Độc giả cùng bàn luận:

"Phải mất 3 năm ăn 1.000 gói mỳ Gấu đỏ để góp cho trẻ em 10.000 đồng"

15/05/2012 06:44
Thành Chung (Trích nguồn: Facebook Nguyen Quyet NL
(GDVN) - "Phép toán đơn giản: Nếu mỗi ngày ăn 1 gói mỳ Gấu đỏ , để góp được 10.000 đồng cho trẻ em bất hạnh mọi người phải mất tới 3 năm; để góp 100.000 đồng, bạn phải ăn liên tục mỳ gấu đỏ trong 30 năm!".
Ăn mỳ Gấu đỏ 300 năm nếu muốn góp 1 triệu đồng cứu chữa cho bệnh nhân ung thư? Mình đã xem đi xem lại clip quảng cáo của Gấu đỏ. Hình ảnh được đưa ra quảng cáo trong clip phải nói là rất xúc động. Câu chuyện bất hạnh của Tuấn, nụ cười trong sáng của trẻ thơ, ánh mắt sẻ chia của bác sĩ, giọt nước mắt tức tưởi của người mẹ… clip này chắc lấy không ít nước mắt của những người xem.   Trước khi xem quảng cáo, mình cũng có đọc nhiều người viết ở trên Facebook nói về chương trình này với tình cảm trìu mến, đầy xúc động. Nó làm mình liên tưởng cô gái câm kéo violon clip quảng cáo dầu gội đầu, đến người cha bị câm phải đưa con gái cấp cứu vì tự tử ngay trong ngày sinh nhật trong quảng cáo về bảo hiểm nhân thọ.
>>>Bấm vào đây để xem VIDEO: quảng cáo mỳ Gấu đỏ gây tranh cãi trên cộng đồng mạng
Bài viết về clip quảng cáo của độc giả trên mạng xã hội Facebook đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.
Bài viết về clip quảng cáo của độc giả trên mạng xã hội Facebook đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.

