Xảy ra cháy, nổ… dân cư Sky City, Keangnam chỉ còn cách “tự cứu mình”?

28/06/2011 08:33
(GDVN) - Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, khi xảy ra cháy, nổ quan trọng nhất là người dân ở các chung cư cao tầng phải bình tĩnh, tìm phương án "tự cứu mình".

(GDVN) - Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an TP.Hà Nội, xe thang chữa cháy cao nhất ở Hà Nội hiện nay chỉ vươn được đến… tầng 14. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn PCCC cho nhà siêu cao tầng (trên 30 tầng) nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay thì khi xảy ra cháy, nổ quan trọng nhất là người dân ở đây phải bình tĩnh, tìm phương án "tự cứu mình".

>> "Cuộc chiến" căng thẳng suốt 6 giờ, kéo dài đến nửa đêm ở Keangnam

>>"Không chăm sóc tốt khách hàng, Keangnam đã tạo cơ hội cho đối thủ"

Hiện nay, phát triển nhà cao tầng là xu thế chung của các nước tiên tiến cũng như ở Việt Nam, chính vì thế, yêu cầu về công tác PCCC càng trở nên bức thiết. Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP.Hà Nội về công tác này.

Xảy ra cháy nổ, càng ở nhà cao tầng càng nguy hiểm

Ông Sơn phân tích đối với các khu nhà cao tầng khi xảy ra cháy nổ rất nguy hiểm vì trong cấu trúc của tòa nhà thường có cầu thang máy, cầu thang bộ , buồng kỹ thuật… nếu không có giải pháp kỹ thuật tốt, khi xảy ra hỏa hoạn chỉ trong vài phút khói, nhiệt của sản phẩm cháy có thể bốc lên rất nhanh theo chiều đứng tòa nhà đồng thời phát triển theo bề ngang tòa nhà.

Các vụ cháy chung cư cao tầng đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng PCCC. Ảnh minh họa.
Các vụ cháy chung cư cao tầng đang đặt ra nhiều
thách thức cho lực lượng PCCC. Ảnh minh họa.

Qua thực nghiệm, người ta xác định vận tốc khói và nhiệt có thể đạt 20 m/s. Trong thời gian rất ngắn 2 đến 4 phút nhiệt độ trong cầu thang máy, tầng trên cùng của mái nhà có thể đạt rất cao từ 200 đến 400 độ C vượt quá mức an toàn của con người.

Cháy nhà cao tầng, công tác chữa cháy rất phức tạp. Với các trang bị hiện nay của Việt Nam, phần lớn lực lượng chữa cháy chỉ sử dụng các phương tiện chữa cháy bằng cầu thang bộ, mất rất nhiều thời gian lăng vòi cũng như triển khai các phương tiện cần thiết khác. Xe chữa cháy phải chạy với áp xuất cao hơn rất nhiều. Mỗi một mét nhà cao tương đương với 1 mét cột nước. Tòa nhà càng cao áp lực nước lên đến đầu lăng đòi hỏi lớn. Lực lượng chữa cháy vô cùng vất vả để dập một đám cháy.

Không chỉ vậy, công tác tổ chức thoát nạn ở các tòa nhà cao tầng cũng gặp không ít khó khăn. Từ khâu thiết kế ban đầu, nếu nhà đầu tư không tuân thủ quy định của nhà nước về xây dựng nhà cao tầng, không đáp ứng yêu cầu thoát nhiệt, thoát khói, xây dựng hệ thống thoát nạn như cầu thang, hành lang thoát nạn thì người dân ở các khu nhà này rất khó thoát.

Xe thang chữa cháy hiện đại nhất Hà Nội chỉ cứu được đến… tầng 14


Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, hiện nay lực lượng cảnh sát PCCC chỉ tập trung xe chữa cháy. Trong toàn thành phố có 2 xe thang 30 mét, 2 xe thang 50 mét tương đương khoảng 14 đến 15 tầng.

Xe thang chỉ để phục vụ mục đích đưa chiến sĩ, phương tiện chữa cháy trên cao. Nếu cần thiết đáp ứng chữa cháy từ bên ngoài vào. Ngoài ra, xe thang được cứu nạn người dân trong trường hợp không còn lối nào thoát, người già, người tàn tật, bị thương không tự thoát khỏi nhà được. Những người khỏe mạnh phải tự tìm lối thoát.

Tại Hà Nội hiện chỉ có 2 xe thang 30 mét, 2 xe thang 50 mét tương đương khoảng 14 đến 15 tầng. Ảnh minh họa.

Tại Hà Nội hiện chỉ có 2 xe thang 30 mét, 2 xe thang 50 mét
tương đương khoảng 14 đến 15 tầng. Ảnh minh họa.


Hiện nay xe thang cao nhất thế giới là 72 mét. Việt Nam có một cái tại TP.Hồ Chí Minh nhưng không phát huy được hiệu quả do điều kiện cơ sở hạ tầng. Mục đích thang chữa cháy không phải dùng để cứu hộ.

