Truy tố, xét xử trước mảng cố ý làm trái ở Vinashin

30/06/2011 03:15
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khẩn trương củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án tham nhũng tại Vinashin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khẩn trương củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án tham nhũng tại Vinashin.
{iarelatednews articleid='5089,4221,3987,3863,3830,3837,3194'}
Ngày 29/6, tại phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã báo cáo kết quả 10 tháng điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinashin (VNS).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Các bị can đều thừa nhận sai phạm
Theo báo cáo của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đến nay đã cơ bản làm rõ hành vi phạm tội của 10 bị can đã bị khởi tố. Cơ quan điều tra đã tiến hành tổng cung, các bị can đều thừa nhận sai phạm. Hiện cơ quan điều tra đã có dự thảo kết luận điều tra, trao đổi với VKSND Tối cao.
Ngoài mảng cố ý làm trái, quá trình điều tra đã phát hiện dấu hiệu tham ô, lợi dụng chức vụ, liên quan tới nguyên chủ tịch VNS Phạm Thanh Bình và một số bị can chủ chốt đã bị khởi tố, tạm giam. Đó là chưa kể một số việc có dấu hiệu hình sự mà Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra sau cuộc thanh tra toàn diện VNS.
Tham gia ý kiến về vụ việc này, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đều đồng tình với đề nghị của Bộ Công an, cho truy tố, xét xử trước mảng tội danh cố ý làm trái. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo, cũng đồng ý và yêu cầu song song với việc đưa ra truy tố các bị can về tội cố ý làm trái, cần khẩn trương củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án tham nhũng tại VNS, tiếp tục điều tra làm rõ hành vi tham nhũng và các vi phạm khác của các bị can cũng như đối tượng liên quan trong vụ án.
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Hàng chục người bị triệu tập
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết liên quan đến sự việc VNS, Thủ tướng, các phó thủ tướng và chín vị bộ trưởng, bí thư ban cán sự đảng các bộ và đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương đã kiểm điểm nghiêm túc trước Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã báo cáo với Trung ương về việc kiểm điểm này. Tuy nhiên, tinh thần không phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đến thế là xong. “Quá trình điều tra tới đây, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào có khuyết điểm, sai phạm mới thì tiếp tục xử lý” - ông nói.
Ngoài tám bị can đã bị bắt giam, hai bị can đang bị truy nã quốc tế, cơ quan điều tra đã gọi hỏi, triệu tập hơn 50 người khác. Trong số này, nhiều người chịu trách nhiệm liên quan đến các vụ việc ở VNS nhưng hiện chưa áp dụng các biện pháp tố tụng. Một số đã bị cấm xuất cảnh để hầu tra.
Các bị can nói trên bị điều tra do liên quan đến bốn vụ việc: Đầu tư mua tàu Hoa Sen; phá dỡ, bán thanh lý vỏ tàu Bạch Đằng Giang; dự án nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định); dự án điện diesel Cai Lân (Quảng Ninh). Tổng thiệt hại đã được cơ quan điều tra trưng cầu giám định cho đến nay là 880 tỉ đồng.
Ngoài ra, công an ở 33 tỉnh, thành có dự án của VNS cũng được yêu cầu chủ động xác minh, nắm tình hình. Riêng bốn tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ngãi đã phát hiện những vụ việc có dấu hiệu hình sự, trong đó Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố một vụ án với bốn bị can về tội cố ý làm trái, liên quan đến dự án của VNS ở địa phương này.
19 tỉnh, thành không phát hiện tham nhũng
Tại phiên họp, ban chỉ đạo cũng dành thời gian đánh giá công tác PCTN sáu tháng đầu năm. Kết quả cho thấy nửa năm qua, cả nước đã khởi tố mới 100 vụ/184 bị can, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, sau ba năm giảm liên tục, số vụ án tham nhũng được phát hiện đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, ban chỉ đạo nghiêm khắc chỉ ra còn tới 19 tỉnh, thành suốt sáu tháng rồi không phát hiện được vụ tham nhũng nào. Thủ tướng yêu cầu làm rõ lý do là do địa phương đó không có tham nhũng hay vì vướng bận tổ chức đại hội Đảng và bầu cử.
Bắt giam tám người
Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT VNS; Trần Quang Vũ, nguyên TGĐ VNS, trước đó là TGĐ Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu; Trần Văn Liêm, nguyên ủy viên HĐQT, trưởng ban Kiểm soát VNS; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên giám đốc Công ty Hoàng Anh VNS; Nguyễn Tuấn Dương, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Cửu Long và TGĐ Thép Cái Lân; Tô Nghiêm, nguyên chủ tịch Công ty Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân và TGĐ Công ty Phát triển Khu kinh tế Hải Hà; Đỗ Đình Côn, nguyên phó TGĐ Công ty Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh; Trịnh Thị Hậu, nguyên TGĐ Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy.
Truy nã quốc tế hai người
Hai bị can khác đã trốn ra nước ngoài từ tháng 7-2010, hiện đang bị truy nã quốc tế: Hồ Ngọc Tùng, nguyên TGĐ tài chính VNS; Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vận tải Viễn dương VNS.
Theo NGHĨA NHÂN/Pháp luật TPHCM