Câu chuyện về hai ông bà đặt tên cho hơn 50000 hài nhi xấu số

01/06/2012 06:49
Hoàng Lực
(GDVN) -Không may mắn được sống trên đời, những hài nhi bé này bị kẻ sinh thành ruồng bỏ. Nhưng tình thương lòng nhân ái của người làng Đồi Cốc đã cho các em một nấm mồ, một cái tên khi về bên kia thế giới.

Câu chuyện về nghĩa trang Đồi Cốc (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) nơi yên nghỉ của hơn 5 vạn hài nhi bị bỏ rơi được báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên cả nước. Nhiều độc giả đã gửi những dòng chia sẻ đầy xúc động khi đọc câu chuyện nghĩa cử đẹp của làng Đồi Cốc.
Từ công việc từ khâm niệm, đào huyệt lo nghi lễ cho đến nhỏ nhất là đặt một cái tên cho những hài nhi cũng được người dân làng Đồi Cốc coi là việc hệ trọng. Hai lão nông đầu đã điểm bạc luôn có mặt trong các công việc khâm niệm, mai táng, đặt tên cho những hài nhi xấu số là ông Nguyễn Văn Thạo (trưởng xóm Đồi Cốc) và bà Nguyễn Thị Nhiệm có nhà ngay gần nghĩa trang làng Đồi Cốc.

Các em may mắn có một cái tên, một nấm mồ như mái nhà khi về bên kia thế giới
Các em may mắn có một cái tên, một nấm mồ như mái nhà khi về bên kia thế giới

Theo lẽ thường con người sinh ra ai cũng được đấng sinh thành đặt cho một cái tên để gọi. Dù xấu hay đẹp nhưng cái tên đó cũng theo ta đến khi sống hết cuộc đời dương thế. Khi chết đi cái tên đó vẫn gắn với mỗi người, quan niệm trần sao âm vậy. Cái tên lúc sống cũng theo con người về thế giới bên kia.

Câu chuyện buồn về những hài nhi bị bỏ rơi khi chưa kịp chào đời. Các em phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành. Những hài nhi này khi bị bỏ rơi đã không còn sự sống. Các em bị vứt bỏ nơi lề đường, trong các bệnh viện hay tại các cơ sở nạo hút thai. Nếu không may mắn được đưa về an táng ở đâu, các em sẽ là những cô hồn sống chưa kịp có một ngôi nhà, chết đi rồi cũng không có một nấm mồ.

Khi được đưa về khu vực nghĩa trang Đồi Cốc, nhiều hài nhi đã không còn trọn vẹn. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nhiệm có những hài nhi chưa thành hình người, có khi chỉ là những cục thịt, cục máu đặc to bằng nắm đấm. Cũng theo bà Nhiệm thì hầu hết hài nhi bị phá bỏ nên khi được đưa về không còn nguyên vẹn hình hài.

Bà Nhiệm kể: “Có cháu bị cắt ra, làm nát để đưa ra ngoài cho dễ dàng, nên khi đưa đến đây chúng tôi cuốn vải khâm niệm cho các cháu rồi đặt trong các tiểu sành sau đó đậy nắp bít xi măng. Mỗi cháu như thế chúng tôi đặt tên theo một tên vị thánh (người dân làng Đồi Cốc đa phần theo đạo công giáo – phóng viên)”.

Xót xa nấm mồ hài nhi chết rồi mới được đặt tên
Xót xa nấm mồ hài nhi chết rồi mới được đặt tên

Khẽ lau hàng nước mắt bà Nhiệm mở chiếc nắp hòm công đức được đặt ngay ngắn trên khu vực bàn thờ trong nghĩa trang. Phía bên trong hòm công đức là những đồng tiền lẻ: 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng... Mỗi số tiền nhỏ ấy góp vào việc hương khói cho các em.

Cũng trong chiếc hòm công đức những bộ quần áo sơ sinh còn mới cóng, những tấm vải trắng dùng để khâm niệm được gấp ngay ngắn. Chia sẻ với chúng tôi bà Nhiệm kể hòm công đức đặt đây khóa những chìa khóa cũng để ngay trên mặt hòm.

