Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

"Thu phí bảo trì đường bộ thực chất là việc đánh thuế trên đầu xe?"

20/04/2012 07:02
Độc giả Dương Văn Thắng
(GDVN) - "Thực chất phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT đưa ra cách thu theo đầu xe như vậy sẽ trở thành thuế trên đầu xe chứ không còn là phí nữa. Hơn nữa phí hạn chế xe cá nhân là không đúng với khái niệm về phí trong pháp lệnh phí và lệ phí"._Độc giả Dương Văn Thắng chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, tranh luận của độc giả xung quanh vấn đề này gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Dương Văn Thắng với nội dung chỉ ra 3 lý do giải thích vì sao đề xuất thu phí của Bộ GTVT không nhận được được sự đồng thuận của nhân dân. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Vì sao đề xuất thu phí của Bộ GTVT đưa ra lại không nhận được sự đồng thuận của người dân? Tôi cho rằng có một số nguyên nhân:

Thứ nhất, người dân sẵn sàng đóng phí sử dụng đường bộ nhưng phải hợp lý với hoàn cảnh người Việt Nam. Tuy nhiên với việc thu phí theo đầu xe của Bộ GTVT, chắc chắn sẽ không công bằng và không có tác dụng giảm ùn tắc giao thông. Trái lại việc thu phí còn có nguy cơ gây ách tắc hơn vì bản thân người dân đã phải đóng tiền theo kiểu đi ít cũng như đi nhiều. 

Ảnh minh họa: VEF.
Ảnh minh họa: VEF.

Thực chất phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT đưa ra cách thu theo đầu xe như vậy sẽ trở thành thuế trên đầu xe chứ không còn là phí nữa. Hơn nữa phí hạn chế xe cá nhân là không đúng với khái niệm về phí trong pháp lệnh phí và lệ phí.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Nghị quyết trả lời chất vấn được Quốc hội thông qua về chủ trương thu 2 loại phí (phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm)”. Tuy nhiên đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm và Bùi Thị An đều khẳng định Quốc hội chưa thông qua 2 loại phí Bộ GTVT đang đề xuất. Bà An cũng quả quyết, phí hay vấn đề gì liên quan đến quyền lợi của người dân, nhất quyết phải được Quốc hội bàn thảo, biểu quyết. 

Ngành điện họ thu tiền điện dựa trên đồng hồ đo điện với 80 triệu dân song vẫn làm tốt, ngành Bưu chính viễn thông thu tiền điện thoại dựa trên số phút gọi với hàng chục triệu thuê bao song cũng tốt. Tại sao ngành GTVT không thu phí bảo trì dựa trên xăng dầu hoặc dựa trên đồng hồ Km xe chạy mà chỉ có 600.000 xe cá nhân để đảm bảo công bằng? 

Khi thu phí giao thông qua đầu phương tiện, nhiều người sẽ phải bán xe, song cũng chỉ bán nội bộ trong nước làm giá xe giảm 40%. Vậy một người làm việc đổ mồ hôi sôi nước mắt tích trữ 20 năm mới mua được một chiếc ô tô chừng 500 - 600 triệu, nhưng tự nhiên họ mất đi 200 - 240 triệu do chính sách của Bộ GTVT thì hỏi làm sao họ không phản ứng? 

Thứ hai, các dự án công trình giao thông bị rút ruột quá nhiều. Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Người dân phản ứng mạnh mẽ với phí đường bộ đơn giản bởi họ đang thiếu niềm tin vào các công trình xây dựng. Đường vừa làm xong đã nứt hỏng, công trình giao thông bị rút ruột không thương tiếc, bây giờ lại bắt dân nộp phí thì làm sao có thể nhận được sự đồng thuận?”.

Thứ ba,
Với những việc làm, hành động và tuyên bố "ồn ào" của Bộ trưởng Thăng như: Cấm cán bộ chơi golf, đổi giờ học giờ làm... đến nay không có hiệu quả gì nhiều mà chỉ gây xáo trộn trong cuộc sống của nhân dân. Vậy thì liệu người dân có thể đặt niềm tin của mình với số tiền dân đóng góp về phí giao thông như phí bảo trì, phí hạn chế xe, phí vào nội đô hay không?

Một khi Nhà nước và người dân đồng thuận cùng làm thì mọi khó khăn đều được giải quyết. Việc dễ trăm lần không dân cũng chịu, việc khó trăm lần dân liệu cũng xong. Người dân rất mong các Bộ ban ngành lắng nghe ý kiến của nhân dân rồi đưa ra những chính sách phù hợp với đời sống và thu nhập của người dân. 

Độc giả Dương Văn Thắng