Khắc phục tâm lý căng thẳng trước khi thi

03/07/2012 16:09
Anh Ngọc, Báo mạng điện tử K30
(GDVN)- Mỗi thí sinh bước vào trận chiến thi Đại học không tránh khỏi lo lắng. Điều quan trọng là phải thoát khỏi tâm lý căng thẳng để hoàn thành tốt bài thi.
Mỗi thí sinh đều tự hiểu rằng đó là bước ngoặt cuộc đời của chính mình. Vì thế nảy sinh tâm lý không ổn định trước khi thi là điều dễ hiểu. Nhất là trong quá trình thi, cường độ hoạt động trí não và áp lực tâm lý đều cao hơn bình thường. Điều này sẽ khiến cho các sĩ tử rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi dẫn đến chán nản, độ tự tin giảm sút và điều tất nhiên là không thể phát huy được hết các kiến thức vốn có trong bài thi.

Vậy, phải làm sao để có thể lấy lại tự tin, khắc phục tâm lý căng thẳng trong phòng thi?

Chuẩn bị tốt kiến thức

Một thí sinh có nền tảng kiến thức đầy đủ luôn cảm thấy vững tâm hơn những thí sinh khác. Đơn giản là các bạn đã có sự chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết cho cuộc thi quan trọng. Đó là yếu tố đầu tiên có tính quyết định tới bài thi của bạn. Chỉ có sự chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ về kiến thức thì bạn mới không bị bỡ ngỡ trước các đề thi. Nếu bạn không có gì trong đầu thì dù vào phòng thi có tự tin bao nhiêu cũng không thể làm được bài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhiều thí sinh vì quá tập trung vào ôn thi mà dẫn đến tình trạng stress trước kỳ thi. Kiến thức là quan trọng nhưng hì hục ôn thi ngày đêm sẽ khiến cho chúng ta loạn kiến thức. Cần phải hệ thống một cách khoa học những phần thi để ôn có hiệu quả. Phần lớn nội dung các thí sinh đã được thầy cô cung cấp trong quá trình học, ôn thi chỉ là bổ sung và củng cố các kiến thức đã có mà thôi. Vì vậy, các bạn nên tập trung học trong thời gian ở lớp, đừng để đến khi “nước đến chân mới nhảy”.
Khởi động trước khi nhận đề thi

Đến trước thời gian thi khoảng 15 phút đến 20 phút để ổn định tâm lý. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong giai đoạn thi. Hẳn bạn nào đã trải qua kỳ thi cam go này đều nhận thấy rằng, thời gian làm thủ tục và chờ đề thi là thời gian dài nhất, mặc dù chưa đến 30 phút. 

Bạn Thái Văn Trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lý giải: “Tâm lý căng thẳng khi bước vào thi khiến cho bạn nào cũng cố giữ mình, hơn nữa mỗi người ở những nơi khác nhau đều có mục đích thi đậu vào Đại học nên sự cạnh tranh ngầm là điều không thể tránh khỏi”.

Giải quyết tâm lý giai đoạn này là bước khởi đầu để bạn có thể an tâm làm bài thi. Đừng thụ động khép mình trước mọi người, điều này sẽ khiến cho tâm lý không thoải mái, hãy thử bắt chuyện với bạn ngồi cùng bàn, một vài câu hỏi xã giao sẽ khiến cho mọi người có xích lại gần nhau hơn. Và nếu may mắn bạn sẽ có sự giúp đỡ trong khi làm bài với những người bạn thi dễ mến.

Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy thật sự khó chịu tức là bạn đang trong tình trạng căng thẳng quá mức. Nhân lúc chưa phát đề hãy xin giám thị ra khỏi phòng thi vài phút, hít bầu không khí trong lành, đi vài bước sẽ khiến cho bạn đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.
Những việc cần làm ngay khi nhận đề thi

Điều đầu tiên phải làm đó là điền các thông tin yêu cầu như SBD, họ và tên, đề thi... Đừng để cuối giờ mới điền vì như vậy bạn sẽ dễ quên khi quá tập trung vào làm bài. Chỉ cần thiếu những thông tin này thì dù bài thi có làm tốt bao nhiêu cũng trở thành công cốc. Các bạn phải chú ý điền đúng theo sự hướng dẫn của giám thị, nhất là phần “thí sinh không được viết vào khu vực này” vì như thế các bạn sẽ mất những điểm rất oan uổng.

Thứ hai, kiểm tra lại những thông tin cá nhân lại một lần nữa, kiểm tra qua đề thi, giấy thi có bị lỗi như rách, mờ chữ trong đề thi... hay không. Nếu có, phải ngay lập tức báo cho giám thị và xin đổi lại tờ khác, tránh mọi sự cố không hay xảy ra.

Thứ ba, đọc đề kỹ và phân bổ thời gian trước khi làm bài. Các bạn nên mang theo một chiếc đồng hồ để có thể theo dõi được tốc độ làm bài của mình và để chia khoảng thời gian phù hợp. Nên gạch những ý chính ra giấy nháp để tránh trùng ý hay sót ý, chỉ khoảng 5 gạch đầu dòng chúng ta đã có dàn ý cơ bản cho bài thi.

Cuối cùng, hít sâu thở đều, ngồi tập trung tinh thần trong vòng 3 phút để huy động trí não, kích thích toàn bộ kiến thức và kinh nghiệm đã có vào bài thi.
Tập trung vào làm bài thi

Đã bắt đầu làm bài thì các bạn đừng chú ý đến xung quanh, điều này sẽ làm các bạn mất bình tĩnh khi thấy mọi người làm hơn mình. Một thoáng suy nghĩ bạn kia làm nhiều hơn là sẽ khiến cho bạn phân tâm. Chưa chắc làm nhiều hơn hoặc nhanh hơn thì điểm sẽ cao hơn, vào lúc này hãy tin tưởng bản thân và công sức 12 năm đèn sách của mình. 

Nếu cảm thấy hơi run hoặc không thể nghĩ ra để làm tiếp thì hãy buông bút vươn vai và làm một số động tác để giải tỏa. Điều tất nhiên là hãy chọn câu dễ làm trước để tạo nên sự hưng phấn khi làm bài thi.
Anh Ngọc, Báo mạng điện tử K30