 Dân làng Đồi Cốc ai cũng xót xa cho số phận những hài nhi bị bỏ rơi. Người góp của kẻ góp công, có người trong làng cho các cháu cả vài chục tiểu sành, rồi quần áo trẻ sơ sinh, những mét vài khâm niệm. Người không có cho các em thì đọc câu kinh, lời cầu mong cho linh hồn các em được siêu thoát

Theo lời ông Thạo không ít trường hợp các cháu hài nhi đã được 5-6 tháng. Do lầm lỡ hay vì lý do khác của kẻ sinh thành mà muốn đẩy các em ra sớm, nên xin tiêm thuốc đẻ non. Có trường hợp các cháu còn sống được vài ngày có trường hợp chết ngay. Lúc này không ít cặp bố mẹ đấng sinh thành của những hài nhi nay tỏ ra hối hận với việc làm của mình đến xin an táng tại đây.

Số quần áo trẻ sơ sinh, vải trắng dùng để khâm niệm và tiền công đức của người dân làng Đồi Cốc tuy ít nhưng là tấm lòng chan chứa tình thương.
Số quần áo trẻ sơ sinh, vải trắng dùng để khâm niệm và tiền công đức của người dân làng Đồi Cốc tuy ít nhưng là tấm lòng chan chứa tình thương.


Chuyện ông Thạo nhớ nhất là có đôi trai gái trẻ làm công nhân tại khu công nghiệp khi bỏ đứa con rồi. Đôi trai gái vừa chạy theo ông Thạo vừa khóc khi đưa về mai táng nơi đây, đôi trai gái xin ông Thạo đặt tên cho con mình, gửi tiền ông làm một tấm bia để tiện về hương khói. “Nhìn chúng nó nước mắt khóc tôi biết chúng đau lòng thật nhưng nếu biết trước thế giá chúng đừng có làm chuyện ấy thì đâu ra nông nỗi này” – ông Thạo trầm ngâm.

Những cái tên được ông Thạo hay bà Nhiệm đặt cho những hài nhi xấu số chan chứa lòng thương cảm cũng như nhắn nhủ một điều. Như việc đặt tên cho bé Tiểu Duyên (sinh 11/7 mất 29/7/2011) do việc bị ép đẻ non nên chỉ chưa đầy 20 ngày trên cõi đời cô bé Duyên qua đời.

Người mẹ bất đắc sĩ của bé Tiều Duyên đã xin được an táng trong nghĩa trang Đồi Cốc. Cái tên Duyên cũng là do bà Nhiệm đặt cho bé, theo như lời bà Nhiệm: “Cái tên đó như nhắn nhủ đời không cho bé cái duyên được sống trên cuộc đời, nhưng bé vẫn có duyên có một nấm mồ bên những hài nhi xấu số khác”. 

Bé Tiều Duyên, tên em cũng là cái cơ duyên cho em được gặp những con người tốt bụng ở làng Đồi Cốc, cho em có một cái tên, cho em được gần bên những hài nhi xấu số khác
Bé Tiều Duyên, tên em cũng là cái cơ duyên cho em được gặp những con người tốt bụng ở làng Đồi Cốc, cho em có một cái tên, cho em được gần bên những hài nhi xấu số khác



Những cái tên do ông thạo hay bà Nhiệm đặt cho những hài nhi cứ hằn sâu vào ký ức của hai con người đã sống nửa thế kỷ. Có những đêm ông Thạo không sao ngủ được, những cái tên, những hình ảnh của các hài nhi ám ảnh ông. “Có đêm tôi cảm tưởng như có tiếng trẻ con gọi văng vẳng trong tai, nhiều đêm tôi khóc khi nghĩ đến chúng” - ông Thạo kể.

Dân làng Đồi Cốc luôn coi mỗi hài nhi xấu số là một thành viên trong làng. Do đặc điểm người dân trong làng đa phần theo đạo công giáo nên mỗi hài nhi được đưa về đều được người trong làng cử hành những nghi lễ theo đạo công giáo.  Những ngày lễ, người dân trong làng đều ra tận nơi yên nghỉ đọc những câu kinh, lời cầu mong cho linh hồn các em mau siêu thoát.

Mong ước của làng Đồi Cốc là giúp những đứa trẻ được an nghỉ bình an, giúp cho chúng có một cái tên để gọi nhau khi về thế giới bên kia.
Hoàng Lực