu các ban nhỏ lấm tấm trên một số mảng lớn, một số trường hợp lan khắp toàn thân. Bệnh nhân thường bị ngứa. Các ban nhạt dần sau 4-5 ngày và có thể bong vảy nhỏ như bụi phấn, bụi cám ở thân mình, bong vảy lớn thành lá ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Một số bệnh nhân có tổn thương nhẹ, thoáng qua, nên bệnh nhân không để ý, chỉ khi có biểu hiện bong vảy thì bệnh nhân mới lưu tâm đi khám.

Tổn thương còn có ở cả niêm mạc. Thanh quản đỏ. Lưỡi lúc đầu trắng với các gai lưỡi sưng phù và đỏ, sau đó lưỡi cũng bị đỏ. Ngày thứ 4-5 thì lưỡi có thể xuất hiện các mảng dày sừng và đỏ. Vòm miệng có thể có ban đỏ và các chấm xuất huyết. Khám thì có biểu hiện của viêm amiđan cấp. Hạch trước cổ có thể sưng to.

Thực chất của bệnh là do nhiễm trùng họng ở đa số các trường hợp và vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây đỏ da. Nếu ngoại độc tố được tiết ra nhiều mà không điều trị kịp thời thì có thể gây viêm khớp cấp, viêm cầu thận cấp...

Về điều trị, bệnh nhân nên được nghỉ ngơi, dùng một đợt kháng sinh đủ liều, đủ thời gian thì kết quả sẽ rất tốt. Bệnh khỏi ở hấu hết các trường hợp và không để lại biến chứng. (Theo Khoa Học Đời Sống)



Nguyễn Hường (Theo Reuters)