BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG: “Đại dịch” cần văcxin phòng ngừa

05/05/2012 12:12
Nguyễn Gái K31
(GDVN) -Nếu như HIV/AIDS đang là một đại dịch thì bạo lực học đường cũng đang là một căn bệnh trầm kha của xã hội, của ngành giáo dục hiện nay.

Bạo lực học đường - chuyện bình thường?


Chỉ cần tìm kiếm trên google cụm từ “ clip nữ sinh đánh nhau” chỉ trong 0.13 giây có khoảng 5.008.000 kết quả phản ánh tình trạng báo động của hiên tượng này. Điều đó cho thấy bạo lực học đường đang ngày càng ăn sâu vào cuộc sống của các bạn trẻ.


Khi được hỏi về hiện tượng đánh nhau của học sinh trong trường thì có tới 45,3% học sinh cho rằng đó là chuyện bình thường, 30,7% cho rằng chấp nhận được, chỉ có 24% cho rằng không thể chấp nhận.


Dư luận đang bàng hoàng, và vô cùng  bức xúc trước sự đi xuống trầm trọng về đạo đức của các bạn trẻ. Bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng, khiến cho môi trường giáo dục, giảng dạy bi hoen ố, và đây cũng là một vấn đề nóng được bàn luận sôi nổi trong các cuộc họp tại nhà trường, và được xã hội hết sức quan tâm.


Rất nhiều nguyên nhân!


Nguyên nhân chính của bạo lực học đường là ở ngay chính bản thân các em, có những hành động và lối sống buông thả, tự do. Sự bột phát nhất thời của những cơn giận, uất ức dồn nén mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình và nhà trường.


Chúng ta không thể ngờ rằng lại có những nguyên nhân hết sức đơn giản mà các bạn trẻ lại dùng bạo lực để giải quyết. Chỉ do xích mích, va quẹt, ghen ghét, đố kị, nói xấu nhau, hay vì bạn học giỏi hơn, ghen tuông, “ xử nhau” để bảo vệ tình yêu,… Và đôi khi chỉ cần một cái nhìn, cười mà có bạn cho rằng đó là cười đểu, nhìn đểu để rồi nhận lại những hậu quả khôn lường, tính mạng bị đe dọa bởi những hành động “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với dao, kiếm, gậy guộc được huy động vào cuộc.


Các bạn trẻ đang sống trong một môi trường xã hội phức tạp, phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực phát sinh, bạo lực xảy ra như là sự bùng nổ của stress. Lại ở trong độ tuổi thích tìm tòi khám phá, muốn hành động một cách tự do, làm theo ý mình mà không có bất kỳ sự giàng buộc kìm hãm nào để khẳng định uy quyền, vị thế của mình trong mắt bạn bè. Đến với các trò chơi game các bạn trẻ sẽ được thỏa mãn sự tò mò hiếu kỳ thì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ học sinh đánh nhau.


Cùng với đó là ảnh hưởng của tivi, báo chí, phim ảnh, internet với những cảnh, thước phim “nóng” các trò chơi game bạo lực tràn lan trên mạng, những cảnh bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội.


Với 70% các trò chơi game online phổ biến tại Việt Nam có nội dung bạo lực, toàn những cảnh đánh đấm, chém giết man rợ mà chính các em  học sinh là người nhập vai, luôn chìm ngập trong một thế giới ảo xa lạ.


Bước chân vào quán internet hình ảnh đầu tiên chúng ta thấy đó là những gương mặt thích thú thỏa mãn đối diện với những cảnh tượng rùng mình trước màn hình máy tính của những bạn trẻ. Game bạo lực như một con mọt đang ngày càng lấn sâu, gặm nhấm phá hủy đi tâm hồn nhân cách  tâm hồn thơ dại của các em biến các bạn trẻ thành những con người hung dữ, côn đồ.


Bên cạnh đó, nguyên nhân bạo lực cũng xuất phát từ gia đình. Gia đình quá cưng chiều con em mình, không có sự uốn nắn, dạy bảo đến nơi đến chốn ngay từ nhỏ. Cha mẹ chỉ biết chạy theo kinh tế để làm giàu, dẫn đến sự trống rỗng trong tâm hồn trẻ, để các em sống trong sự cô đơn, bế tắc thiếu hụt về tình cảm, để các em có cuộc sống buông lỏng, làm theo ý mình.


Còn nhà trường thì vẫn thiên về “dạy chữ” hơn “dạy kỹ năng sống". Ngày càng nhiều những vụ đánh nhau của các em học sinh, tuy nhiên khi người lớn phải “ giật mình” thì nhiều học sinh lại thấy đó là chuyện “bình thường”. Điều đó chứng tỏ những giờ học đạo đức, giáo dục công dân ở nhà trường và cách giáo dục con trẻ không còn nhiều tác dụng.


Nhiều giáo viên chưa gương mẫu có những hành vi xâm hại, xúc phạm học sinh, cư xử không công bằng giữa các em học sinh với nhau. Sự buông lỏng kỷ cương, coi thường pháp luật, sự nhân đạo của một số trường học để chạy theo thành tích.


Cần những hồi chuông cảnh tỉnh


Đã đến lúc chúng ta cần một hồi chuông mạnh mẽ cảnh báo bạo lực học đường đồng thời cũng là hồi chuông nhắc nhở sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội.


Nhiều trường học đã dùng biện pháp “đuổi học” đối với những học sinh gây bạo lực. Nhưng đây không phải là biện pháp hữu ích vì như vậy đồng nghĩa với việc nhà trường "đẩy" một mầm họa không được giáo dục đến nơi đến chốn ra xã hội.


Nghiêm trị là cần thiết nhưng cần phải nghiên cứu hình thức kỉ luật sao cho vừa có tác dụng răn đe, vừa cho các em cơ hội sửa chữa về những hành vi tội lỗi của mình mà chỉ do những suy nghĩ bồng bột, một phút sai lầm gây ra.


Cần chung tay tìm ra biện pháp, nhà trường cần thay đổi hình phạt, luật pháp với các cho các bạn trẻ dưới vị thành niên. Nhà trường cần nắm bắt được danh sách những học sinh cá biệt có nguy cơ gây bạo lực học đường để thường xuyên quan tâm, chia sẻ, giáo dục các em. Để khắc phục, tiêu diệt tận gốc tình trạng này.


Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, để họ quan tâm hơn đến việc giáo dục văn hóa, nhân cách con em mình.


Nhà trường, ngành giáo dục cần dạy học sinh biết cách ứng xử đúng mực thông qua giáo dục kỹ năng sống, khơi dậy tinh thần dám đấu tranh với cái ác, cái xấu, lên án sự thờ ơ vô cảm, những trái tim lạnh lùng thông qua những tiết học đạo đức, các  giờ học ngoại khóa để tất cả các bạn học sinh cùng tham gia.


Thầy cô cũng cần có trách nhiệm hơn nữa với học sinh khẳng định vai trò, lương tâm nghề nghiệp của mình, là tấm gương sáng về mặt đạo đức để các em noi theo, làm trong sạch học đường tạo môi trường thật an toàn lành mạnh để ươm những hạt mầm giống – chủ nhân tương lai của đất nước.


Có như vậy bạo lực học đường mới không tồn tại!


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (30/4- 6/5): Bạo lực học đường
 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Nguyễn Gái K31