Lực lượng chữa cháy của chúng ta hiện nay cũng còn rất mỏng cả về lực lượng và phương tiện, đều chưa đáp ứng được công tác PCCC. Thiếu xe chữa cháy chuyên dùng, như xe chữa cháy hóa chất, xe bọt, xe chữa cháy dùng trong tầng cao nhất định chưa có, chỉ “lợi dụng” xe thang. Toàn thành phố chỉ có 10 đội trên 29 quận, huyện, một đội đảm bảo diện tích rất lớn.

Trước yêu cầu bức thiết của công tác phòng cháy chữa cháy cho nên Bộ Công an đã quyết định thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội. Ông Sơn cho rằng khi thành lập sở sẽ có điều kiện đáp ứng về mạng lưới lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, dần dần hoàn thiện về mặt phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Nếu tòa nhà nếu áp đụng đủ yêu cầu về kỹ thuật thì bản thân nó có thể chữa cháy ngay ban đầu, lâu dài và có đủ điều kiện thoát nạn. Ông Sơn nhấn mạnh: “Trên thế giới có tòa nhà cao đến 600 mét, với độ cao đó làm gì có phương tiện nào đáp ứng được về chiều cao, chính vì vậy người ta bắt buộc phải xây dựng một hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ.

Trong tương lai, các nhà cao tầng phát triển, tiến tới nhà siêu cao tầng nên tất cả các công trình này khi đi vào xây dựng phải được thẩm duyệt về công tác PCCC. Chúng ta phải áp dụng những tiến độ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng tiêu chuẩn cao hơn của nước ngoài. Bộ Công an đang phối hợp với các bộ liên quan để sửa đổi, xây dựng mới sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay

Cách tốt  nhất: Người dân tự cứu mình?


Ông Sơn chia sẻ rằng, mỗi người dân nên làm một chiến sĩ chữa cháy. Khi xảy ra cháy, người phát hiện phải hô hoán cho người xung quanh biết, không chữa cháy một mình. Trong trường hợp lửa bao vây không thoát được, người ta nên sử dụng biện pháp như lấy chăn nhúng nước, trùm lên người thoát ra ngoài.

Xảy ra cháy, nổ… dân cư Sky City, Keangnam chỉ còn cách “tự cứu mình”? ảnh 3

Ở chung cư cao tầng, người dân nên nâng cao kiến thức và tập
huấn các kỹ năn g phòng cháy, chữa cháy. Ảnh minh họa.

Khi thoát nạn, người bị nạn phải biết ứng xử với khói và nhiệt, tìm nơi thoát nạn gần nhất hoặc tìm nơi an toàn nhất. Khói đậm đặc quá thì nên lom khom người xuống.

Đối với ban quản lý tòa nhà, họ là người tổ chức thoát nạn và chữa cháy tại chỗ để đảm bảo cho người dân. Trong mọi điều kiện hệ thống PCCC phải hoạt động, thường xuyên kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống kỹ thuật phù trợ cho việc PCCC.

Xây dựng nội quy, quy định công tác phòng cháy, chữa cháy, xây dựng quy trình tổ chức phòng cháy, chữa cháy. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy cho tòa nhà, phương án này phải được phổ biến cho từng hộ gia đình trong tòa nhà. Phương án này phải được tổ chức thực tập hàng năm và ít nhất mỗi năm một lần. Người sinh sống và làm việc trong tòa nhà phải có trách nhiệm tham gia khi có yêu cầu.
 
Việt Nam chưa có tiêu chuẩn PCCC cho nhà siêu cao tầng

Hiện nay, Việt Nam chỉ có tiêu chuẩn PCCC cho nhà cao tầng, tiêu chuẩn 60, 61 (tiêu chuẩn bắt buộc đảm bảo yêu cầu về mặt bằng, giao thông xung quanh, giao thông bên ngoài, bên trong, yêu cầu về cầu thang máy, cầu thang bộ, hệ thống thiết bị PCCC, thiết bị cảnh báo cháy sớm, họng nước vách tường…)…

Ngoài ra, tại tiêu chuẩn 323:2004 (tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam – nhà cao tầng – tiêu chuẩn thiết kế) cũng chỉ mới xác định nhà cao tầng theo độ cao 25 mét đến 100 mét - tương đương với nhà 30 tầng. Theo đó, tiêu chuẩn nhà siêu cao tầng (trên 30 tầng) hiện nay chưa có.
 
Những nhà siêu cao tầng hiện nay đều áp dụng tiêu chuẩn về xây dựng, PCCC của nước ngoài. Áp dụng tiêu chuẩn này phải được cho phép của Cục PCCC – Bộ Công an. Nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn này, sẽ đảm bảo an toàn PCCC. Từ kết cấu mặt bằng, tường chịu lửa, hành lang, cầu thang thoát nạn, quy định về kỹ thuật kèm theo để đảm bảo cho quá trình PCCC cũng như thoát nạn.


Phương Thúy (ghi)

>> Vòng xoáy “tiền, quyền lợi” nuốt chửng cư dân The Manor, Sky City
>> Cư dân Ciputra, Hà Thành Plaza “kêu trời” phí dịch vụ đắt đỏ
>> Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City...