Xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh trầm cảm

23/04/2012 12:15
Theo SGTT
Một nghiên cứu sơ bộ công bố trên tạp chí tâm thần học Translational tìm ra rằng một số dấu hiệu trong máu của các thanh thiếu niên bị trầm cảm khác với những người khỏe mạnh.
Một nghiên cứu sơ bộ công bố trên tạp chí tâm thần học Translational tìm ra rằng một số dấu hiệu trong máu của các thanh thiếu niên bị trầm cảm khác với những người khỏe mạnh. Vì vậy xét nghiệm máu cũng có thể chẩn đoán được căn bệnh này. Trong số các rối loạn tâm thần, trầm cảm là một căn bệnh khó chẩn đoán. Nguyên nhân của bệnh vẫn còn là một bí ẩn, các triệu chứng không thể xác định chính xác và phương pháp điều trị không hoàn toàn đồng nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy điều này có thể sẽ sớm thay đổi, bệnh trầm cảm giờ đây cũng có thể được chẩn đoán như bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư chỉ bằng một xét nghiệm máu đơn giản. Thử nghiệm được thực hiện trên 28 chỉ dấu sinh học lưu thông trong máu, có đến 11 trong số này có thể dự đoán sự hiện diện của trầm cảm ở mức độ chính xác dao động từ trung bình đến lớn. Các bác sĩ hy vọng có thể giúp thanh thiếu niên có tâm trạng tệ hơn những người bình thường được cải thiện nhờ vào điều trị sớm. Hơn thế nữa, bằng cách sử dụng dữ liệu khách quan qua xét nghiệm máu để chẩn đoán chứng trầm cảm, các nhà nghiên cứu mong rằng có thể loại bỏ sự lo sợ và kỳ thị thường ngăn bệnh nhân tìm đến bác sĩ. Số liệu từ báo cáo liên bang năm 2011 ước tính có 2/3 trong số hai triệu thanh thiếu niên bị trầm cảm quá bối rối hoặc xấu hổ khi tìm đến sự giúp đỡ từ người khác.
Trầm cảm trước nay vẫn là một căn bệnh khó chẩn đoán, nay có thể dùng xét nghiệm máu đơn giản để chẩn đoán được căn bệnh này giống như các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Ảnh: Getty Images
Trầm cảm trước nay vẫn là một căn bệnh khó chẩn đoán, nay có thể dùng xét nghiệm máu đơn giản để chẩn đoán được căn bệnh này giống như các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Ảnh: Getty Images
Nghiên cứu này được hoan nghênh và đánh giá cao vì tập trung vào phát hiện bệnh trầm cảm từ sớm. Tìm ra cách can thiệp ngay từ khi cơn trầm cảm đầu tiên xuất hiện trong cuộc sống của thanh thiếu niên trước khi nó tạo thành “phim nhiều tập” lặp đi lặp lại khiến họ phải tìm đến các phương pháp điều trị khẩn cấp, bà Eva Redei, một giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại trường Y khoa Chicago, đại học Northwestern Feinberg cho biết. Ban đầu nghiên cứu được thực hiện trên chuột. Sau nhiều thế hệ, các nhà nghiên cứu xác định được 11 chỉ dấu sinh học riêng biệt thường được tìm thấy trong não và máu của chuột bị trầm cảm nhưng lại không có trong các động vật khỏe mạnh. Sau đó, các nhà nghiên cứu đưa thử nghiệm vào trong một nhóm 14 thanh thiếu niên bị trầm cảm trong độ tuổi từ 15-19 và một nhóm 14 đối tượng khỏe mạnh. Kết quả là nhóm thanh thiếu niên bị trầm cảm có nồng độ 11 chỉ dấu sinh học trong máu cao hơn đáng kể so với nhóm còn lại. Ngoài ra, còn có 18 chỉ dấu sinh học có thể phát hiện giữa thanh thiếu niên chỉ bị trầm cảm với những người bị trầm cảm kết hợp với lo lắng. Nhóm nghiên cứu của bà Redei đang mở rộng nghiên cứu với những nhóm đối tượng đa dạng hơn bao gồm cả những người có các bệnh tâm thần khác, rối loạn lưỡng cực hoặc bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm nặng để hoàn thiện xét nghiệm và có thể sớm đưa xét nghiệm này vào ứng dụng thực tế.
Theo SGTT