Vụ bé gái 5 tuổi bị bỏ rơi: Người bố khốn khổ có vi phạm luật?

08/05/2012 05:35
Tuệ Minh
(GDVN) - Đó là ý kiến của LS. Cao Bá Trung (Công ty luật hợp danh INCIP, HN) về trường hợp cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh bị bố cố tình bỏ lại ở chùa Bồ Đề.
Manh mối chỉ là một mẩu giấy
Vậy là sau hơn 1 tháng nỗ lực xác định nhân thân của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh với manh mối là một tờ giấy nhỏ duy nhất ghi tên cháu, cuối cùng công an quận Long Biên (Hà Nội) cũng đã tìm được bố mẹ của cháu bé này. 
Trao đổi với chúng tôi, Đội phó đội cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (C.A quận Long Biên) cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã tích cực vào cuộc nhằm xác định nhân thân của cháu bé. Và lãnh đạo công an Hà Nội cũng đã có chỉ đạo phải giải quyết vụ việc một cách triệt để. Từ một số thông tin người dân báo, ngoài việc trực tiếp đi tìm, chúng tôi còn gửi công văn tới công an các địa phương khác để phối hợp và tập trung vào tỉnh Tuyên Quang – nơi có thông tin cho rằng cháu bé ở đây. 

Vậy là cơ quan công an đã xác định được bố mẹ của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh
Vậy là cơ quan công an đã xác định được bố mẹ của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh
Ngày cuối tháng 4, công an Tuyên Quang đã xác định được vị trí gia đình cháu ở. Ngày 2/5, ngay sau khi nhận được thông tin từ công an tỉnh Tuyên Quang, một tổ công tác công an quận Long Biên đã lên đường đến Tuyên Quang.

Nhờ công an Tuyên Quang, chúng tôi đã xác định được bố mẹ cháu Hạnh là anh Nguyễn Đình Hùng (sinh năm 1979) và chị Đàm Thị Chiêm (sinh năm 1982), ở tổ 17, thị trấn Na Hang, huyện Na hang, tỉnh Tuyên Quang.
Anh Đông cho biết thêm: Khi chúng tôi đến gặp bố mẹ cháu Hạnh, gia đình họ rất khó khăn. Theo lời họ kể và hàng xóm của anh Hùng cũng xác nhận, sau khi sinh, cháu Hạnh bị teo não, không nhận thức được, bị hở hàm ếch… Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi tuy rất tốn kém nhưng không khỏi. Vì cháu bị các bệnh tật như vậy, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cháu bị suy dinh dưỡng nặng.

Khi biết chùa Bồ Đề là nơi hay cưu mang các cháu bé có hoàn cảnh cơ nhỡ nên hai vợ chồng anh Hùng đã gửi con vào chùa một thời gian với suy nghĩ là để ổn định kinh tế và sinh cháu thứ hai. Khi nào có điều kiện, lại đón bé Hạnh về.

“Với những lời khai của bố cháu bé cùng với thông tin từ người dân và thực tế có chuyến xe từ Na Hang xuống Hà Nội (không dừng nghỉ ở chỗ nào) thì có sự trùng khớp với nhau về mặt thời gian”.
Bố cháu bé có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng
Khi được hỏi về những thương tích trên cơ thể cháu, anh Đông cho biết: “Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với gia đình thì gia đình cho biết: Ở nhà, cháu thường đập đầu và cơ thể vào các vật xung quanh nên người hay bị thâm tím… Cháu cũng hay được đóng bỉm nên có thể là nguyên nhân gây ra viêm nhiễm do không có điều kiện để chăm sóc. 

Theo LS. Cao Bá trung, anh Hùng đã vi phạm luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Theo LS. Cao Bá trung, anh Hùng đã vi phạm luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Có thể chúng tôi vẫn phải trưng cầu giám định từ Viện khoa học hình sự (bộ Công an) để xác định chính xác những thương tổn trên cơ thể cháu rồi mới có thể đưa ra một kết luận chính xác. Và sau khi biết hoàn cảnh gia đình cháu như vậy, lại không thấy có sự ngược đãi cháu bé nên chúng tôi chưa đặt ra vấn đề xử lý hình sự trong vụ này”.
Chiều 7/5, trao đổi với phóng viên Báo giáo dục Việt Nam về trường hợp của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh, luật sư Cao Bá Trung – (Công ty luật hợp danh Incip, HN) cho biết: “Luật hình sự không quy định về trường hợp như thế này.

Tuy nhiên hành động này của anh Hùng đã vi phạm luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Và theo Nghị định số 114/2006/ NĐ - CP qui định xử phạt hành chính về dân số và trẻ em thì vợ chồng anh Hùng có thể chỉ bị phạt hành chính thôi và mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”.

Điều 13. (Nghị định số 114/2006/ NĐ - CP) Hành vi cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ngay sau khi sinh con, cha hoặc mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Cha, mẹ để con, người giám hộ để trẻ em được mình giám hộ cho người khác nuôi, cắt đứt quan hệ, không thực hiện nghĩa vụ đóng góp nuôi dưỡng trẻ em, mặc dù có khả năng thực hiện nghĩa vụ này, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi theo quy định của pháp luật;  
c) Cha, mẹ bỏ mặc con, người giám hộ bỏ mặc trẻ em được mình giám hộ tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em này, để trẻ em này rơi vào hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Điều 40 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cá nhân thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho trẻ em theo quy định của pháp luật do thực hiện hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
   
Tuệ Minh