Hôm nay, hãy về ăn cơm cùng ba mẹ, teen nhé!

28/06/2011 08:30
Có rất nhiều lý do khiến teen không thể ăn cơm nhà, như trùng lịch học thêm, phải đi làm đúng giờ ăn cơm, rồi tụ tập bạn bè ở ngoài...

Có rất nhiều lý do khiến teen không thể ăn cơm nhà, như trùng lịch học thêm, phải đi làm đúng giờ ăn cơm, rồi tụ tập bạn bè ở ngoài... Vì những lý do ấy mà giờ đây, bên mâm cơm nóng sốt, chỉ có mình ba mẹ ngồi ăn.

>> Gửi cậu em trai lém lỉnh, ngày em 18!

>> Teen "ngoan" thời hiện đại
 
Cuộc sống hiện đại và những buổi đi chơi cùng bạn bè đang "cuốn" teen xa khỏi bữa cơm đầm ấm của gia đình.

Nghìn lý do khiến teen "vắng" khỏi mâm cơm nhà

Bữa cơm gia đình vốn là nơi cả nhà sum vầy sau những giờ lao động, học tập mệt mỏi. Không khí quây quần, đầm ấm khiến tất cả các thành viên trong gia đình như lấy lại năng lượng cho ngày tiếp theo. Vậy mà dường như cuộc sống hiện đại đang vội cuốn teen đi “xa” bữa cơm gia đình.

Có rất nhiều lý do khiến teen không thể ăn cơm nhà, như trùng lịch học thêm, phải đi làm đúng giờ ăn cơm, rồi tụ tập bạn bè ở ngoài... Vì những lý do ấy mà giờ đây, bên mâm cơm nóng sốt, chỉ có mình ba mẹ ngồi ăn.

Linh Chi (17 tuổi) chia sẻ: “Mình rất muốn ăn cơm cùng cả nhà. Nhưng từ khi lên cấp 3, phải đi học thêm mà lớp bắt đầu học từ 6h. 5h tan học ở trường về, phóng xe qua đó đã là 5h30, về nhà để ăn cơm thì sẽ muộn học, nên mình đành phải mua tạm bánh mì để ăn chống đói, thế là không ăn cùng cả nhà được nữa”.

Có đi xa, teen mới nhớ lắm những bữa cơm gia đình.
Có đi xa, teen mới nhớ lắm những bữa cơm gia đình.

Cô Lan (một phụ huynh học sinh) thì thở dài: “Con gái cô mới học đại học năm nhất nhưng khá năng động, ngoài việc học trên lớp, nó còn xin làm thêm ở một trung tâm Tiếng Anh nên cũng khá vất vả. Thương con, mỗi bữa cơm tối cô thường nấu những món ăn nó thích, rồi cả nhà lại ngồi chờ nó về mới ăn. Vậy mà cứ đi làm về là nó than mệt, rồi đi nằm nghỉ, đến tối khuya mới lục đục dậy ăn. Nhìn con ngày càng gầy mà cô xót xa, khuyên nó bỏ bớt công việc đi thì nó không chịu nghe, nói là con đi làm để học tập thêm kinh nghiệm. Đành rằng đi làm cũng tốt, nhưng cũng cần giữ gìn sức khỏe chứ”.

Ngoài những lý do bất khả kháng, cũng có không ít teen vẽ cho mình vài lý do để “trốn” cơm nhà. Hùng (18 tuổi) – một con "mọt game", thì sống ở quán game 12/24h. Tất cả thời gian ở quán game Hùng đều nói dối ba mẹ là đi học thêm, nhưng thực ra là đang “cày game” ở quán.

Bữa ăn của Hùng là bát phở lõng bõng nước ở kế quán game hay chiếc bánh mì nguội ngắt nhai tạm cho qua cơn đói rồi lại tiếp tục “chiến”. Nhìn con ngày một gầy đi do “học nhiều”, bố mẹ Hùng đưa thêm tiền cho con để “có đói thì mua gì mà ăn con ạ, đừng tiết kiệm, mệt không có sức để học đâu”. Nhưng số tiền ấy chắc chắn đã không làm được đúng mục đích của nó.

