Dân Nhật quyên góp tiền mua quần đảo tranh chấp

26/04/2012 06:13
Theo VietnamPlus
(GDVN) - Nhiều người Nhật quyên góp hàng chục nghìn yen để chính quyền Tokyo mua quyền sở hữu quần đảo Senkaku sau khi Thị trưởng thành phố có ý định mua quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc này.
Sau khi Thị trưởng thành phố Tokyo Shintaro Ishihara ngày 17/4 tuyên bố ý định mua quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc, chỉ trong vòng 4 ngày đã có hơn 3.500 ý kiến của người dân về vấn đề này, trong đó khoảng 90% tán thành kế hoạch của ông Ishihara và có nhiều người quyên góp hàng chục nghìn yen để chính quyền Tokyo mua quyền sở hữu quần đảo này từ tay tư nhân. 

Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).

Tiếng nói tán thành đang lan rộng hơn ở Nhật Bản.
Theo nhân viên chịu trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của người dân, tiếng nói ủng hộ nhiều như vậy là việc hiếm thấy.

Phó Thị trưởng Naoki Inose cho biết sẽ mua quần đảo Senkaku bằng ngân sách của thành phố Tokyo, nhưng nếu quyên góp được tiền từ người dân Tokyo và người dân Nhật Bản, thì sẽ giảm bớt được gánh nặng ngân sách.
Hiện đã có hơn 30 người gửi tiền quyên góp tới Tòa thị chính Tokyo. 
Phó Thị trưởng Inose cho rằng sau thảm họa động đất, sóng thần, ý thức người dân về lãnh thổ đã trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Thị trưởng Ishihara cho rằng hành động này của người dân rất mạnh mẽ, biết lo lắng cho đất nước và thể hiện rõ tình cảm yêu nước. 
Chính quyền thành phố Tokyo dự định tiến hành giải thích về mục đích mua quần đảo Senkaku tại phiên họp sớm nhất là vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura ngày 24/4 cho biết Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ gặp Thị trưởng Ishihara vào cuối tuần này để trao đổi ý kiến về ý định mua quần đảo Senkaku của ông Ishihara.
Theo tư liệu của Nhật Bản, quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, gồm 5 đảo và 3 bãi đá ngầm ở biển Hoa Đông, cách đảo Okinawa khoảng 400 km về phía tây. 
Năm 1895, quần đảo này được sáp nhập vào lãnh thổ Nhật Bản. Trước đây có cơ sở chế biến cá thu, nhưng nay là đảo không người. Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, người ta đã nói đến khả năng có kho tài nguyên dưới lòng đất như dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển xung quanh quần đảo này và Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku từ đó.
Theo VietnamPlus