Bộ trưởng Thăng có dám chi 10 tỷ để "lấy" sáng kiến giao thông?

25/04/2012 06:27
Thành Chung
(GDVN) - Nếu Bộ GTVT phát động cuộc thi lấy ý kiến và có phần thưởng cho những sáng kiến đột phá, tính khả thi trong việc phát triển đồng bộ và giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông, chắc chắn người dân và các chuyên gia sẽ sẵn sàng có sáng kiến giao thông. Vậy trước dư luận xã hội và sự bế tắc của việc chống ùn tắc, Bộ trưởng Thăng có dám chi 10 tỷ để lấy một sáng kiến giao thông...?
Bộ trưởng Đinh La Thăng đang "đơn độc" trước vấn nạn ùn tắc giao thông? Đó là câu chuyện được nhiều độc giả của báo điện tử Giáo dục Việt Nam khi chia sẻ và sẵn sàng có những ý kiến đóng góp, sẵn sàng hiến kế cho Bộ GTVT cùng giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Nhiều người mong muốn được gửi tới vị Bộ trưởng từng được biết tới và mệnh danh là quyết đoán của ngành Giao thông. Vấn nạn ùn tắc đường trong suốt thời gian qua luôn được người dân ở các đô thị lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh quan tâm sát sao. Đặc biệt là khi Bộ trưởng Đinh La Thăng bắt đầu ngồi vào chiếc “ghế nóng” ở Bộ Giao thông vận tải, giữ cương vị là Tư lệnh của ngành này. Ông đã có những quan điểm, thái độ dứt khoát của một vị Tư lệnh trước vấn nạn tắc đường đang gây nhiều phiền toái và bức xúc trong dư luận.
Bộ trưởng Thăng có dám chi 10 tỷ để lấy sáng kiến giao thông? (Ảnh minh họa/ Internet)
Bộ trưởng Thăng có dám chi 10 tỷ để lấy sáng kiến giao thông? (Ảnh minh họa/ Internet)

