Th.S Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin Khoa học xã hội:

Vụ học viên lớn tiếng cãi thầy: "Lớp học đã bị biến thành cái chợ"?

22/04/2012 14:36
Th.S Phạm Xuân Hoàng
(GDVN) - “Xem video về hành vi ứng xử với thầy giáo của một học viên lớn tuổi trong một tiết học cao học môn học Rada và hệ thống định vị toàn cầu ở trường Đại học Bách Khoa mà theo như mô tả là học viên này dùng điện thoại trong giờ học, không có tài liệu, lại nồng mùi rượu... Tôi thấy phản cảm và buồn", Th.S Phạm Xuân Hoàng chia sẻ.
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải đoạn video ghi lại cảnh một học viên ngồi trong giờ học không ghi chép bài, nghe điện thoại, khi bị nhắc nhở, học viên này còn đứng lên lớn tiếng "cãi nhau tay đôi" với thầy giáo..., tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Th.S Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin Khoa học xã hội đã gửi một bài viết tới tòa soạn bày tỏ quan điểm "mỗi học viên dùng đồng tiền đóng học của mình để hấp thu văn hóa và ứng xử trong khuôn khổ văn hóa, chứ không phải coi ai ra gì cũng được, muốn làm gì thì làm...".

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng chuyển đến bạn đọc bài viết thể hiện quan điểm của Th.S Phạm Xuân Hoàng xung quanh sự việc này, mời bạn đọc cùng theo dõi:
Học viên Lê Trần Công đã có những lời nói, thái độ thiếu tôn trọng giảng viên trong lớp học. Ảnh cắt từ clip.
Học viên Lê Trần Công đã có những lời nói, thái độ thiếu tôn trọng giảng viên trong lớp học.
Ảnh cắt từ clip.


Hồi còn là học sinh phổ thông trung học, lớp học của tôi cũng có một bạn được xem là cá biệt. Cậu ta vốn là học sinh thủ đô song vì quá nghịch ngợm nên phụ huynh phải cho về quê để thay đổi môi trường học tập với hy vọng may ra mọi việc tốt hơn. Tuy nhiên, anh chàng này vẫn chứng nào tật ấy, nghịch ngợm và lười học.

Trong một giờ vật lý, cậu ta có hành vi mất trật tự bị thầy nhắc nhở và phản ứng của cậu ta lúc đó là tỏ ra không tôn trọng thầy giáo. Lời qua tiếng lại, tình huống căng thẳng, hai thầy trò đã cãi nhau đến mức đòi ra sân tay chân so đo cao thấp. Cũng may câu chuyện dừng lại ở đó.

Giờ xem video về hành vi ứng xử với thầy giáo của một học viên lớn tuổi trong một tiết học cao học môn học Rada và hệ thống định vị toàn cầu ở trường Đại học Bách Khoa mà theo như mô tả là học viên này dùng điện thoại trong giờ học, không có tài liệu, lại nồng mùi rượu... Tôi thấy phản cảm và rất buồn.
Sau khi đã đọc và xem kỹ chuyện này, nghĩ lại hai câu chuyện cách nhau mười bảy năm thời phổ thông trung học của tôi, hai trường hợp ở hai cấp học khác nhau nhưng có nhiều điểm giống nhau, để thấy câu chuyện giáo dục văn hóa học đường ở Việt Nam dường như vẫn là chuyện còn bàn dài dài. 

Nền giáo dục nào cũng có những thiết chế văn hóa của nó. Ở các nước văn minh, ứng xử của học trò trong trường học, dẫu rất tự nhiên dân chủ nhưng họ không mấy khi phạm quy chế. Sinh viên, học viên luôn là người tự giác chấp hành các nội quy về ứng xử trường học cũng như công cộng.

Ở đây, trong video này, lớp học giống như một cái chợ. Trò liên tục cãi thầy, thầy gần như bất lực với trò trước hàng trăm con mắt của những trò khác. Dù môi trường tự do dân chủ đến mấy, cũng khó có thể chấp nhận một tình huống như thế, nhất là trên lớp học.

Điều đáng nói, không hiểu ban cán sự lớp ở đâu, thái độ im lặng của các học viên khác trước thái độ của bạn mình như vậy. Im lặng này nói lên điều gì? Sự im lặng đó chắc không phải vô cảm, sự im lặng đó cho thấy bản lĩnh văn hóa của tập thể quá kém. Tiết học bị bỏ dở "oan ức" giữa chừng vì không khí căng thẳng của cãi vã gây ra sự mất hứng ở người thầy. 

Câu chuyện diễn ra ở một trường đại học lớn, điều đáng trách là ở người học viên, có lẽ cần một thái độ suy xét nghiêm túc từ phía nhà trường đối với học viên này. Lâu nay chúng ta vẫn thiếu những chế tài ứng xử với những hành vi thiếu văn hóa như vậy.  

Với những học viên gây rối trật tự này, nếu cần thầy giáo gọi bảo vệ mời anh ta ra ngoài để không làm ảnh hưởng tới người khác, câu chuyện đúng sai phân xử sau. Vì câu chuyện của một cá nhân mà ảnh hưởng tới lớp học là điều không nên có.

Viện sư phạm kỹ thuật thuộc trường ĐH Bách khoa HN nơi quản lý học viên Công.
Viện sư phạm kỹ thuật thuộc trường ĐH Bách khoa HN nơi quản lý học viên Công.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, có câu chuyện đào tạo theo nhu cầu của người học, nhà trường đôi khi như một dịch vụ (Training in service). Tuy nhiên, nhà trường  – giảng đường là không gian văn hóa, chứ nhà trường không phải là cái chợ tự do mua bán, cứ có tiền là anh có thể tiêu pha tùy thích, có thể trở thành thượng đế.

Mỗi học viên dùng đồng tiền đóng học của mình để hấp thu văn hóa và ứng xử trong khuôn khổ văn hóa, chứ không phải coi ai ra gì cũng được, muốn làm gì thì làm. Cho nên cái lý, "tôi đóng tiền, tôi học" như của anh học viên kia là khó có thể chấp nhận. 

Tôi cũng từng là một giảng viên, cũng đã chứng kiến không ít hành vi vô lễ của học trò nhưng không phải của học trò với mình mà của học trò với học trò, trong lớp học, trước mặt thầy giáo, và cũng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng trò cãi tay đôi với thầy trên giảng đường.

Câu chuyện này diễn ra trong thời buổi giáo dục đang bị dự luận xã hội phê phán, một lần nữa, nó gợi lên nhiều suy nghĩ về văn hóa giáo dục mà thiết nghĩ những nhà giáo dục, nhà quản lý, kể cả người học không thể làm ngơ.

Sự xuống cấp học của văn hóa học đường thể hiện qua những câu chuyện tương tự như thế này đây. Bao giờ có văn hóa học đường đúng nghĩa, ở đó thầy giáo được tôn trọng và người học biết cư xử đúng vai và có văn hóa. Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp cần luôn được đặt ra như một yêu cầu cần phải có của nền giáo dục hiện đại.Mọi ý kiến đóng góp, phản hồi của độc giả xin vui lòng gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.
Th.S Phạm Xuân Hoàng