Mã số 45

Người thầy giáo già và gánh nặng nuôi ba người con điên dại

08/05/2012 06:00
Văn Định
(GDVN) - Cả một đời thầy âm thầm chèo lái con thuyền tri thức, bao thế hệ học trò đã lớn khôn. Nhưng đằng sau sự cao cả ấy là nỗi đau tột cùng khi cả 3 người con của thầy đều điên dại.
Ông là Nguyễn Hữu Thảo, ở xóm 2, thôn Hạ Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Nỗi đau lần lượt ập đến


Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Thảo vào một chiều tàn, dường như những tia nắng cuối ngày như đang cố hắt lên cho bầu trời bớt xám. Sau một hồi hỏi thăm trong ngõ quê ngoằn nghoèo chúng tôi đứng trước nhà ông.

Theo chân ông chúng tôi rảo bước vào nhà, và chủ động ngồi vào ghế, ông run run pha ấm trà đãi khách, giường “ngự” bên cạnh chúng tôi là một người đàn ông gần tuổi lục tuần, chân tay, miệng cứ run cầm cập, va vấp vào nhau, nhẹ nhàng ông Thảo nói với: “Nằm xuống đi con, rồi bố lấy cơm cho”. Đó là người con đầu của ông tên là Nguyễn Thanh Bình năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi rồi nhưng không biết gì.

Rơm rớm nước mắt, dường như nỗi buồn vô hạn ấy đã gặp người cần chia sẻ, cảm thông ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.

Năm 1950 chàng trai Nguyễn Hữu Thảo mang bao hoài ước và lòng yêu nước, thông minh, tài giỏi nên được quân đội giữ lại làm cán sự huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 1952 ông lập gia đình cùng bà Trần Thị Hồng (SN 1929), hai vợ chồng sống cuộc sống nơi vùng quê nghèo, đến năm 1954 ông quyết định rời ghế quân đội về quê dạy học, ông dạy trường Tiểu học Nhân Chính.

Bốn lần sinh con là bốn lần ông thấp thỏm chờ đợi, niềm vui của ông bà như được nhân lên gấp nhiều lần. Khi cái đói khổ nhiều khi chẳng có gì lo cho sáu miệng ăn trong gia đình, nhưng đổi lại ông bà lại thấy tự hào khi các con sinh ra đều học giỏi.

Người con đầu tên là Nguyễn Thanh Bình (SN 1954), khi sinh ra và lớn lên như thừa hưởng cái thông minh của cha mẹ, nhà nghèo nhưng anh học rất giỏi, luôn dẫn đầu lớp, trường, đang học năm thứ 3 Đại học Bách Khoa vì nghĩa vụ kháng chiến đất nước đang trong giai đoạn đầy cam go, anh theo tiếng gọi cách mạng vào chiến trường miền Nam kháng chiến.

Khi đất nước hoàn toàn hòa bình, năm 1977 anh Bình về tiếp tục theo mơ ước đang còn dang dở trên ghế nhà trường, vì học giỏi nên nhà trường đã giữ anh lại và năm 1980 được cử vào Nam công tác, sau đó làm tại Bộ Thủy Lợi. Nhưng do làm ăn công trình thua lỗ, anh Bình bị tịch thu toàn bộ tài sản, trở thành kẻ trắng tay.

Tài sản duy nhất của vợ chồng và 2 đứa con thơ dại là ngôi nhà đứng tên người vợ nhưng vì thấy chồng suy sụp, nên cô vợ đã lặng lẽ bán căn nhà duy nhất ấy cùng hai đứa con đi theo người đàn ông khác.

Chán nản cuộc đời bất hạnh của mình, mất hết tất cả: gia đình, con cái, người thân, tài sản, ngay cả người vợ “đầu gối tay ấp” cũng rời bỏ mình từ đó đến nay Nguyễn Thanh Bình đã phát điên, đầu óc không bình thường nữa. Chua xót trước bất hạnh của con, ông bà khăn gói vào Nam đón con về bên gia đình.

Nguyễn Văn Minh người con trai thứ hai vì hung dữ hay đánh người nên người cha già nhìn con nhốt trong gian nhà do mình xây nên.
Nguyễn Văn Minh người con trai thứ hai vì hung dữ hay đánh người nên người cha già nhìn con nhốt trong gian nhà do mình xây nên.


Uống một ngụm nước, ông kể về người con thứ hai cũng bất hạnh không kém người anh đầu là mấy. Đó là anh Nguyễn Văn Minh (SN 1957) học giỏi nên lớn lên Minh theo học Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp, năm 1980 Bộ Nông nghiệp điều anh về miền Nam công tác.

Không biết nguyên do từ đâu, từ một người tài giỏi càng ngày Minh càng có những biểu hiện bất thường sau đó phát điên, lại lần nữa đôi vợ chồng già rơi nước mắt đón con trở về bên gia đình, tiện chăm sóc lo cho con, đưa con chạy hết bệnh viện này, bệnh viện nọ để chữa trị nhưng đều vô tác dụng.

