Độc giả tranh luận: Đề án cấm ô tô 5 ngày/tuần:

Độc giả "mổ xẻ" những bất cập trong đề án của ông Mai Trọng Tuấn

03/05/2012 06:30
Độc giả Nguyễn Hằng
(GDVN) - "Trong giờ, ngày cấm thì đường có thể thông thoáng như ông Tuấn phân tích nhưng khi hết giờ, ngày cấm, các xe ôtô đua nhau ra đường, liệu có còn xảy ra ùn tắc? Hay như ong vỡ tổ, mạnh ai người đấy chạy, khi đó thì đường sẽ tắc cứng luôn...", độc giả Nguyễn Hằng bày tỏ.
Ngay sau khi thông tin ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng”) gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. 
Bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên ông Tuấn đưa ra giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố. Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau của độc giả.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Hằng với nội dung "mổ xẻ" những nghịch lý, bất cập trong để xuất của ông Mai Trọng Tuấn. Mời độc giả cùng theo dõi: Thông qua việc theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã nắm được phần nào nội dung chính trong giải pháp chống ùn tắc giao thông 5x5 của ông Mai Trọng Tuấn. Đây là một bản giải pháp rất tâm huyết của một vị cựu phi công muốn đóng góp cho đất nước nhằm giải quyết một vấn nạn còn rất nhiều điều nan giải, khó khăn.
Rất nhiều bất cập, thiếu logic, công bằng trong đề án của ông Tuấn đã được độc giả nêu ra. (Ảnh minh họa/ Internet).
Rất nhiều bất cập, thiếu logic, công bằng trong đề án của ông Tuấn đã được độc giả nêu ra. (Ảnh minh họa/ Internet).

