Nước mắt đau đớn của vợ tên cướp tà dâm

28/04/2012 14:51
Phiên xử tên cướp đồi bại có máu sát nhân khiến nhiều người thấy đắng lòng.

Phiên xét xử công khai giúp người dân xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) hiểu rõ hơn bộ mặt của tên cướp háo sắc có máu sát nhân và cũng khiến nhiều người đắng lòng khi bắt gặp cảnh người vợ trẻ ôm con nhỏ, mặt gằm cúi mà nước mắt rơi lã chã.

Vẫn thói “ngựa quen đường cũ”

Người phụ nữ ôm con đến dự Tòa ấy là vợ của Nguyễn Văn Đề, SN 1985, trú tại xóm Tiến, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), một kẻ mà như người dân trong xóm nhận xét là “hết thuốc chữa” vì có tiền sử phạm tội. Lần này ra Tòa, Đề bị phạt về rất nhiều tội danh, khi chỉ trong một tuần gây ra 2 vụ cướp tài sản, hiếp dâm và một vụ giết người. Bị hại là hai phụ nữ đã đứng tuổi, người cùng xã với anh ta, thi thoảng vẫn đụng mặt với nhau, vậy mà suýt thì bị Đề cướp đi mạng sống.

Bị dẫn lên đứng sau vành móng ngựa, trước hàng trăm con mắt đều nhìn về một hướng khiến kẻ tội đồ cố gồng đôi vai lực lưỡng để giấu gương mặt góc cạnh, đen đúa. Hắn không dám ngẩng mặt lên vì sợ chạm phải những ánh mắt căm ghét, khinh bỉ hơn là xấu hổ, ân hận. Qua hai lần phải sống ở trại tập trung, ăn cơm cân, làm việc theo hiệu lệnh, Đề thừa hiểu cái giá phải trả cho mỗi lần vi phạm vậy mà anh ta vẫn chứng nào tật nấy cho thấy, việc gây án của Đề đã là bản chất.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng ngay từ nhỏ, Đề đã tỏ ra là một kẻ ngang ngược, bất trị và kết quả là vừa chớm bước vào ngưỡng trưởng thành, anh ta đã phải đi cơ sở giáo dục 2 năm vì cái tội chầy bửa, côn đồ và hay gây sự. Trong một lần cao hứng, Đề mò sang hàng xóm ăn trộm và phải trả giá bằng 6 tháng tù. Mới ngoài 20 tuổi mà lý lịch của Đề đã đầy những dòng nhận xét chẳng ra gì nhưng anh ta chẳng lấy đó làm xấu hổ.

Chiều muộn ngày 21-7-2011, Đề đi xe máy từ nhà bố vợ về nhà, đến cánh đồng Bờ Hồ thì nhìn thấy một phụ nữ đang lúi húi trên ruộng. Giữa nơi đồng vắng không một bóng người, hắn bỗng nảy sinh ý định tà dâm liền dừng xe tiến lại. Khi biết người phụ nữ kia là người quen, cùng xóm, Đề đánh lạc hướng bằng cách đi về phía ruộng nhà mình, giả như đi nom lúa rồi thừa lúc chị Toan ra mương nước rửa chân tay, hắn liền chạy tới. Hắn dùng dao khống chế, bắt chị này phải cho quan hệ tình dục, sau đó cướp số tiền mang trong người và đôi hoa tai. Trước khi bỏ đi, Đề rút dao đem theo trong người, cứa hai nhát vào cổ chị Toan với mục đích giết người bịt khẩu, tuy nhiên do được phát hiện sớm nên chị Toan may mắn thoát chết.

Về phía Đề, hành sự xong, anh ta trở về nhà tắm rửa rồi đi ngủ, đến sáng hôm sau nghe tin chị Toan đang cấp cứu trong bệnh viện liền vội vã bỏ trốn. Ra Quảng Ninh với số tiền hơn một triệu đồng cướp được của chị Toan chỉ giúp kẻ dâm đãng sống được trong vài ngày. Đón xe khách về quê, anh ta đợi khi sẩm tối thì đi bộ tắt qua cánh đồng về nhà. Nhưng, còn cách nhà một quãng đường đồng thì anh ta chạm trán chị Vũ Thị Ngoan, hôm đó vào xóm Trại đong lúa. Đề cất tiếng hỏi đường và đúng lúc chị Ngoan dừng xe liền xông tới giằng chiếc túi trên xe. Cướp được hơn 3 triệu đồng, gã bỗng nổi hứng thèm tình, đe dọa chị Ngoan phải cho quan hệ tình dục. Thân gái giữa chốn đồng không, chị Ngoan giả bộ đồng ý thì vừa đúng lúc chuông điện thoại đổ. Chẳng cần suy nghĩ, chị Ngoan vội vàng nói to: “Em bị cướp hết tiền ở nghĩa địa mộ cụ tổ” khiến kẻ tội đồ đang lẩn trốn như Đề chẳng còn hồn vía nào nữa, sợ hãi bỏ chạy. Ngay đêm đó, anh ta bị bắt.

