Thói gia trưởng trong giáo dục

01/06/2012 06:24
Hồ Tấn Nguyên Minh
(GDVN) - “Làm cha làm mẹ nói ngang, làm quan nói hiếp”, tôi muốn mượn câu nói này của người xưa, sửa đi một vài chữ thành “làm thầy nói ngang, làm quan nói hiếp” để nói về một lối suy nghĩ ấu trĩ, lạc hậu trong giáo dục mà lạ thay cho đến tận bây giờ, khi nhân loại đã ở vào nền văn minh của thế kỉ 21, vẫn còn rất nhiều người khăng khăng giữ lấy: Thói gia trưởng trong giáo dục.
Có một thói quen dường như đã trở thành cố hữu trong tư duy người Việt, trước một cuộc tranh luận hay cãi vã nào đó, người ta thường ít khi mổ xẻ vấn đề để tìm hiểu nguyên nhân và bản chất sự việc, trái lại họ thường nhìn nhận và đánh giá một cách phiến diện theo kiểu xe lớn đụng xe nhỏ thì đương nhiên xe lớn có lỗi, trò cãi thầy (mà thực chất là phản biện) thì đương nhiên trò có lỗi.

Kiểu suy nghĩ này khiến con người trong xử thế thường có thói quen áp đặt theo kiểu gia trưởng, trở nên bảo thủ và cứ khăng khăng cho là mình đúng trong mọi tình huống, bắt buộc người khác phải làm theo ý mình. Có những việc cấp trên sai rành rành, vậy mà cứ lấy uy lãnh đạo ra bắt cấp dưới phải nhận. Cũng như vậy, có những việc rõ ràng thầy sai nhưng cứ khăng khăng cho là mình đúng, đã vậy lại còn lấy thế của thầy giáo ra mà quy cho học trò lỗi này, lỗi nọ.

Tăng cường đối thoại giữa thầy và trò đang rất cần cho môi trường giáo dục (Ảnh minh họa)
Tăng cường đối thoại giữa thầy và trò đang rất cần cho môi trường giáo dục (Ảnh minh họa)


Tôi từng chứng kiến một chuyện, cũng là một tình huống sư phạm đáng nhớ. Rất nhiều học sinh trong một tập thể lớp bức xúc cãi một thầy giáo vì anh này cứ quy cho một em là gian lận trong kiểm tra trong khi trên thực tế em không hề gian lận. Trước sự việc này, rất nhiều ý kiến cho rằng, học trò mà cãi thầy thì hư hỏng quá, phải phạt cho thật nặng. Tôi lại có một cách suy nghĩ khác. Đành rằng là học sinh mà cãi thầy giáo là không nên, không hợp đạo lý. Thế nhưng cũng nhất thiết phải truy nguyên vấn đề tìm hiểu xem ai đúng, ai sai, để lí giải xem tại sao các em lại bức xúc đến mức như thế. Ít ra trước khi trách phạt học sinh, chúng ta cũng phải đưa ra được những lý lẽ đủ sức thuyết phục để các em thấy lỗi của mình ở đâu mà khỏi phải cảm thấy ấm ức. Đằng này, học trò sai thì bị phạt còn thầy giáo sai thì tuyệt nhiên không ai động đến. Nếu cứ giữ mãi một lối hành xử như thế thì liệu có mỉa mai không khi chúng ta đứng trước học sinh mà thuyết giảng về chân lí này, chân lí nọ. Bởi lẽ chân lí chỉ được xác định từ chỗ đúng hay sai chứ làm gì có phân biệt anh là người lớn hay người nhỏ, là thầy hay trò. Các vị vua ngày xưa trước khi xử phạt một người nào đó cũng phải luận tội cho đến khi người ấy tâm phục khẩu phục mới xử, huống hồ là chúng ta ngày nay. Cứ lấy óc gia trưởng ra mà xét đoán sự việc thì làm sao khiến người khác nể phục được.

Có một phương châm xử thế mà suốt đời tôi theo đuổi: hòa nhã với kẻ dưới, nghiêm khắc với cấp trên và nghiêm khắc với chính bản thân mình. Ấy vậy mà từng ngày, từng giờ, tôi lại gặp không ít những con người (trong đó đa số là những người làm giáo dục) có thể dễ dàng tha thứ cho chính mình trong khi lại tỏ ra rất khó khăn khi bao dung cho người khác.

Tôi nhớ có lần trong một cuộc họp hội đồng sư phạm để xét hạnh kiểm cho học sinh, rất nhiều những bậc làm thầy, làm cô cương quyết yêu cầu phạt thật nặng một học sinh vì tội mang tài liệu vào phòng thi dù chưa sử dụng. Tôi phát biểu có ý bào chữa cho em rằng, lỗi của em thì rõ rồi nhưng cần vị tha, bao dung, tạo điều kiện cho em sửa chữa sai lầm thì nhiều người tỏ vẻ khó chịu, thậm chí còn cho tôi là dung túng cho gian lận.

Vậy mà trong số những con người ấy, không ít người ngang nhiên giở tài liệu, quay cóp trong các cuộc thi dành cho giáo viên. Tôi hỏi một đồng nghiệp, tại sao chúng ta có thể tha thứ cho mình mà lại không thể tha thứ cho học sinh? Anh ta trả lời rằng, thầy là thầy, trò là trò, phải khác nhau chứ làm sao mà so sánh như vậy được. Tôi càng nghĩ càng thấy xót xa, đã giở tài liệu trong khi thi là gian lận, đã gian lận thì xấu, chứ làm gì có chuyện gian lận của thầy thì bình thường mà gian lận của trò là xấu.

Quá dễ dãi với mình mà lại quá nghiêm khắc với học trò há chẳng phải là ích kỉ lắm sao? Kiểu làm việc áp đặt sẽ không bao giờ tạo nên được sự đồng thuận, theo đó cũng sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả cao trong công việc, nhất là trong giáo dục.


Hồ Tấn Nguyên Minh