Vạn cách “moi” tiền sinh viên của “cò” nhà trọ

21/04/2012 07:30
Đức Tình- Thu Hòe
(GDVN) - Với mong muốn kiếm được những nhà trọ ưng ý để ổn định học tập, nhiều sinh viên đã bị các “cò” nhà trọ lừa trắng trợn mà không biết than cùng ai…
Trái đắng cò nhà trọ
Bạn Nguyễn Xuân Vinh, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội sau một vài buổi rong ruổi tìm nhà trọ đã đến với một Trung tâm môi giới nhà trọ trên đường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.

Nữ sinh 9X đánh bạn, quay clip tại công viên Tuổi Trẻ

Nữ sinh 9X đánh bạn, quay clip tại công viên Tuổi Trẻ

Học sinh sát hại bạn cùng trường từng là...

Học sinh sát hại bạn cùng trường từng là... "học trò ngoan"

Đến nơi, Vinh thấy một biển báo giá các loại phòng trọ được đặt ở một xó xỉnh nhỏ trong quán game. Chủ Trung tâm môi giới nói chắc như đinh cột rằng, phòng đẹp, sạch sẽ, mọi điều kiện sinh hoạt đều đảm bảo tốt. Tuy nhiên, để được tận mắt chứng kiến phòng ốc thế nào, Vinh phải chịu chi phí dẫn đường cho người dẫn đi xem phòng. Vinh bức xúc kể: “Lúc đầu, người môi giới bảo là mất 200.000 đồng tiền phí dẫn đi xem phòng. Thấy đắt quá nên mình mặc cả thì được giảm xuống 100.000 đồng ngay sau lần mặc cả đầu tiên. Thấy nhanh quá mình cũng nghi ngại nhưng đành tặc lưỡi đi xem phòng vì đang cần gấp. Mình được dẫn đến một phòng trọ ở 75 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân. Phòng ở tầng 4 giá 1.000.000 đồng/tháng nhưng tồi tàn đến mức khó tưởng tượng. Lối lên cầu thang hẹp chỉ cho đủ cho 1 người né mình đi. Xung quanh phòng là các tấm gỗ mỏng được xếp ngổn ngang, trần lợp bằng xốp, thủng lỗ chỗ, không có cánh cửa phòng nên ai cũng có thể vào mà không cần... mở cửa.” Biết bị lừa nên Vinh chẳng buồn để ý đến những hứa hẹn dẫn đi xem phòng khác của cò nhà trọ. “Chắc chắn các phòng khác cũng như thế này thôi. Và để được xem phòng khác, mình sẽ lại mất 100.000 đồng/lần xem. Mất tiền mà lại không tìm được phòng để ở. Chắc từ nay cạch đến già với các Trung tâm môi giới nhà trọ kiểu này…”, Vinh bức xúc. Một trường hợp khác ăn phải quả đắng của cò nhà trọ là Đinh Thu Ngàn, sinh viên Trường ĐH Thủy Lợi. Qua trao đổi trực tiếp, Ngàn được cò nhà trọ giới thiệu sẽ cho thuê một phòng trọ với giá 800.000 đồng/tháng, nước máy, internet đầy đủ, có chỗ để xe. Ngàn mừng như bắt được vàng, vui vẻ chấp nhận mất 150.000 đồng để được dẫn đi xem phòng. Thế nhưng đến nơi, phòng đó bị bà chủ trọ “hét” lên giá 1.500.000 đồng/tháng. Nước sinh hoạt lại là nước giếng khoan chứ không phải nước máy như lời giới thiệu của cò môi giới, chỗ để xe chỉ là một vạt đất bé tí tẹo trước cổng nhà chủ trọ. Không thoải mái, không internet như những lời mời chào của cò nhà trọ. Biết mình bị lừa, Ngàn ấm ức: “Đến giờ mình vẫn chưa thấy hết ức. Họ nói một đường, sự thật lại một nẻo, dối gian trắng trợn để lừa tiền của mình.”La liệt các chiêu mời gọi, lừa tiền của cò nhà trọ Lợi dụng đối tượng sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất, tân sinh viên mới nhập học chân ướt chân ráo, còn bỡ ngỡ, chưa thích ứng được với cuộc sống xô bồ nơi thành phố, các cò nhà trọ dùng mọi chiêu thức để lừa “mồi” cắn câu.
La liệt các những thông báo cho thuê phòng của các Trung tâm nhà trọ
La liệt các những thông báo cho thuê phòng của các Trung tâm nhà trọ
