Từ chức, nếu không đủ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

27/04/2012 11:38
Sáng 27-4, Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến các đoàn đại biểu Quốc hội, nghe và thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị "bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh tương đương bộ trưởng trở lên".

Phát biểu tại hội nghị, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị "bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh tương đương bộ trưởng trở lên".

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của đề án nêu trên là việc: hằng năm tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Văn Chiến cho biết kết quả bỏ phiếu được công bố công khai; người không đủ phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012 (kỳ họp thứ 4).

Như vậy, nếu đề án này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới đây và có quy chế cụ thể tại kỳ họp thứ 4, việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể được tiến hành từ năm 2013.

Chất vấn những vấn đề bức xúc

Theo đề án, đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp sẽ dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp. Bố trí phiên chất vấn vào cuối kỳ họp để đại biểu Quốc hội có thời gian chuẩn bị câu hỏi chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn một số nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng từng vấn đề.

Hội nghị trực tuyến của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì

Hội nghị trực tuyến của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì

Hằng năm tổ chức ít nhất hai lần chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Quốc hội giao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn; ít nhất hai lần báo cáo giải trình tại Hội đồng dân tộc, từng ủy ban của Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực hội đồng, ủy ban phụ trách. Mở rộng đối tượng tham gia chất vấn, báo cáo giải trình.

Thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn, báo cáo giải trình; tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và trực tuyến để đại biểu, nhân dân theo dõi.

Rút ngắn thời gian kỳ họp

Việc tổ chức kỳ họp Quốc hội sẽ theo hướng rút ngắn thời gian, song vẫn hoàn thành nội dung chương trình và bảo đảm chất lượng. Tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Quốc hội ở địa phương dành thời gian tiếp xúc, thâm nhập đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử.

Đại biểu Quốc hội ở trung ương ngoài tiếp xúc cử tri nơi ứng cử cần dành thời gian tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà mình lựa chọn.

Thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc; bảo đảm để đại biểu Quốc hội có điều kiện trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”; tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thẳng thắn giữa cử tri với đại biểu và dành thời gian thích đáng để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị.

Chiều nay 27-4, hội nghị sẽ nghe và thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế.

V.V.THÀNH/Tuổi trẻ