Lan (17 tuổi) thì hí hửng: “Khẩu vị của tớ không hợp với cả nhà, giờ cơm mẹ tớ lại thường lôi đủ thứ tội lỗi của tớ ra để mắng, nên bữa ăn thường không thể nuốt nổi. Thế nên tớ đã quyết định xin bố mẹ tiền để ăn ngoài, vừa tiện cho việc học của tớ, ăn ở ngoài lại còn ngon hơn, được tám chuyện với bạn bè, vui nổ trời luôn. Ban đầu bố mẹ tớ cũng phản đối dữ lắm, nhưng tờ mè nheo rồi đòi “tuyệt thực”, thế là bố mẹ tớ phải chiều thôi. Ăn cơm tiệm có một tháng mà tớ mũm mĩm ra ngay nè!”.

Trường hợp teen nhà mình vô tư quá thành vô tâm như Lan không phải là hiếm. Có những lúc, đang trong bữa cơm tối vui vẻ, thấy bạn thân gọi điện rủ đi chơi, nhiều bạn sẵn sàng buông đũa đứng dậy đi tụ tập với nhóm bạn, bỏ lại mâm cơm gia đình chỉ còn tiếng thở dài của ba mẹ.

Những giấc mơ về bữa cơm đoàn viên


Phải chăng khi thiếu vắng một thứ gì đó quan trọng, người ta mới biết quý, biết thương những điều giản dị, bình thường trong cuộc sống? Xa nhà để đi học khiến cho bữa cơm nhà cũng trở nên vắng vẻ hơn, cùng với đó là nỗi nhớ về những giây phút sum vầy.

Có khi là cùng với cả sự hối hận về những nông nổi trẻ con, như lời kể của bạn Tuấn (19 tuổi): "Hồi trước ở nhà, tớ hay bỏ cơm bữa lắm, phần là vì tớ không hợp với bố nên bữa nào hai bố con cũng có "chiến tranh", phần là vì việc học bận rộn nên có khi cả tuần mới về ăn cơm được ở nhà một hai lần. Giờ đi học xa nhà, kết bạn với... cơm bụi, mì tôm mới biết không ai nấu ngon như cơm của mẹ, cũng chẳng ai nhắc nhở, bảo ban mình như bố cả. Sao thấy hối hận ngày xưa lúc nào cũng cãi bố mẹ, làm bữa cơm cả nhà mất ngon”.

Đức (20 tuổi) tâm sự về nỗi nhớ của bạn về bữa cơm gia đình: “Tớ lên Hà Nội học đại học đã được hai năm rồi, thế là bằng ấy thời gian chưa được ăn cơm cùng bố mẹ. Nhiều lúc nhớ lắm, thấy mâm cơm nhà khác đông đủ lại chạnh lòng tủi thân, muốn chạy ngay về với bố mẹ thôi. Thèm được ăn cơm do mẹ nấu, được bố hỏi han chuyện trường lớp, rồi đứa em tíu tít bên cạnh trêu đùa. Nhớ bố mẹ lắm nhưng không dám than thở, sợ bố mẹ lo lắng. Sống xa nhà mới biết quý những giây phút đầm ấm quây quần bên mâm cơm. Hai năm nữa học xong tớ nhất định sẽ về quê làm việc để được ở gần bố mẹ.”

Bữa cơm gia đình không chỉ là cả nhà cùng ăn chung một bữa, ngồi chung một chiếc bàn mà quan trọng hơn cả, nó chính là sợi dây nối yêu thương, nơi nuôi dưỡng tình thương yêu của những thành viên trong một mái nhà, mà nhiều khi vì cuộc sống tất bật ta đã lãng quên. Hãy yêu thương khi ta còn có thể, hãy biết quý trọng những giờ phút bên bữa cơm gia đình. Và ngày hôm nay – Ngày gia đình Việt Nam, hãy về ăn cơm cùng ba mẹ, teen nhé!

Theo phapluatxahoi.vn

>> Gửi cậu em trai lém lỉnh, ngày em 18!

>> Teen "ngoan" thời hiện đại