Xét xử cựu Tổng giám đốc xài sang

22/06/2011 09:49
(GDVN) - Hôm nay, TAND TP. Hà Nội đã xét xử các bị cáo Trần Văn Khánh và Nguyễn Văn Hiếu về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
(GDVN) - Hôm nay, TAND TP. Hà Nội đã tiến hành xét xử các bị cáo Trần Văn Khánh (62 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty vật tư Nông nghiệp – Bộ NN&PTNT) và Nguyễn Văn Hiếu (52 tuổi, nguyên giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Thành Lợi) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Lùi thời gian hợp đồng để hưởng tiền tỷ
Hai bị cáo Khánh và Hiếu trước tòa ngày hôm nay
Hai bị cáo Khánh và Hiếu trước tòa
Theo cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội: vì động cơ vụ lợi trong hai năm 2003 và 2004, Tổng giám đốc Khánh đã thông đồng với giám đốc Hiếu đã làm trái công vụ trong việc kí kết mua bán phân Urea và hợp đồng thuê ôtô Mercedes nhằm rút tiền Nhà nước hưởng lợi cá nhân.
Cụ thể, bằng thủ đoạn gian dối về số lượng nhập mua 5995,187 tấn phân Urea trong hợp đồng ngày 25/8/2003 và hợp đồng bán phân Urea ngày 10/10/2003 các bị cáo Khánh và Hiếu đã ghi lùi thời gian mua, bán hàng hóa trong hợp đồng để tạo chênh lệnh giá. Nhờ vào đó, các bị cáo đã bòn rút hơn 1,6 tỷ đồng của công quỹ. Trong số này, ông Khánh chiếm hưởng hơn 1,5 tỷ đồng, ông Hiếu được 45 triệu sau khi đã nộp VAT 45 triệu đồng. 
Trong một vụ việc khác, năm 2004,  Trần Văn Khánh đã lợi dụng chức vụ, dùng vốn của Tổng công ty mua ôtô Mercedes S420 giá 1,57 tỷ đồng nhưng nhờ Nguyễn Văn Hiếu đứng tên trong hợp đồng mua xe.
Để thanh toán tiền mua xe ô tô, ngoài số tiền vay của bà Nguyễn Thị Dung, Trần Văn Khánh đã sử dụng số tiền 960 triệu đồng Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp  phải thanh toán số tiền thuê chính chiếc xe ô tô của Khánh với giá 48 triệu đồng mỗi tháng để trả gốc và lãi cho Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp.
Đồng thời Khánh còn sử dụng hơn 160 triệu đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp để sơn và sửa chiếc xe ô tô này. Sử dụng xe sang vượt quá tiêu chuẩn của một tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước nhưng chiếc Mercedes S420 ít được ông Khánh sử dụng.
Gửi xe ở bãi quá lâu nên thi thoảng có người phải nổ máy để bảo dưỡng. Trên sổ sách theo dõi của Tổng công ty, từ ngày 11/2004 đến ngày 30/6/2006 xe chỉ hoạt động hơn 2.000 km vào mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty khi đưa ông Tổng giám đốc này đi công tác vài chuyến. Trong việc này Trần Văn Khánh đã hưởng lợi cá nhân số tiền hơn 1,12 tỷ đồng của nhà nước.
Phiên tòa nhiều tranh cãi
Trước đó, trước một số ý kiến của luật sư rằng hành vi trên đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử phạt hành chính, TAND TP. Hà Nội tuyên trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng một hành vi không thể xử lý hai lần. Tại bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo với ông Khánh của Bộ Nông nghiệp là quyết định hành chính.
Tuy nhiên, phạm vi chỉ là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc "thuê xe, quản lý và sử dụng không đúng quy định của nhà nước, vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".  Kết luận điều tra cũng nêu rõ "Quá trình thuê ôtô, Trần Văn Khánh và đồng bọn đã có hành vi trái công vụ vì động cơ vụ lợi gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1,12 tỷ đồng là hành vi nằm ngoài phạm vi điều chỉnh quyết định 3321/QĐ-BNN-TCCB của Bộ Nông nghiệp"
Tại phiên tòa, đại diện của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp là nguyên đơn giữ nguyên quan điểm: "Chưa xảy ra thiệt hại đối với cơ quan này và cũng chưa đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại".
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiếu cho rằng: “Các hợp đồng mua bán xe là có thật và đã được công chứng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không chứng minh được ông Khánh chiếm hưởng cái gì trong việc mua xe. Và theo tôi bị cáo Nguyễn Văn Hiếu không vi phạm ở mức độ đồng phạm với ông Trần Văn Khánh”.
Theo luật sư Phạm Hồng Hải bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khánh: “Điều 281 bộ luật hình sự cấu thành vật chất nên phải xảy ra hậu quả thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự, còn cùng lắm thì phải chịu xử phạt hành chính. Mà phía Tổng công ty Vật tư nông nghiệp cũng chưa có văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại mà đó chỉ là công văn trả lời các cơ quan điều tra”.
Trước quan điểm của các vị luật sư, đại diện VKSND TP.Hà Nội nói: “ Trong hai hợp đồng mua và bán phân Urea, cơ quan công tố căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra. Sau này khi ra tòa, các bị cáo lại thay đổi lời khai vì cho rằng mình bị ép cung là không có cơ sở. Còn về hành vi mua xe, cơ quan công chứng chỉ xác định được năng lực hành vi dân sự chứ không có trách nhiệm chứng minh nó có phải là hồ sơ khống hay không. 
Cơ quan điều tra đã chứng minh được các sai phạm của các bị cáo trong việc mua xe. Sau này các cơ quan điều tra, chính bị cáo Khánh đã chỉ đạo cho bị cáo Hiếu khai báo sao cho hợp thức. Điều này thể hiện rất rõ trong lời khai của bị cáo Hiếu. Giữ quyền công tố, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ nguyên quan điểm trước tòa án”.
Theo luật sư Phạm Hồng Hải: “Đây là vụ việc kinh tế nên không thể hình sự hóa, chuyện mua đắt hơn so với thời điểm trước ký hợp đồng thế nhưng người ta bán ra với giá cao hơn thì sao? Kinh tế thị trường thì thế. Nhìn nhận vụ án trên quan điểm kinh tế thị trường thì nhìn nhận hành động của các bị cáo một cách khách quan hơn”.
Chiều nay, phiên tòa tạm dừng để HĐXX nghị án và tuyên án vào 14h30 chiều mai.
Tuệ Minh