Qua một số những giải pháp đồng bộ mà ông Bộ trưởng và Bộ GTVT đưa ra và một số việc ông đã thực hiện trong thời gian qua, cùng với hiệu quả của những giải pháp đó thì trong dư luận đã nảy sinh rất nhiều những ý kiến trái chiều, tranh luận xung quanh đó. Đặc biệt với đề án thu phí giao thông, trong đó có thu phí hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm vừa mới được đề xuất lên Chính phủ với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông vẫn đang là tiêu điểm nóng trong dư luận cả nước.
Trong khi một số người coi đó là một tín hiệu đáng mừng và hi vọng vấn đề ùn tắc giao thông sẽ được cải thiện tốt đẹp hơn. Nhưng đa phần lại có những ý kiến cho rằng đâu phải cứ nói, cứ đánh vào túi tiền của người dân là đã làm được ngay việc giải quyết ùn tắc mà đây là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự kiên trì và những giải pháp đồng bộ của tất cả các ngành, các tổ chức trong xã hội...  Giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông đâu chỉ phải một mình ngành Giao thông, một mình Bộ trưởng Thăng có thể làm được mà phải là sự đồng tâm, đồng lòng, cùng góp sức của các Bộ, ngành, UBND các thành phố, đặc biệt là sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Tắc đường do nhiều nguyên nhân, người này đổ lỗi cho người kia, xe nọ đổ lỗi cho xe kia... nhưng có bao giờ có ai nghĩ được sâu xa rằng tại sao lại tắc đường như vậy không?, một con đường thường ngày đi không sao, tự nhiên sáng hôm nay dậy đi lại bị tắc là sao?, cái này không thể đổ lỗi do đường hẹp, hay xe máy hay ô tô chen lấn, bản thân nó gây ra tắt đường được không? nó tự chen lấn được không?...  Từ đó mới thấy được bản chất của vấn đề, dù Bộ trưởng Thăng có đề xuất thu phí để hạn chế xe cá nhân, đổi giờ làm, hay làm gì đi nữa mà cái gốc không giải quyết thì cũng không làm được gì chỉ tốn tiền của nhà nước, của nhân dân mà thôi. Cái cần giải quyết đó là tầm nhìn của những người quản lý, qui hoạch giao thông hiện nay phải xa hơn, rộng hơn, thực tế hơn. Thêm vào đó, dù có xây được cả bao nhiêu đường cao tốc mà người tham gia giao thông vẫn đi ngược chiều, chen lấn, xô đẩy, vượt đèn đỏ, chiếm lấn lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán... thì câu chuyện tắc đường cũng vẫn cứ thế mà xảy ra thôi. Nâng cao tầm nhìn của qui hoạch, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, đó mới là mấu chốt vấn đề. Nhưng mà để giải quyết vấn đề được những vấn đề này thì không hề đơn giản. Đơn cử như việc ý thức tham gia giao thông đã ăn sâu vào tiềm thức của cả một thế hệ hiện nay rồi nên việc thay đổi ngay trong một sáng, một chiều là không tưởng mà nó phải được thực hiện đào tạo, giáo dục ngay từ đầu ở các thế hệ sau này.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cùng với đó nhiều ý kiến cũng khẳng định, Bộ trưởng Thăng cũng khó có thể “chữa” được vấn nạn ùn tắc được bởi bên cạnh ý thức của người dân khi tham gia giao thông thì còn ở vai trò phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành khác trong công tác quy hoạch đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn, phát triển các loại hình phương tiện công cộng phục vụ người dân... Bộ trưởng Thăng chỉ là Tư lệnh ngành giao thông còn quy hoạch, xây dựng đô thị, nhà cao tầng mọc lên như nấm trong khu vực nội thành, dân số, quỹ đất cho giao thông, việc di chuyển các cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô... thì ông đâu phải là người có quyền quyết định được. Các giải pháp của ông có tốt, có mạnh tay nhưng nếu các tồn tại trên chưa được giải quyết triệt để thì chắc sẽ khó có thể thành công được...
Bộ trưởng có dám chi 10 tỷ đồng để lấy một sáng kiến giao thông?
Từ việc nhìn nhận thấy những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trên dẫn đến vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn diễn ra ngày thêm trầm trọng, rất nhiều độc giả, các chuyên gia đã gửi thư đến báo Giáo dục Việt Nam đưa ra những đề xuất, những sáng kiến, hiến kế... để góp phần cùng giải quyết vấn đề này. Và thực tế trong nhiều ngày qua, đã có rất nhiều ý kiến được gửi tới và đăng tải. Tuy nhiên, khi gửi thư về báo Giáo dục Việt Nam, rất nhiều độc giả cũng bày tỏ, mong muốn, nếu được thưởng thì chắc chắn người dân và các chuyên gia sẽ đưa ra những sáng kiến, hiến kế cụ thể, hữu ích, khả thi hơn cho ngành giao thông để giải quyết vấn nạn ùn tắc. "Thực tế, trước đây với những phát minh, sáng chế hữu ích và bây giờ mới chỉ là những ý tưởng, sáng kiến nhưng nếu phù hợp, mang lại những hiệu quả thì việc người đưa ra được thưởng, được mua lại bằng một số tiền nhất định là chuyện hết sức bình thường không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Vậy thì ở đây, nếu Bộ trưởng Thăng có một mức thưởng nào đó đưa ra, chẳng hạn là 10 tỷ để đổi lấy một sáng kiến hữu ích. Tôi dám chắc chắn rằng, khi đó, người dân và các chuyên gia sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, hiến kế cụ thể, phù hợp, mang tính tổng thể đồng bộ, khả thi và mang lại hiệu quả cho ngành giao thông trong công cuộc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông", độc giả Nguyễn Huy Hùng (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ. Độc giả Lê Văn Bách (Hà Nội) cũng cho rằng: "Nếu được thưởng thì một điều chắc chắn là sẽ tạo ra sự khích lệ đối với người dân và các chuyên gia trong việc tìm hiểu, mổ xẻ thật kĩ các nguyên nhân và đưa ra những sáng kiến, hiến kế hiệu quả nhất cho việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Tôi mong muốn Bộ trưởng Thăng nên xem xét việc này sẽ hay hơn là cứ đánh vào túi tiền người dân". Vậy thì trước những ý kiến của dư luận xã hội và những tồn tại, hạn chế mà nói rõ ràng hơn là sự bế tắc của việc chống ùn tắc giao thông hiện nay đang gặp phải, liệu Bộ trưởng Thăng, với tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm của mình có dám chi 10 tỷ đồng để đổi lấy một sáng kiến giao thông hữu ích từ người dân và các chuyên gia?. Câu hỏi này xin được dành để gửi tới Bộ trưởng...


Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về báo điện tử Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ
: toasoan@giaoduc.net.vn
Thành Chung