Từ các tờ rơi được phát khắp các cổng trường, giấy dán cho thuê phòng trọ dán la liệt trên các bức tường đến các bảng biểu giá phòng cho thuê hoành tráng ở các trung tâm môi giới… Một câu được viết cận thận trên một tấm bảng treo trên cột điện trên đường Khương Trung: “Các bạn sinh viên ai có nhu cầu thuê phòng, nháy vào số máy này, bác gọi lại”. Một lời mời hấp dẫn như vậy, chắc chắn với tâm lý các bạn sinh viên, lại còn được tiết kiệm tiền điện thoại trao đổi, các cò nhà trọ này sẽ “câu” được nhiều mồi.
Sinh viên mới chân ướt, chân ráo lên Hà Nội thường bị sa bẫy của cò nhà trọ với những lời mời gọi như thế này
Sinh viên mới chân ướt, chân ráo lên Hà Nội thường bị sa bẫy của cò nhà trọ với những lời mời gọi như thế này
Khi tiếp cận số máy trên, chúng tôi gặp một môi giới tầm khoảng 55 tuổi. Đóng giả làm sinh viên thuê trọ, chúng tôi được đưa một tờ giấy cam kết, trong đó nếu thuê được chúng tôi phải mất 50% giá phòng trọ tháng đầu tiên. Trong đây ghi rõ các yêu cầu của người thuê trọ, còn bên môi giới không hề có ghi một khoản nào về trách nhiệm với người đi thuê. Với 500.000 đồng cho phòng trọ giá 1.000.000 đồng chúng tôi định thuê, cộng với những điều khoản tưởng như quy củ nhưng hết sức vô lý, chúng tôi không đồng ý để rút lui êm đẹp. Dẫu rằng là kết nối giữa các chủ trọ với những người đi thuê, nhưng nhiều môi giới trở nên biến tướng và giở nhiều mánh lừa lọc, đặc biệt với các bạn sinh viên chưa có nhiều va chạm với xã hội. Nhiều môi giới còn liên kết với các chủ trọ để kiếm tiền sinh viên cách vô lý. Bạn Phạm Quang Trường, sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã sống cảnh thuê trọ ở Hà Nội hơn một năm nên có chút kinh nghiệm thuê trọ. Quyết không tìm đến các Trung tâm môi giới để tránh “tiền mất tật oan” là kinh nghiệm xương máu của Quang khi 1 lần sa bẫy của cò nhà trọ. Chưa kịp hết mừng vì đã tự tìm được một phòng trọ gần trường ở Khương Hạ, giá cả lại hợp lý, Quang phải rút túi một khoản là 30% tiền phòng cho môi giới sau khi người này được chủ trọ gọi đến. Không qua môi giới nhưng Quang bắt buộc phải “nộp” tiền nếu muốn được thuê phòng tiếp tục. Khi hỏi tại sao vô lý như vậy, bạn được một câu trả lời xanh rờn: “Ở đây ai cũng như vậy cả, đến thuê dù qua hay không qua môi giới đều phải đóng tiền cho họ”, Quang nhớ lại trong bực tức.
Người đàn ông này vừa làm cò nhà trọ vừa tranh thủ chạy xe ôm
Người đàn ông này vừa làm cò nhà trọ vừa tranh thủ chạy xe ôm
Anh Dũng, một chủ dãy trọ trên ngõ 1, đường Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân chia sẻ về vấn đề này: “Ở đây, dãy trọ của tôi không có thuê môi giới để chia hoa hồng. Nhưng tôi thấy hiện nay quanh khu vực này, môi giới hoành hành lắm. Nhiều chủ trọ cũng không có lương tâm, làm ăn với cò để rút tiền sinh viên. Nghĩ chúng cũng tội, cái cảnh xa nhà mà bị lừa suốt”. Bùi Thị Nhất Linh, sinh viên, Trường ĐH Luật chia sẻ về kinh nghiệm tìm nhà trọ mà không phải qua “trướng” của cò: “Khi tìm nhà trọ, nhất thiết mình phải dành cả một buổi chứ không lang thang trên mạng để tìm hoặc không tin cậy vào các tờ rơi vô tội vạ. Các tờ quảng cáo được viết bằng tay, không đánh máy, có địa chỉ nhà trọ rõ ràng là những tờ quảng cáo có thể tin cậy được”. Một mùa tuyển sinh nữa sắp đến, các sỹ tử cũng như các tân sinh viên khi khăn gói lên thành phố để học tập, thi cử rất cần phải cảnh giác, lưu ý, để không bị cảnh “tiền mất, tật mang” với những đối tượng này.
Đức Tình- Thu Hòe