Bi hài cô cháu xử nhau vì cụ ông đào hoa

29/04/2012 13:20
Câu chuyện cô chém cháu để "giành" mộ cụ ông đào hoa quả là xưa nay hiếm.

Câu chuyện cô chém cháu vì tình làm đảo lộn ấp Đồng, lan cả xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mấy ngày nay. Người thì mỉa mai cười, kẻ thì bĩu môi lắc đầu ngán ngẩm. Chuyện ông Phạm Văn Đình trời phú cho số đào hoa thì cả làng, cả ấp ai cũng biết. ở cái tuổi mấp mé thất thập, ông Đình còn khiến hai thôn nữ phải "thất điên bát đảo" rồi dằn mặt nhau. Điều đáng nói là hai tình địch này là cô cháu họ.

Chị Hạ bị bà Ba chém trọng thương tại bệnh viện
Chị Hạ bị bà Ba chém trọng thương tại bệnh viện

Ông đào hoa gặp bà đứt gánh

Ông Phạm Văn Đình năm nay đã ở tuổi 66, đầu điểm sương, ra đường ai nấy đều cúi đầu gọi ông. Cụ bà "nguyện chết vì tình" với ông là Nguyễn Thị Ba, nay đã 73 tuổi.

Còn người thứ 3 công khai thừa nhận "tình yêu chân chính" với ông Đình trong cuộc tình tay ba này là Nguyễn Thị Hạ cũng đã 46 tuổi.

Lạ lùng thay, không biết do số phận trớ trêu hay trời đất khéo bày, mà cả 3 người này đều "đứt gánh giữa đường". Người thì bị chồng phụ, kẻ bị vợ bỏ giữa chừng, người thì sớm trở nên góa bụa.

Dù da dẻ nhăn nheo, nhưng ông Đình cho rằng, ấy là vì "cái tuổi nó đuổi xuân" chứ kỳ thực bản thân ông thấy còn "sung" lắm. So với mấy người cùng tuổi trong ấp đã lẩm cẩm, lãng tai thì ông Đoàn còn phong độ, đứng "tốp" đầu.

Ông nghĩ, nếu để quãng "xuân" còn lại trôi đi trong vô vị thì thật uổng phí. Đêm nằm một mình trằn trọc, ông thấy thời gian như thoi đưa, tuổi xuân như cái phẩy tay, chẳng mấy chốc bóng chiều cuộc đời sẽ ập đến. Lúc đó chỉ còn một thân còm cõi, lúc trái gió trở trời còn ai? Nghĩ đến cảnh ấy, ông thèm muốn một mái ấm gia đình cùng một người đàn bà nâng khăn sửa túi.

Ở làng bên có bà Ba, hơn ông đến 7 tuổi, con cái đề huề, chỉ có điều trời đất khéo đùa, bà cũng sớm phải cảnh lỡ làng. Một thân một mình nuôi đàn con khôn lớn, ai cũng hiền lành thương mẹ, cả làng người người xuýt xoa rằng "kiếp trước bà sống có hậu, nên kiếp này con cháu được hưởng phúc", bà thấy hài lòng vì điều đó.

Gia đình có của ăn của để, nhưng bà Ba vẫn thấy thiếu vắng người đàn ông trong nhà. Cha ông vẫn nói "vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp". Bao năm làm trọn thiên chức người mẹ, gánh luôn chức phận làm cha nuôi con khôn lớn. Ngày lo toan, đêm về chăn đơn gối chiếc, bà thấy trong lòng trống vắng. Con cái rồi sẽ lớn, chúng nó còn có cuộc sống riêng, mường tượng đến cảnh không xa đó, bà muốn lắm một tấm chồng.

Hoàn cảnh ông Đình, bà Ba thì cả xã đều biết. Cùng cảnh lỡ dở đường tình, hai người sớm cảm nhận được sự đồng cảm. Chạm mặt nhau trong thôn ấp, cả hai thấy ngượng ngùng, nhưng thực ra thì "tình trong như đã mặt ngoài còn e", mỗi người chỉ chờ nhau một cái gật đầu.

Tâm tình của cha mẹ các con nào hiểu, mỗi lần bà Ba tỏ bày ý định của mình, các con bà đều cùng nhau dập tắt. Nhất là khi bà Ba thuộc gia đình có điều kiện, còn ông Đình chỉ là "thân cô thế cô", về tài sản thì ông Đình không thể sánh, còn về tuổi đời, ông chỉ đáng tuổi em bà.

Nhưng tình yêu nào có tuổi, rào cản vật chất chẳng có nghĩa lý gì, một khi đôi nhân tình quyết lấy tính mạng ra bảo đảm tình yêu của mình. Niềm tin vào tình yêu cùng tấm chân tình mộc mạc của ông Đình với bà Ba, cuối cùng đã thuyết phục được đám con cháu. ông bà sống với nhau không cần hôn thú.

Đâu là bến đỗ cuối cùng?

Ngày ông Đình đến ở nhà bà Ba, ông chịu sự dị nghị của người đời nhiều lắm. Nhưng người ta dè bỉu một vài ngày chứ chẳng ai để ý được cả năm. Qua bao "phong ba" mới đến được với nhau thì tình yêu như vàng được thử lửa.

Bà Ba tin rằng trong lòng ông Đình chỉ có mình, ông Đình cũng coi đó là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời. Cả hai yên tâm nguyện vun vén cho hạnh phúc muộn. Con cháu cũng tin rằng, sẽ chẳng còn sự bồng bột trong suy nghĩ của những người từng "qua một lần đò" này nữa.

Về với bà Ba, ông Đình được con cháu coi như cha kế, những lần cưới xin của các con bà Ba, ông đều đứng ra với tư cách là người cha dượng.