Đắng lòng người vợ trẻ

Ngồi lẫn vào những người thân phía sau người chồng mặc áo kẻ sọc, chị Nguyệt quặn lòng trước bản án về quá trình phạm tội của chồng. Quanh năm tất bật với ruộng vườn, con cái, người phụ nữ này chưa một lần nghĩ cho riêng mình, giờ lại phải chường mặt ra chốn đông người để người ta ngó nghiêng, nhận xét. Cúi mặt nhìn xuống đất, chị Nguyệt không dám ngẩng lên vì sợ bị người ta đem ra bình phẩm. Nước mắt cứ từ từ chảy trên khuôn mặt cam chịu của người phụ nữ trẻ.

Cùng sinh ra và lớn lên ở một xã nên chị Nguyệt chẳng lạ gì Đề nhưng chẳng hiểu sao, khi anh ta ngỏ ý muốn hỏi Nguyệt về làm vợ, chị lại đồng ý. Theo chị lý giải thì đó là cái giá của những suy nghĩ viển vông thường có khi người ta còn trẻ. Tuổi mới lớn, thấy Đề hay thể hiện, dùng cơ bắp để nói chuyện với người này, người kia, Nguyệt lại thấy hay hay rồi nghĩ rằng đàn ông phải mạnh bạo như thế. Trong suy nghĩ của cô, kinh tế đã nghèo thì phải có sức khỏe và dẫu không bằng lòng với những việc Đề làm thì cô cũng không đến nỗi ghét bỏ anh ta, vẫn đáp lời mỗi khi Đề trêu chọc. Khi Đề ướm lời hỏi cưới Nguyệt, gia đình cô kịch liệt phản đối nhưng cô lại cho rằng tuổi trẻ phải nghịch ngợm, đến lúc lập gia đình sẽ tu chí làm ăn. Trong thâm tâm, Nguyệt luôn tin rằng với sự khéo léo của mình, cô sẽ có cách biến anh ta từ một kẻ ngỗ ngược trở thành người chồng biết lo lắng cho gia đình. Thế nhưng, Nguyệt đã lầm. Chỉ thời gian đầu cưới nhau, Đề tỏ ra tử tế, cũng chăm chỉ ruộng vườn nhưng khi 2 đứa con lần lượt chào đời thì anh ta ngày càng bộc lộ bản chất, mỗi khi rượu vào lại kiếm cớ chửi vợ, cho rằng chị là nguyên nhân khiến anh ta phải sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau.

Từ ngày chồng gây ra tội lớn, nhiều lần Nguyệt dày mặt tới nhà hai người phụ nữ kia xin lỗi, mong họ hãy thương tới hai đứa trẻ, mở cho Đề một cơ hội sống. Thương hoàn cảnh của Nguyệt, chị Ngoan hứa khi ra Tòa sẽ xin giảm tội cho Đề nhưng với chị Toan, người đàn bà suýt mất mạng, giờ phải sống trong mặc cảm vì bị làm nhục thì mỗi lần đến cũng là một lần Nguyệt chịu sự đay nghiến. Đang là một phụ nữ khỏe mạnh, xốc vác, bỗng dưng tổn hại 13% sức khỏe, lại chịu tiếng nhơ khiến chị Toan không dám bước chân ra khỏi nhà, tâm lý dễ nổi nóng và Nguyệt là người để chị trút những giận hờn, ấm ức.

Gặp lại hai bị hại trong phiên tòa lưu động, Nguyệt chỉ biết chắp tay xin họ tha thứ, khuôn mặt sầu não, đôi mắt sưng mọng vì khóc khiến nhiều người ái ngại. Không đắng lòng sao được khi mới ngoài tuổi đôi mươi, chị đã phải gánh chịu sự bất hạnh do người chồng đem lại. Nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt Nguyệt. 27 năm tù là cái giá mà kẻ gây án sẽ phải đền tội và cũng là chừng ấy thời gian vợ của anh ta sẽ phải một mình gồng gánh gia đình và nuôi dạy hai con nhỏ. Công lý đã được thực thi, kẻ phạm pháp cuối cùng cũng phải đền tội nhưng sao ai cũng thấy đắng lòng.

Theo Trinh - Lam (Báo Công Lý)