Thu phí bảo trì đường bộ: Quá gấp gáp!

23/04/2012 19:22
Thế Kha/ Người Lao Động
Bộ GTVT khẳng định từ ngày 1/6, bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, xe máy nhưng tới nay còn ngổn ngang bao việc chưa làm xong.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng lộ trình mà Bộ GTVT đưa ra trong việc thực hiện thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ là quá gấp. Việc thu phí sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt doanh nghiệp vận tải, khoảng 40% dân số đang sử dụng 1,5 triệu ô tô và hơn 28 triệu xe máy nên cần phải đề ra lộ trình thực hiện.

Quá nhiều việc chưa chuẩn bị

Theo ông Liên, thu phí đối với ô tô thì đơn giản nhưng với xe máy sẽ rất khó khăn nên tốt nhất là hoãn thu tới đầu năm 2013. “Đến thời điểm hiện tại, còn quá nhiều việc chưa chuẩn bị như tập huấn cho các đơn vị đăng kiểm và địa phương về nghiệp vụ, chứng từ, biểu mẫu thu, hạch toán…” - ông Liên nói.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định hệ thống trạm, trung tâm đăng kiểm hoàn toàn sẵn sàng cho việc thu phí đối với ô tô qua mỗi lần đăng kiểm.
 
Chính quyền các cấp vẫn chưa kịp chuẩn bị cho việc thu phí bảo trì đường bộ. Ảnh: Đỗ Du.
Chính quyền các cấp vẫn chưa kịp chuẩn bị cho việc thu phí bảo trì đường bộ. Ảnh: Đỗ Du.

Tuy nhiên, cái khó nhất là thu phí đối với xe máy thì được Bộ GTVT đẩy sang cho UBND cấp tỉnh quy định mức phí cụ thể dựa trên mức khung do Bộ GTVT và Bộ Tài chính ban hành. Trong đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ trực tiếp thống kê và thu phí đối với xe máy nhằm mục tiêu “chống thất thoát”.

Thế nhưng, thực tế cho thấy chính quyền các cấp này vẫn chưa có động thái nào chuẩn bị cho việc thu phí.

Một lãnh đạo xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy - Phú Thọ cho rằng việc thống kê và thu phí đối với xe máy không hề dễ dàng. Theo bà Lê Kim Hoa, Chủ tịch UBND phường Cát Linh, quận Đống Đa - Hà Nội, đến nay, cơ quan này chưa nhận được chỉ đạo nào về việc tiến hành thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, nếu có chỉ đạo thì cũng làm sao nắm được mỗi gia đình trên địa bàn có bao nhiêu xe máy, xe nào chính chủ, xe nào mượn… để thu. “Với số lượng cán bộ, công chức của phường hiện tại thì không thể đảm đương thêm công việc thu phí này” - bà Hoa phân trần.

Cân nhắc thời điểm thu

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2012/CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ do Bộ GTVT xây dựng, xe máy sẽ phải đóng mức phí từ 80.000 - 180.000 đồng/năm, tùy theo dung tích xi-lanh. Mức phí đối với ô tô sẽ từ 180.000 – 1.440.000 đồng/xe/tháng, tối đa là 16.760.000 triệu đồng/năm.

Trước kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội về việc lùi thời điểm thu phí đến năm 2013, Bộ GTVT khẳng định việc xây dựng và ban hành Nghị định 18/2012/CP được thực hiện theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 và triển khai đúng trình tự, thủ tục quy định nên không có yếu tố bất ngờ. Vì vậy, việc thu phí bảo trì Đường bộ đối với ô tô, xe máy vẫn sẽ được bắt đầu từ ngày 1/6.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng các mức phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, xe máy mà Bộ GTVT đưa ra cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. “Sự cân nhắc này không chỉ ở khung phí Bộ GTVT đưa ra có hợp lý hay không mà còn là việc có nên thu từ ngày 1-6?”- bà Cúc nói.

Theo một quan chức của Bộ Tài chính, cơ quan này đang thẩm định dự thảo mức phí do Bộ GTVT gửi sang. Tuy nhiên, đánh giá ban đầu cho thấy bản dự thảo còn khá sơ sài.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết nhiều vấn đề trong dự thảo do Bộ GTVT đưa ra còn phải tiếp tục rà soát, bàn thảo như quy trình thu, lộ trình thực hiện, quản lý quỹ này thế nào cho hiệu quả… “Đó là những điều rất căn cơ nên phải tính kỹ” - ông Lợi nói.

Cần công khai các trạm thu phí bị bỏ

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề nghị làm rõ một số điểm trong dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2012/CP. Trong dự thảo, Bộ GTVT không nói rõ khi bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ thì có xóa bỏ 19 trạm thu phí của Nhà nước hay không? Sáu trạm thu phí đã bán thương quyền sẽ hết hạn vào thời điểm nào?

Theo ông Hùng, cơ cấu giá vé qua các trạm thu phí hoàn vốn BOT sau này cũng cần được tính toán lại để tránh tình trạng người dân phải đóng phí bảo trì đường bộ hai lần. Ngoài ra, khi thu phí bảo trì đường bộ, các cơ quan liên quan cần xóa bỏ phí xăng dầu 1.000 đồng/lít bởi thực chất trước đây nó có tên là phí giao thông.

Thế Kha/ Người Lao Động