Nhà nước nên trao quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập?

19/05/2012 06:03
Kim Ngân
(GDVN) - “Luật được thảo luận, quốc hội thông qua, đó chỉ là hành lang pháp lý về đào tạo đại học. Quan trọng là các cơ quan thực thi pháp luật. Vì sao? Vì luật đưa ra, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, không tạo điều kiện cho các trường hoạt động theo đúng tiêu chí”.
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà làm giáo dục. Liệu rằng Luật Giáo dục Đại học được ban hành vào thời gian này có khả thi và những nội dung trong đó có bao quát được đến quyền lợi của các trường công lập (CL) cũng như trường ngoài công lập (NCL) hay không. Để trả lời câu hỏi này, PV Báo giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với những người lãnh đạo các trường ĐH NCL về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Đông Đô - Quyền tự chủ của các trường ĐH NCL phải có lộ trình và phân tầng:


Ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Đông Đô (Ảnh Hoàng Lâm).
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Đông Đô (Ảnh Hoàng Lâm).

Quan điểm của tôi cho rằng vấn đề dự thảo luật vừa khó nhưng vừa dễ. Vì dự thảo luật giáo dục đại học đã được lấy ý kiến rộng rãi và được tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Nhưng vấn đề là chất lượng đào tạo không chỉ ở luật, luật chỉ là hành lang pháp lý thôi mà quan trọng là do tự thân vận động của các trường.

Thứ nhất, dự thảo luật giáo dục lần này là sự tiến bộ về các tư tưởng chủ đạo cũng như cụ thể hóa các nghị quyết của trung ương về đào tạo đại học ở Việt Nam.

Thứ hai, trong khi luật đang sửa đổi Bộ Nội vụ đề xuất mà tôi nghĩ sắp tới có thể đưa vào luật hoặc nghị định. Đó là từ nay trở đi việc thi tuyển công chức, sinh viên học hệ công lập hay tư thục đều không phân biệt. Có nghĩa là thi tuyển công chức thì bất kỳ người học ở đâu đều có quyền dự thi như nhau. Đó là tín hiệu đáng mừng về quyền lợi cho người học.

Thứ ba, luật được thảo luận, quốc hội thông qua đó chỉ là hành lang pháp lý về đào tạo đại học ở Việt Nam. Quan trọng là các cơ quan thực thi pháp luật. Vì sao? Vì luật đưa ra, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, rồi cuối cùng không tạo điều kiện cho các trường (kể cả các trường công) hoạt động theo đúng các tiêu chí như đội ngũ giảng viên, sân chơi…

Thứ tư, quyền tự chủ của các trường đại học NCL phải có lộ trình và sự phân tầng. Từ đó, từng bước trao quyền tự chủ cho các trường NCL… Ví dụ hiện nay, hoạt động một số trường CL và NCL theo luật hiện hành cũng như quy chế của nhà nước đi không đúng quỹ đạo đó. Cụ thể, trường CL liên kết đầu vào rộng, trường NCL cũng mở rất nhiều ngành, hệ mà chưa hề được phép của cơ quan chủ quản. Chưa trao quyền tự chủ thì đã như vậy, nếu trao quyền tự chủ ngay thì sẽ khó khăn nhiều. Trên thực tế, nhiều trường chưa đảm bảo được những tiêu chuẩn cơ bản nhưng vẫn tuyển sinh, giảng dạy…

Cuối cùng, tôi mong muốn rằng nhà nước nên quy định các trường NCL thì phải có những tiêu chuẩn xác định trường đào tạo có lợi nhuận hay không có lợi nhuận. Phải đề ra các tiêu chí trường NCL đào tạo phi lợi nhuận thì phải được hưởng các quyền lợi như miễn thuế thu nhập, tạo điều kiện thuận lợi hơn. Cần đưa ra các quy định cho từng loại hình trường NCL chứ không nên cào bằng. Mà xu thế ở Việt Nam là nên xây dựng các trường đào tạo phi lợi nhuận.

Từ những khó khăn của Trường ĐHDL Đông Đô đang vướng mắc tôi kiến nghị đến Quốc hội rằng: Một số trường được giao diện tích rất lớn, nhưng lại chưa có điều kiện xây dựng, trong khi đó có nhiều trường tồn tại lâu đời nhưng chưa được cơ quan chủ quản địa phương giao đất. Tôi mong các địa phương có trường đóng tạo điều kiện ủng hộ. Cần đưa ra cơ chế , văn bản hướng dẫn quy định đất đai chứ trong luật chỉ ghi chung chung”.
Ông Trương Đức Huy - Chủ tịch HĐQT ĐHDL Lương Thế Vinh: Nếu tiếp tục đánh thuế thì không bình đẳng

Ông Trương Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Lương Thế Vinh – Nam Định (Ảnh Hoàng Lâm).

