Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Độc giả hiến kế: 4 giải pháp giảm ùn tắc giao thông mà không tốn phí

19/04/2012 07:27
Độc giả Việt Hải
(GDVN) - “Tôi đã đọc rất nhiều bài trên các báo về vấn đề thu phí giao thông. Tôi thực sự chia sẻ với Bộ trưởng Đinh La Thăng về quyết tâm của Bộ trưởng và ngành GTVT trong thời gian qua mong muốn giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên cả nước, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn”, độc giả Việt Hải chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Việt Hải (Hải Phòng) với nội dung hiến kế 4 biện pháp giảm ùn tắc giao thông mà không cần thu phí. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Trên báo chí có rất nhiều sáng kiến hay, không biết Bộ trưởng có thời gian xem không? Nếu Bộ trưởng bận quá không có thời gian đọc thì thật là đáng tiếc. Tôi sẽ cố gắng viết ngắn để bạn đọc (và cả Bộ trưởng Đinh La Thăng) không mất thời gian xem xét. Tôi xin đề xuất 4 biện pháp giảm ùn tắc tại các thành phố lớn, giảm tai nạn trên quốc lộ mà không tốn phí:



Tắc đường ở quốc lộ 5. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tắc đường ở quốc lộ 5. Ảnh: Tuổi Trẻ.


Một là: Quy hoạch lại hệ thống đường trong thành phố không có rẽ trái, nếu nhất thiết phải rẽ trái thì phương tiện phải đi vòng và qua cầu vượt. Việc này đề nghị các nhà Toán học ứng dụng hiến kế cho cách làm, chắc chắn là được. Chúng ta phải chấp nhận giải pháp “đi vòng nhưng không ùn tắc”. Số cầu vượt phải tối thiểu vì nếu có 50 cầu vượt thì thủ đô sẽ trở thành công xưởng to.
Hai là: Có biển cấm ô tô vào ra (Khi đường đã chật rồi thì anh phải tìm đường khác hoặc phương tiện khác để vào nếu thấy cần thiết, có thể cấm cả xe máy), có chỗ cấm ô tô biển trắng, có chỗ cần cấm tất cả các loại ô tô. Khi có biển thì chẳng có ai dại gì vào để bị phạt (mà lại phạt nặng).
Ba là:
Trong 2 thành phố lớn phải có lộ trình giảm xe máy và tăng xe buýt. Thành phố nhiều xe máy quá, chen lấn nhau trông rất xấu và còn xấu hơn so với nhiều xe đạp.
Bốn là: Để giảm tai nạn trên quốc lộ cần tách riêng xe ô tô và xe máy. Hiện nay ô tô và xe máy đi chung như trên quốc lộ 5 là rất nguy hiểm (Tôi không hiểu vì sao trên quốc lộ 5 họ để hàng rào phân cách để làm gì khi mà các loại phương tiện vẫn đi chung?). 

Tôi nhận thấy 4 giải pháp trên vừa không tốn phí vừa hứa hẹn mang lại tính khả thi cao. Mong Bộ GTVT xem xét kĩ lưỡng.

Độc giả Việt Hải