Thời gian đầu êm ấm trôi qua nhưng càng chung sống, ông bà càng nảy sinh nhiều điều không hợp. Vì lý do nào đó mà ông Đình phải ngầm chịu phận ở rể, như nắm được cái "thóp" ấy, bà Ba thường lấn lướt chồng.

Tài sản cùng làm ra thì bà Ba luôn giữ làm của riêng. Có khi đàn lợn sớm tối một tay ông Đình chăm bẵm nhưng đến ngày bán thì bà Ba giữ trọn số tiền. Khi cần dăm chục nghìn đi uống cà phê hay nhâm nhi chút sượu với bạn bè, ông đều bị bà "nhằn" cho đã miệng.

Ông Đình thấy bản thân mình chỉ là người làm thuê không hơn không kém. Cuộc sống trở nên ngột ngạt, gần mười năm chung sống qua đi, chỉ có khoảng 1/3 thời gian đầu cả hai thực sự có hạnh phúc. Vợ chồng trong nhà như mặt trăng mặt trời, cãi nhau liên miên.

Mỗi lần có "chiến tranh lạnh", ông lại tìm cách xa lánh, lúc bà nguôi cơn giận ông mới trở về. Có lần ông đi biền biệt mấy hôm, về nhà gặp nhau chẳng thèm chào hỏi một lời, tình nghĩa vợ chồng đã cạn. Nhưng xét cho cùng, một phần lỗi do ông Đình, vốn tính trăng hoa, trong đầu lại luôn mang tư tưởng chẳng có gì ràng buộc, nên cứ hễ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt", ông lại bỏ đi.

Trong một lần chán đời vì bị vợ chửi, ông gặp và quen chị Hạ. Đang lúc bi quan trong tình duyên, ông lại thấy chị Hạ là một nửa không thể thiếu đối với cuộc đời. Một lần nữa ông thấy đây mới là bến đỗ cuối cùng.

Cơn “thịnh nộ” của bà già 73

Chị Hạ góa bụa sớm nhưng xét về xuân sắc lại hơn hẳn bà Ba. Trong bất cứ cuộc cạnh tranh vì tình nào thì sự trẻ đẹp luôn là một lợi thế. Chị Hạ kém bà Ba tới 2 con giáp. Chị gặp ông Đình khi 46 tuổi, nói còn trẻ thì không phải nhưng đã già thì hẳn là oan.

Ai cũng bảo chị Hạ còn xuân chán. Người thân cũng khuyên chị nên đi bước nữa cho con cái có cha. Nghe vậy, chị Hạ ngượng lắm, nhưng khát khao một tấm chồng trong chị thì luôn cháy bỏng.

Lần gặp ông Đình, chị có cảm giác đây là một bờ vai vững chãi, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu. Nghe ông Đình tỉ tê rằng, ông với bà Ba đã hết tình nghĩa, chẳng còn gì ràng buộc, nên chị gật đầu. Vậy là từ đó, ông Đình chuyển tình yêu của mình sang nhân tình mới.

Với bà Ba thì mọi chuyện đâu phải đã hết. Dù "chẳng là gì" nữa nhưng bà luôn coi ông Đình là của riêng mình. Nếu ai dám tranh giành thì bà sẵn sàng thế bằng tính mạng. "Đi cũng dở, ở không xong", ông Đình đành phải "chia lịch" bí mật, hôm nay bên bà Ba, hôm khác sang nhân tình mới.

Ban đầu ông lén lút, sau dần cũng công khai. Biết ông Đình phụ tình, bà Ba lồng lộn muốn "xin huyết" bằng được đứa nào dám cướp chồng bà. Trớ trêu thay, khi gặp mặt thì mới tá hỏa "tình địch" của mình không ai khác chính là đứa cháu bên chồng cũ.

Theo họ hàng, Hạ gọi bà Ba bằng cô. Nhưng Hạ vốn chẳng ưa gì bà cô này. Bà Ba càng bôi nhọ chị, nói xấu ông Đình, Hạ lại thấy càng "yêu" ông hơn. Đối lại lời của bà Ba, chị Hạ cho rằng: "Trai không vợ, gặp gái không chồng là đương nhiên".

Thua cả lý lẫn tình, bà Ba ấm ức lắm. Bà nghĩ phải làm một cái gì đó cho hảó giận.
Từ ngày cô cháu họ trở thành tình địch, hai cô cháu gặp nhau ngoài đường chẳng ai chào hỏi ai.

Cuộc chiến tranh giành tình yêu giữa hai cô cháu trở nên quyết liệt, nhiều lần làm ông Đình phải bẽ mặt đứng làm trung gian giảng hòa. Con cháu khuyên răn bà Ba gạt ngoài tai. Rồi đỉnh điểm của mâu thuẫn cũng đến, bà không giành được trái tim ông thì chỉ còn một cách lấy mạng.

Rồi một ngày, bà Ba bỏ dở công việc mang con dao nhọn đi tìm ông Đình. Không ngờ khi bà Ba đến thì "kẻ cướp chồng" của bà cũng từ đâu xuất hiện. Đang sục sôi lửa giận thì gặp ngay tình địch, máu ghen nổi lên, bà Ba dùng dao lao tới chém chị Hạ khiến chị ngã gục xuống.

Chưa hả cơn ghen, bà đè lên chém tiếp. May thay ông Đình chạy đến can ngăn kịp thời, mới không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Chị Hạ bị đứt gân tay, bị thương ở mặt phải cấp cứu bệnh viện, bà Ba phải đến cơ quan công an làm việc.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi

Theo Kỳ Anh (Người Đưa Tin)