Nhưng tôi hoàn toàn không đồng tình với phương án của ông Tuấn đưa ra. Bởi nó còn rất nhiều điều bất hợp lý, hạn chế, thiếu logic, công bằng mà những người dân chúng tôi khi tham gia giao thông sẽ phải gánh chịu.
Trước hết, nếu như bản đề án của ông Tuấn được Chính phủ chấp nhận đưa vào thực hiện tại các đô thị lớn, khi đó, thay vào 1 chiếc ôtô sẽ là 4 - 5 chiếc xe máy, thậm chí là 6 - 7 chiếc sẽ phải được sử dụng thế vào để lưu thông ra ngoài đường. Mà xe máy thì ai người nấy đi, mặc phân làn, mặc đèn đỏ... Vậy với 4 - 5, thậm chí 6 - 7 chiếc xe máy liệu có gây tắc đường bằng một chiếc xe ôtô con không?, chiếm diện tích thấp hơn một chiếc ôtô?, ùn tắc giao thông liệu có giảm được không?. Câu trả lời cho những ý này, tôi xin mạn phép được dành gửi tới ông Tuấn. Thứ hai, nếu thực hiện như phương án của Tuấn, trong các giờ cao điểm 5 ngày trong tuần xe cấm toàn bộ các phương tiện xe ôtô cá nhân. Vậy trong những giờ đó lượng xe công cộng liệu có đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân bị treo xe đó, nếu họ không chuyển sang đi xe máy hoặc đi xe đạp. Tôi nghĩ rằng, với lượng phương tiện công cộng là xe buýt hiện nay đang chạy trên các tuyến phố ở Hà Nội chẳng hạn thì chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được hết nhu cầu này. Nếu có đề xuất tăng cường thêm một số lượng xe buýt nữa, trong khi xe máy được "khuyến khích" tăng mạnh như trong đề án này thì câu chuyện ùn tắc giao thông vẫn sẽ là điều mà người dân sẽ phải chịu đựng dài dài. Thêm vào đó, trong đề án, tôi thấy chưa nói rõ, với phương tiện xe taxi thì có cấm không?. Trong đề án thu phí giao thông sẽ được thực hiện trong thời gian tới thì xe taxi được xếp vào diện xe cá nhân. Nếu áp theo diện bị cấm của đề án ông Tuấn đưa ra thì chắc chắn sẽ bị cấm. Theo tôi được biết, dù taxi chỉ chiếm 10% so với tỉ lệ ôtô cá nhân nhưng luôn 100% có mặt trên tuyến giao thông và là phương tiện cơ động, giúp vận chuyển nhiều người. Vậy nay cũng bị cấm thì câu chuyện đi đến cơ quan và đi gì về nhà sau giờ tan sở bằng cách nào sẽ là điều đau đầu với nhiều cá nhân sở hữu phương tiện ôtô cá nhân bị cấm nhưng không sử dụng xe máy và phương tiện công cộng. Thứ ba, nếu đề án này được đưa vào thực hiện thì xin hỏi ông Tuấn những phong tục tập quán như cưới xin, ma chay... của những người dân trong khu vực nội đô thành phố liệu có phải thực hiện theo đúng lịch cấm giao thông đó không?.  Là phụ nữ, tôi cũng xin đưa ra một ví dụ, nếu chẳng may, có một người phụ nữ chuyển dạ để sinh con vào đúng giờ cấm phương tiện xe ôtô cá nhân nhưng gọi xe cấp cứu thì không được, trong khi đường từ nhà đến bệnh viện thì quá xa, di chuyển bằng xe máu thì quá bất tiện. Vậy trong trường hợp này "đau đẻ liệu có phải chờ sáng trăng" không?. Đó là còn chưa kể nhiều tình huống khác mà nếu không có xe cá nhân thì rất khó để thực hiện, dù trong bất cứ giờ cao điểm hay không. Thứ tư, có thể rằng, theo phương án của ông Tuấn đưa ra, khi cấm các phương tiện xe cá nhân thì đường phố tại các đô thị lớn trong các giờ cao điểm sẽ không còn cảnh ùn tắc giao thông xảy ra. Nhưng, đó là trong giờ, ngày cấm còn khi đã hết giờ, ngày cấm, các phương tiện ôtô cá nhân đua nhau ra đường, liệu ở đây có còn ách tắc nữa không? Hay như một đàn ong vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy, khi đó thì đâu cứ phải giờ cao điểm, mà giờ bình thường, các tuyến đường cũng có thể ách tắc cứng...
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Thứ năm, thử hỏi nếu một người bỏ ra hàng tỷ đồng để mua một chiếc ôtô nhưng chỉ được sử dụng 2 ngày trong tuần rồi lại phải đóng hàng loạt các khoản phí giao thông cũng như phí khác sắp tiến hành thu thì thiệt hại sẽ là biết bao nhiêu? Tại sao các nước khác ở thành phố họ sử dụng toàn ô tô mà không ùn tắc? Chúng ta cần phải xem lại, ở đây nguyên nhân chính là do quy hoạch giao thông của chúng ta còn kém nên vấn nạn này mới nan giải. Sự phát triển giao thông công cộng đô thị không phương tiện cá nhân là văn minh nhưng đây mới chỉ là giải pháp, còn phương tiện công cộng phát triển song hành với ô tô là mới là đích đến của nhiều thành phố văn minh trên thế giới. Thực tế ở nước ta, tôi cũng thấy rằng, chính xe ôtô cá nhân đã đóng góp một phần khá lớn trong việc giảm tải cho các phương tiện công cộng khác trong các giờ cao điểm. Và những người điều khiển phương tiện xe ôtô cá nhân chạy ra đường đều có mục đích lý trí cả. Chưa nói đến, ý thức chấp hành giao thông của họ, tôi dám chắc còn tốt hơn rất nhiều so với người điều khiển xe máy hiện nay. Vậy nếu cứ áp tư duy "cấm đoán" khi không giải quyết nổi lên đầu họ thì liệu rằng, ở đây có thực sự công bằng chăng?. Theo tôi, thay vì cứ "cấm đoán" thế này, chúng ta hãy thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc chuyển các công sở, xí nghiệp, và đặc biệt là các trường đại học ra khỏi trung tâm thành phố. Đồng thời có chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đồng đều để giảm sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để người dân không đổ dồn ra thành phố sinh sống, giảm sức ép dân số cơ học. Song song với đó là xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, chú trọng phát triển các phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mới là phương án cụ thể và hữu hiệu nhất dẫn đến giảm ùn tắc tại trung tâm thành phố.Mọi ý kiến đóng góp, phản hồi xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

Độc giả Nguyễn Hằng