Lũ quét khủng khiếp !

27/06/2011 00:54
Hàng ngàn người dân ở hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã lâm vào cảnh trắng tay vì lũ quét
Hàng ngàn người dân ở hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã lâm vào cảnh trắng tay vì lũ quét
{iarelatednews articleid='5674,5432,5314'}
Cơn bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã bị tàn phá nặng nề bởi những cơn lũ quét. Chỉ trong ngày 25-6, hai trận lũ quét tại các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã đẩy hàng ngàn người dân lâm vào cảnh trắng tay, đứng trước nguy cơ không có chỗ ở.
Tiếng “ầm ầm” của lũ quét
Mưa vừa, mưa to kéo dài từ chiều 23 đến sáng 25-6 đã gây ra cơn lũ quét lớn tại xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Bốn bản trung tâm xã gồm Pa Tý, Cành Toong, Cập Chặng và Hạt bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Bản Pa Tý ngổn ngang, ngập trong bùn đất. Ông Kha Văn Viên (người dân bản Pa Tý) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Mưa lớn suốt mấy ngày đêm, đến sáng 23-6, bỗng nghe tiếng nước ầm ầm từ trên nguồn chảy về, từ khe Pa Tý ào ra.
chúng tôi chỉ kịp chạy ra khỏi nhà chứ có cứu được tài sản đâu. May là bà con dân bản không ai bị gì hết”. Bản Pa Tý có 64 hộ dân thì hơn 30 hộ bị ngập nước, có nơi nước lên đến 3 m. “Lũ khủng khiếp lắm, hơn 60 tuổi mà lần đầu tiên tôi thấy lũ to như thế” - ông Lô Xuân Tình (người dân bản Pa Tý) cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Tĩnh, nhặt nhạnh những thứ đồ chơi của học sinh còn sót lại sau cơn lũ
Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Tĩnh,
nhặt nhạnh những thứ đồ chơi của học sinh còn sót lại sau cơn lũ
Bản Cập Chặng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất khi cơn lũ đi qua. “Căn nhà kiên cố của cây xăng Việt Tâm bị lũ đánh sập, 3 cái trụ bơm xăng chôn sâu như thế mà bị cuốn phăng ra suối. Trường học cũng bị tàn phá nặng nề. Toàn bộ phần phía sau của 2 dãy nhà gỗ bị đánh sập; bàn ghế, máy vi tính, thiết bị dạy học cũng mất cả rồi” - thầy Vi Văn Cả, Trường THCS Yên Tĩnh, cho biết. Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Tĩnh, thẫn thờ nhìn ngôi trường sau khi cơn lũ đi qua. 4/5 phòng học bị đất vùi, toàn bộ hồ sơ, sổ sách, đồ chơi của trẻ đã bị cuốn sạch. Moi mấy thứ đồ chơi bằng nhựa ra khỏi đống đất bồi lắng đến 40 cm ở sân trường, cô Thủy rơm rớm nước mắt: “Mất hết rồi, năm tới lấy gì cho các cháu học”.
Anh Trần Văn Tuấn (Trạm trưởng Trạm Y tế Yên Tĩnh) mới nhận 9.000 bơm kim tiêm của dự án phòng chống HIV về để phát cho dân. Vì trời tối, không kịp mang sang kho của trạm nên anh đành để lại nhà mình. Khi lũ về, vợ chồng anh chỉ kịp chạy ra khỏi nhà, toàn bộ cửa hàng tạp hóa, thuốc men, dụng cụ y tế trôi theo dòng nước. Chị Bùi Thị Lý (vợ anh Tuấn) xót của ngất lên ngất xuống, hiện đang nằm cấp cứu tại trạm y tế. 
Thiệt hại hơn 996 tỉ đồng
Ông Vi Vũ Quang, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, cho biết cách đây tròn một tháng, Yên Tĩnh đã bị ngập trong lũ. Chưa kịp gượng dậy, lại bị lũ quét tàn phá. “Không biết người dân Yên Tĩnh có đủ sức vượt qua không. May mà lũ xảy ra ban ngày nên không có thiệt hại về người, chứ nếu vào ban đêm thì thiệt hại không kể xiết” – ông Quang buồn bã nói.
Rời Yên Tĩnh, chúng tôi ngược lên xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương - nơi vừa chống chọi với cơn lũ dữ vào chiều 25-6. Dòng Nậm Mộ vẫn réo ầm ầm hung dữ như chực nuốt chửng những bản làng hai bên bờ sông. Lũ đã cuốn trôi cầu treo Khe Ngậu và làm hư hỏng nhiều nhà dân. Nhiều hộ dân đã phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng. Chị Vi Thị Nguyệt (xã Lưu Kiền) cho biết: “Lũ lên nhanh lắm, chỉ một giờ mà Quốc lộ 7 đã chìm sâu trong nước 2 m. Nước xói thẳng vào chân nhà, chân cột lung lay nên chẳng ai dám vào nhà cả”. Hiện tại, các hộ dân tả ngạn sông Nậm Mộ vẫn đang tiếp tục tháo dỡ nhà cửa để di dời đến nơi cao hơn.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 1 người chết, 3 người mất tích, 2 người bị thương; 37 căn nhà bị sập, 1.048 căn nhà bị ngập, 16 căn nhà bị lũ cuốn trôi, 23 phòng học bị đổ, 3 cầu treo bị trôi; nhiều diện tích nông nghiệp bị hư hỏng nặng. Tổng ước tính thiệt hại ban đầu hơn 996 tỉ đồng. 

Bão số 2 làm 19 người chết, bảy người mất tích

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, tính đến 20 giờ ngày 26-6, bão số 2 đã làm 19 người thiệt mạng; bảy người mất tích; 63 người bị thương.

Riêng tàu cá TH 90526TS của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (xã Ngư Lộc, Thanh Hóa) có 10 ngư dân bị mất liên lạc từ ngày 23-6, sáng nay đã liên lạc được và đang trên đường trở về đất liền.

Cho đến chiều tối qua (26-5), quốc lộ 7A nối quốc lộ 1A (huyện Diễn Châu) đi cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vẫn bị chia cắt do nước lũ cuốn cả mặt đường đoạn qua xã Lưu Kiền (Kỳ Sơn). Quốc lộ 48C vẫn bị ách tắc ở xã Yên Hòa (huyện Tương Dương). Hiện có gần 500 du khách đang mắc kẹt ở huyện Kỳ Sơn. Tỉnh đang huy động máy đào, máy xúc loại lớn để bạt núi mở đường. Dự kiến đến hết ngày 27-6, quốc lộ 7A mới thông trở lại. Cùng ngày, anh Lương Văn Phòng (xã Nga My, Tương Dương) bị lũ cuốn mất tích, nâng tổng số người mất tích ở Nghệ An lên ba người. Thi thể em Hoàng Văn Tiến (13 tuổi, trú xã Châu Bính, Quỳ Châu) bị lũ cuốn ngày 25-6, đã được tìm thấy. Riêng chiếc xe khách bị lũ cuốn chìm xuống sông Cả vẫn chưa tìm được.

Ngày 26/6, tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết nước lũ sông Đăk Tơ Kan dâng cao đã cuốn trôi một đoạn đường khoảng 10 m đang được làm tạm bằng rọ đá. Sự cố này khiến các phương tiện giao thông đi vào các xã Đăk Rơ Ông, Đăk Na, Đăk Sao và Đăk Tơ Kan bị ách tắc hoàn toàn.

Theo Pháp luật TPHCM

Bài và ảnh: Mai Anh