Ông Trương Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Lương Thế Vinh – Nam Định (Ảnh Hoàng Lâm).

Nói về mong muốn trong dự thảo luật giáo dục đại học ở Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào ngày 21/3 sắp tới, ông Trương Đức Huy cho biết: “Quốc hội cũng xem xét tạo công bằng giữa các trường ngoài công lập với công lập. Chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội vì vậy đáng lẽ nhà nước phải hỗ trợ một số kinh phí để giúp cho chúng tôi, nhưng hiện tại chúng tôi phải tự chủ toàn bộ, mà nhà nước tiếp tục đánh thuế.

Cháu gái GS. Hồ Ngọc Đại:

Cháu gái GS. Hồ Ngọc Đại: "Học trường Thực nghiệm, ước thành Giáo sư"

TS. Nguyễn Đình Ngộ:

TS. Nguyễn Đình Ngộ: "Không thể biến trường thành nơi buôn bán chữ"

Tôi mong muốn quốc hội nên nghiên cứu bỏ quy định các trường NCL phải đóng thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế thì không bình đẳng, gây nhiều khó khăn cho chúng tôi”.
Vị đại diện của ĐH Lương Thế Vinh cũng nêu ra rằng, các trường đại học dân lập phải chuyển thẳng sang tư thục để có cơ chế quản lý thuận lợi hơn. Nếu để mô hình dân lập thì “nửa lạc nửa mỡ”, gây khó khăn khi cơ chế quản lý, xác định chủ sở hữu mập mờ và không thể tạo ra được sự minh bạch trong nhà trường được. Vì thế mọi chính sách, quy chế của chính phủ, thông tin hướng dẫn của Bộ GD cần cụ thể, nhanh chóng có thông tư hướng dẫn các trường NCL triển khai thực hiện.

Hơn thế nữa, ông Huy cũng phản ánh: “Nhà nước chưa đánh giá cao chất lượng đào tạo của các trường NCL, nhà trường phải tự chủ về tài chính, về nhân lực, quản lý, tổ chức… Chúng tôi như một người ở hành tinh khác, mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, chỉ cho chúng tôi “hít thở bầu không khí chung” của nhà nước thôi. Quá không công bằng so với các trường CL”.

Phải xác định rõ trường công lập và trường dân lập vì trường công lập có ưu thế mạnh nhiều hơn trường dân lập, vì vậy không thể bình đẳng trong cùng một sân để tuyển sinh. Các trường công lập cũng lấy điểm sàn là 13 điểm, Bộ cũng khống chế chúng tôi tuyển sinh 13 điểm. Vì vậy, ông Huy cũng mong muốn Quốc hội và nhà nước nên sớm giao quyền tự chủ cho các trường NCL.

Ông Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi: Nhà nước nên trao quyền tự chủ cho các trường NCL

Ông Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT ĐH Nguyễn Trãi
Ông Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT ĐH Nguyễn Trãi 


Theo ông Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT ĐH Nguyễn Trãi thì đã là luật giáo dục phải bền vững, phải dựa vào những gì quốc tế đang làm. Hệ thống giáo dục phải toàn diện thực sự một cách có hệ thống. 

“Tôi mong rằng Nhà nước nên xem xét lại các loại hình, hiện nay có rất nhiều trường đưa lên thành đại học. Đào tạo tại chức cũng không kiểm soát được, nhiều tiêu cực. Như thế thì chất lượng đào tạo, giảng dạy ở đâu? Ai là người quản lý? Nhiều doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng sinh viên sau khi ra trường, không xin được việc. Các Bộ thi nhau mở trường, một Bộ có đến mấy trường đại học”, ông Luận cho hay.

Từ đó, ông Luận nêu ra vấn đề thực tế là đa số các trường NCL hiện nay gặp rất nhiều rủi ro, khó khăn. Ví dụ nguồn giáo viên NCL sử dụng chủ yếu từ các trường CL; không có nhiều nguồn đầu tư, vốn để đầu tư. 

Một thực tế nữa là một số môn chung Bộ quy định bắt buộc hiện giờ không phù hợp với ngành nghề, với thực tiễn ở Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Trãi kiến nghị rằng nên để các trường NCL tự quyết các môn học, báo cáo lên Bộ, phê duyệt thì tiến hành giảng dạy. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các sinh viên học môn An ninh Quốc phòng các trường CL, trong khi đó trường NCL lại phải gánh.

Vì thế, ông Luận mong rằng: “Nhà nước trao quyền tự chủ cho các trường NCL về chương trình giảng dạy, tuyển sinh…Nhà nước chỉ cần đặt ra những quyết định, kiểm tra thi cử như thế nào, chất lượng ra sao, đào tạo đại học mấy năm...".
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Kim Ngân