NATO công bố "bước đầu tiên" của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu

21/05/2012 11:48
Ngọc Huyền (Nguồn RIA Novosti, RT)
(GDVN) - Tổng thư ký NATO đã công bố "bước đầu tiên" của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc rạng sáng nay (21/5).
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức khai mạc rạng sáng nay (21/5) tại Chicago, Mỹ với sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã công bố "bước đầu tiên" của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Rasmussen trả lời các phóng viên rằng: "Chúng tôi gọi đây là khả năng tạm thời....Đó là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu lâu dài của chúng tôi là tạo ra sự bảo vệ đầy đủ cho người dân các nước NATO, cho lãnh thổ và các lực lượng".

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cùng với lãnh đạo các quốc gia khi họ đến Chicago tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO 2012.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cùng với lãnh đạo các quốc gia khi họ đến Chicago tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO 2012.
Tuyên bố của Rasmussen tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago vào ngày Chủ nhật đã đề cập đến "khả năng hoạt động tạm thời" là bước đầu tiên để thực hiện đề án vốn đang gây tranh cãi nhằm bảo vệ toàn bộ châu Âu chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo. 
Tổng thư ký NATO cũng cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục đối thoại với Nga về việc thành lập một hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.
Trước đó, Nga lên tiếng lo ngại mạnh mẽ về vấn đề này. Moscow đã nhiều lần nêu rõ quan tâm của mình, yêu cầu lá chắn không nhắm mục tiêu vào khả năng hạt nhân của nước này.
Rasmussen nhấn mạnh rằng NATO phải có khả năng tự bảo vệ mình chống lại các mối đe dọa tên lửa và bước đi này "không thể bị ngăn chặn bởi Nga", đó là một quyết định của NATO. NATO tiếp tục nhấn mạnh rằng lá chắn không nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO đã tìm cách xoa dịu sự tức giận của Nga bằng tiếp tục đưa ra lời mời làm việc với liên minh này.

"Chúng tôi đã mời Nga hợp tác về phòng thủ tên lửa và lời mời này vẫn còn được giữ nguyên" - Rasmussen phát biểu tại một cuộc họp báo - "Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Nga và hy vọng Nga sẽ nhận ra rằng đó là lợi ích chung của chúng tôi khi hợp tác về phòng thủ tên lửa".
Trước đó, Moscow đã cảnh báo sẵn sàng sử dụng "lực lượng hủy diệt ngăn chặn trước" nếu Mỹ đi trước với hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Âu.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

"Không vội vàng rút khỏi Afghanistan"
Vấn đề Afghanistan chi phối chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh với việc các nhà lãnh đạo đang tranh cãi về kế hoạch rút quân. 
Hầu hết họ tiếp tục ủng hộ thời hạn rút quân là năm 2014, mặc dù tân Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết sẽ rút quân vào cuối năm nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thống nhất trong nhiệm vụ rút quân: "Cũng như việc chúng tôi đã cùng hy sinh cho nền an ninh chung, chúng tôi sẽ cùng nhau thống nhất để hoàn thành sứ mệnh này" - Reuters dẫn lời ông trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhắc lại thông điệp này khi trả lời các phóng viên: "Chúng tôi đã cùng đến Afghanistan thì sẽ cùng rời khỏi Afghanistan."
Một vấn đề gây tranh cãi là việc tài trợ cho cảnh sát Afghanistan và các lực lượng an ninh. Mỹ hy vọng các đồng minh sẽ góp chung khoản tiền với 1,3 tỷ USD.
Cũng được mời đến hội nghị thượng đỉnh là Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardar. Mỹ hy vọng có thể mở lại các tuyến đường cung cấp cho quân đội NATO ở Afghanistan vốn đã bị đóng cửa sau khi một máy bay Mỹ đã giết chết 24 binh sĩ Pakistan hồi cuối tháng 11.
Không có ý định can thiệp ở Syria
Tổng thư ký NATO Rasmussen đã bày tỏ lo ngại về bạo lực tại nước này và kêu gọi chính phủ Syria thực hiện theo thỏa thuận ngừng bắn của Liên Hợp Quốc và kế hoạch hòa bình.

Ông chỉ ra rằng NATO không có ý định về một hành động quân sự chống lại Syria.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi của các lực lượng an ninh Syria và các vụ đàn áp. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo Syria đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân Syria" - ông nói trong một cuộc họp báo - "Nhưng một lần nữa NATO không có ý định can thiệp vào Syria."
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Monti đã buộc phải rời khỏi hội nghị thượng đỉnh sớm khi một trận động đất mạnh xảy ra ở phía bắc Italia và vụ đánh bom gây nhiều tử vong ở miền Nam.
Ngọc Huyền (Nguồn RIA Novosti, RT)