Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Sáng kiến "độc": Mở rộng đường "Internet" ùn tắc giao thông sẽ giảm?

02/05/2012 13:28
Độc giả Nguyễn Thị Hằng
(GDVN) - "Thay vì chi tiền mở đường tốn kém, Nhà nước nên đầu tư mở rộng "đường Internet", một số các cơ quan sẽ thiết lập cơ chế làm việc và học tập tại nhà có kiểm soát, có tập trung định kỳ... Như vậy, nỗi lo về ùn tắc chắc chắn sẽ giảm" độc giả Nguyễn Thị Hằng đề xuất.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Thị Hằng với nội dung hiến kế trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Theo dõi qua báo chí những ngày qua, rất nhiều ý kiến của độc giả đã được đưa ra nhằm giải quyết câu chuyện ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay. Tôi đã đọc rất kỹ các phân tích xung quanh nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này cũng như các ý kiến, đóng góp của nhiều độc giả.
Độc giả cho rằng mở "đường Internet" sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa/ Internet).
Độc giả cho rằng mở "đường Internet" sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa/ Internet).

Tôi nhận thấy rằng không phải người nào có xe cũng luôn góp phần gây ra tình trạng ùn tắc giao thông mà nhiều người có xe nhưng họ không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng vào những giờ cao điểm, những ngày làm việc thường.
Như một người bác của tôi, ông có xe ôtô nhưng ngày thường ông không sử dụng nó để đi làm mà cất nó ở bãi gửi xe gần nhà, ông có chỉ sử dụng nó vào 2 ngày cuối tuần, ngày lễ để đưa gia đình đi chơi, thăm thú... Vậy có thực sự hợp lý, công bằng, khi cứ áp mức phí hạn chế phương tiện cá nhân cũng như các phí giao thông khác sắp được thực hiện lên mọi đầu xe ôtô đều như nhau không (?).  Hơn nữa, với số tiền phí giao thông thu lớn như vậy nhưng lại thiếu lộ trình rõ ràng thì liệu có đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong sử dụng, chi tiêu khoản tiền này?. Thực tế ùn tắc giao thông cũng cho thấy nguyên nhân chính là do lượng người và phương tiện ùn ứ lại quá đông cùng lúc trên một tuyến đường, khu vực gây ra. Mà lý do của những người này là họ phải ra đường để đi làm, để đi học và thực hiện nhiều những việc khác... Chúng ta thấy rằng, buổi sáng dòng người đông nghẹt vượt qua các cầu Chương Dương, Long Biên, rồi từ các khu vực phía Tây, Nam dồn dập đổ vào nội thành Hà Nội để làm việc. Lượng xe dồn vào nội thành tăng vượt bậc, và hậu quả là ùn tắc nhiều tuyến đường. Tương tự như vậy là ở Tp Hồ Chí Minh, buổi sáng cũng đông nghẹt người kéo nhau từ các khu vực ngoại thành, ven đô vào trung tâm thành phố và buổi chiều lại lũ lượt kéo nhau về, dẫn đến cảnh ùn ứ nghiêm trọng trên các con đường, xa lộ. Muốn tránh đông người đông xe dồn lại cùng lúc trên cùng tuyến đường trong giờ cao điểm như đã nêu ở trên đã có không ít những ý kiến, đóng góp, hiến kế của độc giả đưa ra. Nhưng tôi cho rằng, nếu tư duy sâu hơn một chút thì sẽ thấy, để giải quyết triệt để vấn đề này thì việc tạo điều kiện làm việc mưu sinh, tạo điều kiện học tập trải đều ra nhiều nơi cũng là biện pháp cần thiết để giảm lượng người vào các đô thị. Cụ thể ở đây, chính là tạo cho người dân có nhiều hơn nữa cơ hội làm việc gần nhà, không phải đi quá xa nơi cư trú, thậm chí là làm việc tại nhà. Hoặc xây dựng những nơi lưu trú ngay hoặc gần nơi làm việc để mọi người có thể sinh hoạt, cuối tuần mới về nhà.... Việc di chuyển vào thành phố hoặc xuyên qua lòng thành phố để đến nơi làm việc, rồi buổi chiều lại quay về đoạn đường dài như thế đúng là gánh nặng cho giao thông, cho sức khoẻ người dân, cho thời gian của xã hội. Cũng có một thực tế chúng ta cần nhìn thẳng vào đó là, càng mở đường rộng, cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống ở các đô thị lớn thì sẽ càng đẩy những khao khát về tìm về thành phố của người dân các địa phương xung quanh tăng cao. Khi đó, chi phí vốn bỏ ra nhiều nhưng vẫn nạn ùn tắc giao thông thì lại càng thêm trầm trọng. Thế nên, theo tôi có một biện pháp rất hay và hợp lý tạo ra nhiều việc làm mà không ít nước tiên tiến họ đã làm, đó là thay vì mở những con đường nhựa tốn kém hàng trăm, ngàn tỉ đồng thì nhà nước lên đầu tư mở rộng "đường Internet". Tức là, các cơ quan nhà nước sẽ thiết lập một cơ chế làm viêc và học tập tại nhà hay như trước đây, trong giáo dục đại học chúng ta đã có, đó là phương pháp đào tạo từ xa. Một số hoạt động, công việc đều được tiến hành làm, các nhân viên vẫn sẽ thực hiện báo cáo công việc hàng ngày. Việc kiểm soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công việc sẽ được thực hiện qua hệ thống trung tâm, có tập trung định kỳ... 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)



