"Không sáng tạo được gì thì mới ném đá đề thi màng trinh"

22/04/2012 06:30
Độc giả Huỳnh Hoàng Anh
(GDVN) - Xã hội tự do, thì bàn về “cái màng trinh” ở kỳ thi Đại học chẳng có gì sai, và cũng chẳng có gì xấu xa cả. Đã bàn thì ở đâu cũng là bàn, như thế còn hơn là để học sinh bàn lén bàn lút rồi mắc phải vô số những sai lầm nghiêm trọng.
Sáng 20/4, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nguyên văn phần trả lời của ông Nguyễn Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT lý giải vì sao trường này ra đề thi cho thí sinh bàn về “trinh tiết” (trong đó có sử dụng từ ngữ nhạy cảm) khiến dư luận choáng váng suốt hơn một tuần qua. Sau khi quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phong được đăng tải, nhiều độc giả tiếp tục gửi thư về Báo Giáo dục Việt Nam, bày tỏ quan điểm về đề thi. Chúng tôi xin trích đăng một trong những ý kiến ủng hộ cho đề thi này.

Đại học FPT cho thí sinh phân tích về...

Đại học FPT cho thí sinh phân tích về... "cái màng trinh"

GS.Nguyễn Minh Thuyết:

GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Đề thi của ĐH FPT thô tục đến khó chấp nhận"

Đề thi

Đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT thiếu tính khoa học, tính giáo dục

Ngay từ khi tôi còn học Đại học, sinh viên chúng tôi đã truyền tai nhau bài vè chế nhạo cách ra đề thi nước ta. Đây là một bài vè không chỉ mang tính chất gây cười mà còn đáng khóc cho một nền giáo dục “cổ hủ” nước nhà. 

Buồn cười, thi cử nước ta
Đầu vào "Thị Nở", đầu ra "Chí Phèo"
Khối D thì "Phố huyện nghèo"
Khối C "Tiếng hát con tèo" lại ra
Năm ngoái là chuyện "Sông Đà"
Năm nay lại gặp cụ già Nguyễn Tuân...

Đã theo dõi đề thi nhiều năm qua, tôi thực sự thấy buồn khi đọc những đề thi văn của nước mình quá nhàm chán, cũ mòn và quanh quẩn. Thực trạng học hành thi cử môn văn của nước ta còn quá nhiều điều đáng bàn, ai cũng nói vậy, nhưng rồi năm này qua năm khác vẫn chẳng có mấy thay đổi.

Với cách ra đề kiểu như: “Giới thiệu tiểu sử tác giả", "Phân thích bài thơ", "Bình luận truyện ngắn” thì tôi thú thực học sinh chỉ có học vẹt cũng làm được. Hoặc học sinh chán không muốn học, sẵn sàng chấp nhận kết quả thấp.

Đề thi thường ra dạng “an toàn”, chọn những tác phẩm quen thuộc thì làm sao mà hấp dẫn được giới trẻ? Các em ngày nay càng hiện đại, có tư duy hướng ngoại mà bắt các em phân tích về chiến tranh, nông thôn, văn học Trung đại thì quả thực là...“ác mộng”.

Những đề thi như vậy chẳng khác gì như một"bước lùi" của tư duy. Vì vậy mới có tình trạng học sinh truyền tai nhau "bí quyết" học văn bao gồm 4 chữ kh: “Khó, khô, khổ, khò”. Bởi khi các em không muốn học nữa thì... ngủ là chuyện đương nhiên. Môn văn luôn bị thụt lùi về chất lượng học cũng như số lượng người đam mê, theo đuổi "hiếm" dần thì cũng là chuyện... đương nhiên.

Nội dung đề thi "trinh tiết" của FPT
Nội dung đề thi "trinh tiết" của FPT


Tôi phải nói giông dài như vậy, lòng vòng như vậy là để các bạn hiểu vì sao tôi hoàn toàn tán thành cách ra đề của Trường Đại học FPT. Nếu có tốn giấy mực của báo chí về vấn đề này thì đáng ra phải là ca ngợi chứ sao lại tranh cãi? Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một loạt các bài viết về chuyên gia trong thời gian qua quả thực tôi... không phục.

