Gian nan học chữ xóm Dao nghèo

29/05/2012 16:33
Diệp Phong
(GDVN) - Để tới trường, học sinh thôn Bặc Rặc (xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) phải xuất phát từ 5 giờ sáng, khi sương còn mờ mịt núi rừng. 
Đường đến trường muôn vàn gian khó

Một mế người Mường chỉ lên con đường xiên ngang núi, bảo: “Đi hết 5 km thôi là tới xóm Dao”. Vậy mà để vượt qua 5 km đường đất mấp mô với dốc mẹ đè dốc con ấy, các em học sinh xã Tân Thành, huyện Lương Sơn đã phải đổ không ít mồ hôi và nước mắt để tiếp cận với con chữ.
Nằm chênh vênh trên núi, Bặc Rặc dường như biệt lập với các xóm khác của xã Tân Thành.  Xóm chỉ có 39 hộ, 145 nhân khẩu, với 100% là người Dao. Tới đây, khi chúng tôi vừa hỏi đôi ba câu về chuyện học hành của con em trong xóm, chị nông dân người Dao đã tỏ ý sinh nghi, khăng khăng đòi dẫn chúng tôi vào nhà anh Bí thư chi bộ. 

Sau một hồi nghe chủ nhà và mấy cán bộ thôn (đã tới kế đó ít phút) chất vấn, suýt nữa chúng tôi bị… điệu lên xã. Khi biết tôi đi viết báo, anh Bí thư Triệu Lục Thành cười xuề xòa: “Em thông cảm, đây là nơi an toàn khu nên chúng tôi phải cảnh giác với người lạ. Nếu biết em là phóng viên thì thôn sẵn lòng tạo điều kiện, thậm chí cho người chở lên đây chứ chẳng để em phải vất vả thế này”. 

Em nhỏ người Dao xế trưa mới về tới xóm (Ảnh: Diệp Phong)
Em nhỏ người Dao xế trưa mới về tới xóm (Ảnh: Diệp Phong)

Anh Thành và những người dân ở đây cho biết, khó khăn lớn nhất của người dân Bặc Rặc vẫn là chuyện giao thông. Mùa mưa, xe qua đường phải ròng sợi xích chống trượt. Học sinh cấp II, III trọ học đều cõng củi, gạo xuống đường cái mới dám đi xe.  Xóm chỉ có lớp cho trẻ em mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2. Các em tiểu học từ lớp 3 trở lên phải đi bộ xuống thôn dưới học. Đường núi nhấp nhô, heo hút, mùa đông rét mướt, gà vừa gáy sáng các em đã tới trường. Mùa mưa, đường đất nhão nhoét, “đội quân”…  đi ủng người Dao vẫn cơm nắm cơm gói đi học. Xế trưa, chúng lại lọi mọi về chăn trâu.

Trường học của xóm nằm lọt thỏm dưới con dốc cao, phân biệt với nhà dân trước hết nhờ cái sân bãi rộng. Cách đây vài năm, trường học còn là nhà tranh vách đất, dột lụt lớp, bàn ghế ghép từ những thanh gỗ keo mỏng mảnh. Trường mới khá hơn, lợp mái bằng, nhưng chỉ có hai phòng học đối diện nhau. Phòng lớn gồm lớp một và lớp hai học quay lưng lại với nhau. Phòng nhỏ là lớp mầm non của cô giáo Bùi Thị Huệ.

Gọi là lớp, nhưng cô Huệ chỉ có 9 học trò. Mỗi buổi, cô giáo 27 tuổi này phải lái xe 40 cây số cả đi và về để dạy học. Dạy theo nghĩa vụ, ngoài tiền phụ cấp xăng xe, lương của cô được 830 nghìn đồng/ tháng. Cô không nói được tiếng Dao, các em 4, 5 tuổi người Dao chỉ bập bẹ được ít vốn tiếng Kinh, thành thử nhiều khi cô dạy mãi, trò vẫn không hiểu gì.

Những mầm ươm tri thức

Huyện Lương Sơn có 6 xóm người Dao, Bặc Rặc cùng với xóm Ngọc Lâm (xã Cao Răm) là hai xóm nghèo nhất huyện. Ở Bặc Rặc, số hộ nghèo chiếm khoảng 80%. Nguồn thu chủ yếu của người dân nơi đây là ngô, sắn, măng và lúa. Song, sự học ở Bặc Rặc không tỉ lệ thuận với cái nghèo của xóm. Người dân đang quan tâm nhiều hơn việc rèn chữ cho con em họ. 

Cô giáo Bùi Thị Huệ đang dạy chữ cho trẻ em Bặc Rặc (Ảnh: Diệp Phong)
Cô giáo Bùi Thị Huệ đang dạy chữ cho trẻ em Bặc Rặc (Ảnh: Diệp Phong)

Gia đình chị Phùng Thị Bình, một hộ thuần nông có bốn con trong xóm hàng tháng vẫn chi hơn một triệu cho con lớn đang học Đại học Sư phạm Thái Nguyên, khoảng 800 nghìn cho đứa nhỏ học cấp III dưới huyện. “Không có nhưng cũng phải chạy vạy hàng xóm, đợi mùa thu măng mà vá víu vào. Con cái nó muốn đi học thì cứ tạo điều kiện cho nó thôi”.

Anh Triệu Lục Thành cho biết, tất cả trẻ em 4 tuổi trong xóm đều được tới trường, chưa có em nào bỏ học ở cấp I. Cả xóm có 2 em thi đỗ và đang học Đại học Thủy lợi (Hà Nội), một em học ĐH Khoa học tự nhiên (Hà Nội), một em học Đại học Thể dục Thể thao (Bắc Ninh), và một em học Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Trong đó có gia đình ông Nghim có hai con đang học Đại học.

Con đường núi gập ghềnh vẫn ngăn trở người dân Bặc Rặc với người vùng khác, nhưng con chữ đang tới nhiều hơn với xóm Dao này.

Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn

Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY

Diệp Phong