Các cuộc họp của cơ quan nhà nước, các đơn vị khác khi tiến hành, ngay kể cả cùng trong thành phố cũng nên tiến hành họp trực tuyến thông qua đường truyền Internet. Như vậy, sẽ giảm được lượng người, phương tiện phải lưu thông trên đường đến để tham dự mà hiệu quả vẫn đạt cao.  Trong thời đại hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy tính không còn là chuyện quá xa vời, khả năng kết nối của Internet là toàn cầu và rất nhanh chóng. Với đường truyền mạnh thì việc đến công sở làm, trường học học tập trên đường mạng thay vì đường bộ là điều chắc chắn sẽ rất hữu hiệu. Để thực hiện được giải pháp này là phải có sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành chức năng có liên quan chứ không riêng gì Bộ GTVT có thể thực hiện được. Có thể nhiều người cho đây là ý tưởng viển vông, dành cho tương lai, nhưng tôi nghĩ rằng, việc xây dựng, mở rộng "đường Internet" là rất thực tế, phù hợp với xu hướng phát triển của một xã hội hiện đại. Nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, nâng cao trình độ dân trí, thuận tiện hơn cho người đi làm nếu không cần thiết sẽ không cần phải ra ngoài đường để đến công sở mà chỉ cần làm ở nhà hoặc gần nhà... Thêm vào đó, trong thời gian tới, các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp sản xuất trực tiếp sẽ phải bắt buộc di chuyển ra bên ngoài khu vực nội thành các thành phố lớn sẽ tạo thêm điều kiện rất thuận lợi cho giải pháp mở "đường Internet"
Nhưng trước khi thực hiện giải pháp này, tôi nghĩ rằng, trước hết chúng ta cũng vẫn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng số lượng, cải thiện chất lượng giao thông công cộng; dừng, cấm xây dựng các khu chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại trong khu vực nội thành; tăng cường, nâng mức xử phạt vi phạm giao thông; chấn chỉnh lại lòng đường, vỉa hè; di chuyển các cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi nội đô...

Khi lượng người, phương tiện giao thông lưu thông trên về các thành phố giảm dần thì lúc đó ùn tắc giao thông sẽ không còn là nỗi lo của mọi nhà, mọi gia đình.

Mọi ý kiến đóng góp, hiến kế xin mời bạn đọc gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn

Độc giả Nguyễn Thị Hằng