Ông Thảo nhớ lại: “Năm lần tôi đưa thằng Minh đi bệnh viện tâm thần Cao Đà là năm lần Minh tìm cách gây sự, đánh đập mọi người sứt đầu mẻ trán, về sau bất lực trước con nên vợ chồng tôi đã phải làm một gian nhà để nhốt con lại”.

Nỗi đau ấy như đứt từng khúc ruột, thương con đến đau lòng nhưng biết làm sao được vì nếu mở con ra thì con lại đi đánh người, thậm chí đánh cả cha mẹ vì trong tâm chí của Minh lúc này không phân biệt nổi đâu là ai, đến nay đã gần 30 năm Minh ở trong phòng giam đó và phải xích lại.

Những bất hạnh cứ ùa nhau ập đến bên gia đình người thầy giáo nghèo ấy, đẻ người con trai thứ ba mong muốn con lành lặn, sau này còn có người bấu víu nhưng đổi lại anh Nguyễn Hữu Tuân (SN 1966), khi sinh ra Tuân rất khỏe mạnh, lanh lợi nhưng bất hạnh lại một lần nữa ập lên gia đình ông khi được 3 tuổi thì Tuân đã mắc phải căn bệnh viêm não đặc tính, mất hết chí nhớ.

Ông bà lại một lần nữa chạy vạy xóm giềng lo chạy chữa cho con, hy vọng con bình thường trở lại, bao nhiêu thuốc men. Ông Thảo nhớ lại: “Nhìn các con mà tôi chưa một ngày được thanh thản, lúc thằng Tuân nó bị bệnh chạy chữa khắp các bệnh viện trung ương, nợ không biết bao nhiêu là tiền các chú ạ, mà bệnh tình con không hề thuyên giảm.” Cũng vì di chứng của bệnh não nên chân tay anh Tuân càng lớn lên càng bé và khèo lại không làm được việc gì.

Được người con gái út tên là Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1973), lớn lên làm ăn rồi lấy chông quê Thái bình nhưng vì khốn khó nên hai vợ chồng cô đã vào Nam làm ăn cũng chẳng có gì để giúp gia đình.

“Nhìn người ta mà thương xót cho bản thân mình…”


Ông buồn lắm khi nhìn thấy các con đau ốm nhưng vẫn luôn tỏ ra cứng rắn, lạc quan cùng vợ con nuôi dạy các con. Cuộc đời dạy học của mình gần 30 năm rồi nghỉ hưu, không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã nên người qua bàn tay dạy dỗ của ông, người thầy tận tụy cho tới khi về già.

“Nhìn thấy học trò ngoan, học giỏi tôi mừng lắm, mong các em cố gắng học hành nên người. Nhìn người ta mà thương xót cho bản thân mình. Nghĩ lại về các con mình mình tủi thân quá, thương các con vô cùng”. Những giọt nước mắt đắng chát thầm rơi khẽ từ trong khóe mắt đã không biết rơi bao lần từ người thầy ấy, người cha già đang từng ngày lay lắt bươn trải lo cho con từng bữa.

Mỗi tháng ông được nhà nước trợ cấp gần 2 triệu tiền lương hưu, cộng thêm 180 nghìn tiền trợ cấp hàng tháng của người con bị thần kinh nhưng chi phí thuốc men đã cắn mòn gần hết, năm miệng ăn giờ đây chỉ biết trông chờ vào tiền lương hàng tháng của người cha già: “Ốm đau lại đi vay mượn hàng xóm chứ già cả này rồi chẳng làm được gì nữa, khổ lắm các chú ạ”.

Nay ông Thảo và bà Hồng đã bước sang tuổi ngoài 80 . Cái tuổi mà theo quy luật cuộc đời, chẳng mấy chốc ông bà cũng phải sang bên kia thế giới. Nhưng cái sự “ra đi ấy”, làm sao ông bà có thể thanh thản được khi mà 3 đứa con ông cứ điên điên dại dại trên đời, đến bố mẹ đẻ ra cũng chẳng biết, bản thân chúng cũng chẳng biết mình là ai, nỗi đau ấy tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ bên vùng quê yên ắng, lặng lẽ tràn ngập nỗi đau của đôi vợ chồng cả một đời vì đất nước, nâng đỡ các thế hệ học trò nên người và nhận hết những nỗi đau về riêng mình.

Ở bên ngôi nhà nhỏ của gia đình Ông Nguyễn Hữu Thảo luôn mang nỗi buồn mênh mang khi ở tuổi xế chiều rồi nhưng con cái đều bệnh tật, con ốm đau thì ông bà chăm sóc được, chứ khi sức yếu ốm đau ai sẽ chăm lo cho ông bà?

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Ông Nguyễn Hữu Thảo, ở xóm 2, thôn Hạ Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Mã số 45

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu
Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Video Clip









Văn Định