Có một khu ổ chuột giữa Thủ Đô

16/05/2012 14:50
Dương Đức Chiến, Báo in k29a2
(GDVN) - Trong một ngõ nhỏ đường Đồng Bát - Mỹ Đình - Hà Nội có một xóm ngụ cư với những túp lều được bưng bít bằng đủ thứ: ván, tôn, bạt…
Khu ổ chuột này có khoảng 200 người sinh sống chủ yếu làm nghề bán bánh khoai, ngô luộc, sắn luộc, nem rán…, cũng có những người đi nhặt ve chai. Họ đều là những người ngụ cư, ở quê làm ruộng không đủ ăn lên Hà Nội kiếm sống. 
Một phòng trọ ở đây giá chỉ 300 nghìn đồng, đúng hơn thì chỉ gọi là 1 cái lều tạm bợ, rộng khoảng chục mét vuông nhưng có tới 4, 5 “trái tim vàng” chung sống. Những phòng ở được thưng, lợp đủ kiểu, có chỗ ngăn mưa nắng bằng xi-măng, có chỗ ken vài tấm ván hoặc là pha trộn nhiều thứ vào. Mái được lợp bằng pờ-rô trong khi phòng lại thấp, mùa nắng thì nóng như thiêu, còn mùa mưa lại cực ẩm ướt. Phòng hẹp trong khi phải đặt một chiếc phản lớn để làm giường ngủ, chưa kể đủ thứ rổ, rá, xô, chậu nên lỡ có khách đến cũng khó chen chân vào nhà được.

Những phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp (Ảnh: Đức Chiến)
Những phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp (Ảnh: Đức Chiến)


Nước sinh hoạt được đựng trong những thùng xốp mốc xanh, mốc đen. 4-5 phòng sử dụng chung một nhà vệ sinh, xung quanh tràn ngập rác rưởi mà chủ yếu là túi ni long khó tiêu hủy. Chuột và muỗi thì nhiều vô kể.

Bác Nguyễn Văn Thụ - quê ở Mỹ Đức – Hà Nội đang ăn bữa trưa vào lúc 4 giờ chiều (bữa trưa cũng chỉ có cái bánh mỳ với “nước sốt mỳ tôm”) tâm sự: “Nhà bác có 5 đứa con, chỉ có thằng út được ở nhà đi học, còn lại theo bố mẹ lên đây bán bánh khoai, ngô luộc. Đến khi giáp tết cả nhà lại cùng nhau về quê làm mấy sào ruộng, cấy xong là vừa ăn tết, tết xong cả nhà lại kéo nhau lên đây.” Tài sản lớn nhất của nhà bác là cái Wave Tàu cũ và một số phụ tùng không quá cần thiết. 
Hầu hết con cái của những người dân ở đây đều chỉ học cho biết mặt chữ rồi về theo bố mẹ đi làm. Và cũng chỉ có cái nghề “cha truyền con nối” này chứ không làm nghề nào khác. Vì trình độ thấp nên xin việc khó khăn thậm chí là bị mấy công ty lừa đảo lừa mất cả tiền. 


Bữa trưa của bác Thụ chỉ có bánh mỳ với mỳ tôm (Ảnh: Dương Chiến)
Bữa  trưa của bác Thụ chỉ có bánh mỳ với mỳ tôm (Ảnh: Dương Chiến)


“Thu nhập chủ yếu dựa vào mấy bắp ngô với mấy củ khoai, có ngày may mắn cũng được  100 – 200 ngàn đồng nhưng cũng có ngày chả được đồng nào, thậm chí là bị bắt mất cả xe vì lỡ lái xe hàng vào khu vực cấm. Trong khi cả mấy cái miệng ăn đều trông chờ vào đó. Giá cả thị trường thì ngày càng đắt đỏ”
- chị Lựu, người sống trong khu này cho biết.

Với những nhà làm nghề bán ngô, khoai, thu nhập thấp mà công việc lại vô cùng vất vả. Sáng sớm họ đã phải dậy sớm lấy hàng, rồi bắt đầu đỏ lửa chế biến, nấu, nướng… rồi đến chiều rong ruổi trên xe đến các khu vực tập trung đông dân cư gần đó như chân cầu vượt Mai Dịch, cổng trường Đại hoc Thương mại, Đại học Quốc gia… “Sớm thì cũng 1 giờ sáng mới về, hôm nào ế hàng thì còn gắng đến 5 giờ sáng. Mệt nhưng cũng không muốn về. Nhiều nhặn gì đâu, có ba chục bắp ngô luộc mà bán cả đêm không hết trong khi cả nhà đều nhìn vào đó, nem rán thì dễ bán hơn nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu" -  bác Thụ kể.


Nhà tắm và nhà vệ sinh bẩn thỉu, lắm rác rưởi (Ảnh: Dương Chiến)
Nhà tắm và nhà vệ sinh bẩn thỉu, lắm rác rưởi (Ảnh: Dương Chiến)


Đã nghèo rồi nhưng khu ổ chuột này nhà nào cũng đông con, do đó, rất ít đứa được ăn học tử tế. Trang – mới 16 tuổi nhưng đã phải vất vả thức khuya dậy sớm giúp đỡ cha mẹ, em phải bỏ học từ năm ngoái vì nhà không có tiền. Thường thì con cái cứ học hết cấp II rồi chờ cho lớn thêm tí rồi cho lấy vợ, lấy chồng. Cái nghèo, cái khổ lại cứ thành một vòng luẩn quẩn.

Ai sở hữu được một chiếc ti vi được coi là khá giả trong xóm, nhưng cũng không có thời gian xem được, hoặc chỉ là tranh thủ theo dõi chương trình thời sự. 


Chuyện thiếu thốn thuốc men khi đau ốm là bình thường. “Cảm cúm, đau đầu thì làm nồi xông, đau bụng thì bứt lá ổi lá ngái thang lên rồi uống… Đa số bệnh tật đều được điều trị theo cách dân gian như vậy”-  bác Phạm Ngọc Lẽ xuề xòa.

Gia đình bác Lẽ đến đây cũng đã được 2 năm rồi nhưng chỉ làm ăn cho qua ngày đoạn tháng chứ không có dư giả được gì. Làm ăn chỉ mong sao dư được ít của để Tết về có bánh chưng, thịt mỡ là khá lắm rồi. 

Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Dương Đức Chiến, Báo in k29a2