Những quảng cáo này có điểm chung là đều rất xúc động, nó đi vào lòng người, khơi gợi nên lòng trắc ẩn, tình yêu mà thường ngày bị che khuất bởi bộn bề cuộc sống. Sau họp báo rầm rộ ra mắt chương trình, hình ảnh của cháu Tuấn- nhân vật bị bệnh hiểm nghèo trong clip quảng cáo cũng được trưng ở khắp nơi. Gấu đỏ đã rất thành công với thông điệp gửi đến khách hàng: ăn và nghĩ đến những số phận bất hạnh. Mình đoán, sẽ không ít người sẽ lựa chọn mỳ gấu đỏ vì quảng cáo ấy. Hơn hết, mỗi khách hàng đều là người cha, người mẹ hoặc là con của một người cha, người mẹ. Sẽ có không ít người bỏ qua loại mỳ tôm đang ăn để lựa chọn gấu đỏ. Nhiều người nói, một đồng cũng là quý, quý ở tinh thần, quý ở tấm lòng các doanh nghiệp dù kinh doanh vẫn nghĩ đến trách nhiệm cộng đồng. Nhưng nếu mọi người tỉnh táo một chút, sẽ nhận ra, cái gọi là tấm lòng ở trong câu chuyện quảng cáo có giá quá rẻ mạt. Bạn mua mỳ tôm và nghĩ rằng, mình đang giúp đỡ trẻ em bất hạnh. Song bạn có đặt ngược lại câu hỏi: Phải mất bao lâu để mình có thể góp cho các cháu 10.000 đồng? Nếu mỗi ngày ăn 1 gói, bạn mất 3 năm. Nếu muốn góp 100.000 đồng, bạn phải mất 30 năm ăn mỳ gấu đỏ liên tục. Nếu muốn góp 1 triệu đồng, bạn phải ăn gấu đỏ tới 300 năm. Nghĩa là đến đời con, đời cháu mới ăn hết. Vậy Đấy!Trong clip, mỳ Gấu đỏ chỉ kêu gọi mọi người giúp đỡ trẻ em bất hạnhchứ chưa trực tiếp giúp đỡ? Xét về mặt Marketing và truyền thông, gấu đỏ quá thành công với thông điệp mạnh mẽ. Song ở một khía cạnh nào đó, mình thấy thật bất nhẫn. Vì gấu đỏ đã lợi dụng hình ảnh những mảnh đời bất hạnh của các em để thúc đẩy bán hàng- thúc đẩy bán hàng để tăng lợi nhuận, nói nôm na thì là kiếm tiền. Để thành công trong chiến dịch Marketing này, gấu đỏ đã xuất hiện ở khắp nơi: liên tục trên VTV vào "giờ vàng" (có giá siêu cao), các quảng cáo khổ lớn, áp phích, standee... thậm chí là dán nửa thân xe buýt chạy khắp Hà Nội. Ai cũng có thể thấy, số tiền bỏ ra để quảng bá trên bằng nấy phương tiền phải mất rất nhiều tỷ đồng. Trong video quảng cáo, không nói đến chất lượng của mỳ, cũng không nói sự khác biệt nào đó về sản phẩm mà chỉ đưa đến cho người ta một động lực để mua hàng là lòng trắc ẩn. Nghĩa là, khách hàng của Gấu đỏ, không chỉ là một khách hàng có nhu cầu ăn uống thông thường, mà còn là người có tấm lòng. Mục tiêu của chương trình này quá rõ ràng: khơi gợi lòng trắc ẩn để thúc đẩy bán hàng, dĩ nhiên, bán được càng nhiều càng tốt! Mình còn nhớ, trước khi chương trình của gấu đỏ ra đời, Vinamilk cũng có chương trình 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo. Nhưng Vinamilk trích ra tới 60 đồng cho một hộp sữa. Nghĩa là gấp 6 lần gấu đỏ. Và mục tiêu miễn phí sữa cho trẻ em nó cũng nhẹ nhàng hơn, đỡ đao to búa lớn hơn nhiều so với gấu đỏ. So sánh ra, mọi người hiểu gấu đỏ đang yêu thương trẻ em, yêu thương những số phận bất hạnh, hay yêu gì?.>>>Bấm vào đây để xem VIDEO: quảng cáo mỳ Gấu đỏ gây tranh cãi trên cộng đồng mạng
Một hình ảnh được cắt ra từ clip quảng cáo của mỳ gấu đỏ.
Một hình ảnh được cắt ra từ clip quảng cáo của mỳ gấu đỏ.
Tất nhiên để đưa ra so sánh và nhất là về công việc liên quan đến từ thiện thì có phần hơi khiên cưỡng, sự đóng góp, từ thiện đó là tùy vào tâm của mỗi người, mỗi cá nhân hay tập thể, nhưng qua đây chúng ta cũng đáng để suy nghĩ.... Mỗi gói mỳ Gấu đỏ bán ra có giá 2.500- 3.000 đồng. Lợi nhuận của loại thức ăn nhanh này cũng vài chục phần trăm. 10 đồng - con số tròn trịa ấy, thực sự quá nhỏ bé so với cái mấy chục phần trăm lợi nhuận. Giá mà Gấu đỏ tăng lên được 50 đồng 1 gói, nghĩa là chỉ cần ăn 20 gói là đã góp cho các em được 1.000 đồng; nếu cao quá thì thì 40 đồng cũng được; nếu 40 đồng cũng không được thôi thì 30 đồng cũng cam lòng. Nếu 30 đồng cũng không được nữa, thôi chấp nhận chỉ là 25 đồng = 1/100 giá trị của gói mỳ cũng được- Thì chắc những hình ảnh em bé bất hạnh được gấu đỏ khai thác triệt để cũng sẽ bớt bất hạnh thêm được 1 phần nào. Và ăn mỳ - người tiêu dùng cũng thấy được đóp góp nhiều hơn. Nhiều bạn bè của mình comment trên Facebook, doanh nghiệp người ta làm ăn, tính toán đến lỗ lãi, còn vì cộng đồng là tốt quá rồi!. Của ít lòng nhiều, có còn hơn không. Quả đúng như thế! Của cho không bằng cách cho. Nhưng mọi người đang nhầm lẫn 1 điều: Trong quảng cáo này Mỳ gấu đỏ chưa giúp đỡ trẻ em bất hạnh trực tiếp, mà chỉ kêu gọi mọi người giúp đỡ trẻ em bất hạnh- Bằng cách mua mỳ gấu đỏ. Về logic, gấu đỏ đang kiếm tiền dựa trên những mảnh đời bất hạnh? Người ta thường gọi theo cách dân dã là “Lấy mỡ nó rán nó”. Nó- ở đây được hiểu là khách hàng. Có cách nào khôn ngoan hơn thế không? Khách hàng muốn giúp trẻ em nhiều thì phải mua thật nhiều mỳ, phải ăn thật nhiều gấu đỏ. Đơn giản là vậy! Từ chương trình này, công ty Thực phẩm Á Châu- là công ty sản xuất loại mỳ này được tôn vinh là Doanh nhân vì Cộng đồng. Nhưng ở góc độ là người tiêu dùng, là khách hàng, mình nghĩ, một chương trình như Gấu đỏ kết nối yêu thương, nếu nó khiến người ta mua nhiều hàng vì lòng trắc ẩn, vì tình thương song thực sự  không mang lại giá trị như trong quảng cáo (khiến người tiêu dùng lầm tưởng) thì đó là một sự lừa dối khách hàng.? Nhiều người thấy mình có vẻ cực đoan trong câu chuyện gấu đỏ. Nhưng mọi người cũng nên nghĩ rằng: Dĩ nhiên, kinh doanh bao giờ cũng phải nghĩ đến lợi nhuận. Song một khi doanh nghiệp đã mang những người tàn tật, bất hạnh ra để làm công cụ kinh doanh cho mình, thì cần phải sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy, và một điều quan trọng nữa là không được đánh lừa niềm tin của người tiêu dùng dành cho chương trình. Mọi ý kiến xin độc giả vui lòng gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Thành Chung (Trích nguồn: Facebook Nguyen Quyet NL