Như Phó GS. TS Văn Giá phát biểu: "Đề thi này mắc một sai lầm nghiêm trọng mà hễ tinh ý một chút dễ nhận ra. Người ra đề đã không giấu được chủ kiến của mình, bộc lộ nhiệt tình nghiêng về phía phụ nữ ngày nay không nhất thiết phải giữ trinh tiết, thậm chí quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng chẳng là điều gì nghiêm trọng". Tôi không đồng ý với PGS Văn Giá, vì nghĩ rằng ông đã “tưởng tượng” quá xa vấn đề rồi chăng? 
Sinh viên tham gia tuyển sinh ĐH FPT
Sinh viên tham gia tuyển sinh ĐH FPT

GS. Nguyễn Minh Thuyết lại cho rằng: "Đề thi của ĐH FPT thô tục đến khó chấp nhận": Không biết tận dụng những trang văn ý nhị, sâu xa của đại thi hào Nguyễn Du để đánh giá cảm thụ văn học... lại còn gắn với "màng nọ màng kia"(!). Tôi thấy Giáo sư đã là người của... thế hệ cũ, lại đem suy nghĩ cũ vào để bác bỏ một đề thi hiện đại là điều không nên. Quả thật, nếu phân tích những vần thơ, ý tứ trong truyện Kiều như GS. Thuyết nói thì chẳng sai chút nào, chỉ có điều nếu ai cũng cho rằng vấn đề này không nên bàn ở những kỳ thi thì có lẽ cũng hơi cực đoan rồi chăng? Và thực tế là khi đọc các bài viết đăng trên Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, tôi thấy ở mục khảo sát có đa số bạn đọc đã bấm nút "ủng hộ" đề thi và đa số cũng cho rằng đề thi không xúc phạm đại thi hào.

Đề thi trích dẫn từ những câu thơ của Nguyễn Du chỉ là cái cớ để dẫn dắt vào đề thi sao cho mềm mại, khéo léo chứ không có gì là sai lầm, hạ bệ Nguyễn Du hay hiểu sai quan niệm "trinh tiết", "cái màng trinh" cả. Tôi thấy rằng, nhiều quan điểm đang làm “rối” vấn đề lên, điều đó là không cần thiết. Và nói như Nhà văn Nguyên Ngọc thì “Sinh viên đã trưởng thành, đã là công dân, đã 18 tuổi, thì có thể chủ động suy nghĩ một vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề tình dục cũng là một vấn đề của con người, sinh viên cũng phải suy nghĩ... Và giờ cái gì có lợi, cái gì đúng, cái gì cần đề phòng học sinh sẽ tự cảm nhận được. Học sinh bây giờ có thể đầy đủ kiến thức để trả lời câu hỏi đó, không sao cả. Tôi nghĩ rằng, từ nay trong môi trường giáo dục, mình cũng không nên nói rằng phải tránh những chuyện trinh tiết, tình dục, nếu vẫn còn cách suy nghĩ như vậy là cũ kỹ và phong kiến. Tôi ủng hộ đề như Trường ĐH FPT vì có hai mặt lợi: Đó là một loại đề mở cho học sinh đã học 12 năm tạo cho mình một suy nghĩ, trở thành một người lớn thực thụ”.
Xã hội tự do, thì bàn về “cái màng trinh” ở kỳ thi Đại học chẳng có gì sai, và cũng chẳng có gì xấu xa cả. Đã bàn thì ở đâu cũng là bàn, như thế còn hơn là để học sinh bàn lén bàn lút rồi mắc phải vô số những sai lầm nghiêm trọng.
Trong khi ta có thể cho học sinh bàn về cuộc sống đa chiều, cả mặt tối lẫn mặt sáng như: Giới tính thứ 3, văn hoá Emo - “tôn thờ” chán nản, buồn rầu... Đề thi mà ca ngợi một chiều như các tác phẩm thời chiến thì chả ai còn muốn học văn, thi văn, giảng văn nữa.

Theo tôi, văn chương là một lĩnh vực rộng lớn, đề văn phải bao gồm tổng hợp nhiều kiến thức chứ không phải là học vẹt trong chương trình SGK. Còn nếu chúng ta không có các đề thi mở, mà năm nào cũng rập khuôn "từ chuyện Sông Đà đến cụ già Nguyễn Tuân" thì thật nhàm chán, và làm vậy chẳng khác nào chặt đi các nhánh tư duy mới của học sinh.

Dạy văn và học văn cốt là kiểm tra được sự cảm thụ, tư duy, diễn đạt của học sinh về các vấn đề nêu ra. Vì vậy, tôi đồng quan điểm ủng hộ đề thi này giống như nhiều bạn trẻ khác. Chúng ta chưa quen, và kịch liệt phản đối có lẽ chỉ là bởi đề thi này bàn tới một vấn đề mà xưa nay quá nhiều người cố né tránh, nhưng sự thực là thế hệ trẻ bây giờ... không muốn né tránh nữa.
Độc giả Huỳnh Hoàng Anh