“Tôi không tin Mì Gấu đỏ tăng giá bán để trích 10 đồng làm từ thiện”

04/06/2012 06:23
Hà Nhi - Thành Chung
(GDVN) - Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh XH cho biết: “Tôi không tin, khi thực hiện chương trình Gấu đỏ - gắn kết yêu thương, công ty thực phẩm Á Châu sẽ tăng giá bán của gói mì, tôi tin là giá không đổi và 10 đồng đó trích ra từ lợi nhuận công ty, do công ty đóng góp”.
Đóng giả trẻ em ung thư, lòng trắc ẩn... vẫn còn là vấn đề tranh cãi. “Tượng đài” của quảng cáo mì Gấu đỏ, nguyên Giám đốc Marketing của PepsiCo, ông Trần Bảo Minh đã từng đưa ra quan điểm của mình trong kinh doanh: Dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn thì làm marketing, điều quan trọng nhất là phải chứng minh được có sự biến chuyển về lợi nhuận. Với tôn chỉ kinh doanh như vậy, sau khi rời TH Milk đầu quân cho công ty thực phẩm Á Châu, với quảng cáo gây ấn tượng không nhỏ và khá 'mạnh' của mì Gấu đỏ, đánh mạnh vào cảm xúc của người xem, phải chăng mục đích trên hết cũng là “sự biến chuyển về lợi nhuận”?
Với những ai không ủng hộ chương trình Gấu đỏ - gắn kết yêu thương, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: vô tình hay gián tiếp, có thể thôi, cướp đi sinh mạng của đứa trẻ. (Ảnh: VAPCR)
Với những ai không ủng hộ chương trình Gấu đỏ - gắn kết yêu thương, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: vô tình hay gián tiếp, có thể thôi, cướp đi sinh mạng của đứa trẻ. (Ảnh: VAPCR)
Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao con số từ thiện chỉ dừng lại ở 10 đồng mà không phải là những con số khác cao hơn, phải chăng mì Gấu đỏ đang kinh doanh trên lòng trắc ẩn của nhiều người? Trong một blog đăng trên một tờ báo lớn của Việt Nam cũng đặt ra một câu hỏi: Tình yêu thương và lòng trắc ẩn không thể là mảnh đất màu mỡ để mua bán với giá rẻ mạt, thậm chí là ăn chặn, phải không các bạn?
Không ít các chuyên gia về xã hội học đã cho rằng: “clip này là câu chuyện như trong phim, đơn vị Truyền thông sáng tác một câu chuyện tác động đến lòng trắc ẩn của xã hội để thúc đẩy bán hàng, nhấm nháp trên nỗi đau của các em bé bị bệnh hiểm nghèo”. Do đó, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện KH&XH Việt Nam) thì cần xem xét lại những người đã đồng ý cho Gấu đỏ phát sóng clip quảng cáo này. Cho dù clip này không sai luật, việc chọn diễn viên quảng cáo, hình ảnh…không phải là vấn đề chính. Một câu chuyện khác đáng bàn trong clip dài 44 giây của mỳ Gấu đỏ đang "nóng" trên truyền hình và các diễn đàn mạng là thông điệp truyền thông. Sự mập mờ trong thông điệp truyền thông khiến nhiều người dân nghĩ rằng phải mua mỳ Gấu đỏ mới là làm từ thiện. Sự mập mờ từ thông điệp truyền thông với PGS.TS Trịnh Hòa Bình là không thể chấp nhận được.

Người tiêu dùng có đang nhầm lẫn?
Trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn đang bàn luận xôn xao xung quanh clip mì Gấu đỏ thì không ít các cơ quan chức năng đã lên tiếng bênh vực chương trình này. Trong buổi tổng kết chương trình mì Gấu đỏ - Gắn kết yêu thương diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, ngoài việc đưa ra các con số nhằm minh bạch hóa thông tin về việc làm từ thiện của mì Gấu đỏ cứu giúp trẻ em nghèo, không có tiền chữa trị bệnh thì các cơ quan chức năng cũng “trách nhẹ” báo chí, đồng thời lên tiếng bênh vực đơn vị này (mì Gấu đỏ-PV). Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh XH, đồng thời là Ủy viên thường trực của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tâm sự: “Đôi khi tôi cũng thấy buồn...”. Giải thích điều này, ông nói: “Tôi không chê trách gì báo chí, không có ý kiến gì, đánh giá tích cực hay không tích cực với chương trình. Quả thực với tư cách là một người tham gia hội đồng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, đôi khi cũng thấy buồn. Buồn vì các chương trình từ thiện khi triển khai đều với mục đích tốt, với tấm lòng nhân ái. Tôi không tin, khi thực hiện chương trình Gấu đỏ - gắn kết yêu thương, công ty thực phẩm Á Châu sẽ tăng giá bán của gói mì, tôi tin là giá không đổi và 10 đồng đó trích ra từ lợi nhuận công ty, do công ty đóng góp”. Với những ai đã và đang phản đối quảng cáo của mì Gấu đỏ, ông Diệp cho rằng: “Tôi không dám nói trách nhiệm của những người cầm bút mà nói tới trách nhiệm của những người cha, người mẹ những người chăm lo cho sự thay đổi của trẻ, vô tình hay gián tiếp, có thể thôi, cướp đi sinh mạng của đứa trẻ”.
Nếu biết nhân vật Tuấn chỉ là trò diễn xuất trên phim ảnh, liệu khán giả xem truyền hình có xúc động tới rơi nước mắt nhiều như vậy không?
Nếu biết nhân vật Tuấn chỉ là trò diễn xuất trên phim ảnh, liệu khán giả xem truyền hình có xúc động tới rơi nước mắt nhiều như vậy không?
Ông Vũ Quý Hợp – Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đưa ra quan điểm riêng của mình nhằm nhắn nhủ tới báo chí: “Gấu đỏ cũng như các chương trình đều đang làm nhằm mục đích đưa tới một điều gì đó tốt cho trẻ em, cho những người bệnh đang cần sự trợ giúp. Tôi không biết là lớn tới đâu, bé tới đâu nhưng nếu như chúng ta đưa ra những thông tin, tôi chưa muốn nói cố ý hay không cố ý, nếu đưa ra làm sai lệch vấn đề, đó là điều hết sức tránh...”.
Ông nhấn mạnh: “Rõ ràng là lẽ ra chúng ta phải cùng đi theo cùng một hướng nhưng chúng ta lại triệt tiêu – Điều đó rất bất lợi. Về mặt xã hội, tôi hiểu là hết sức tránh...”. Ngay cả việc lấy “diễn viên” đóng vai nhân vật Tuấn trong một clip kêu gọi từ thiện khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn, khi độc giả cũng như nhiều chuyên gia lên tiếng bất bình về việc làm giả tạo này thì các cơ quan chức năng cũng tỏ ra đồng tình. Một cán bộ của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều quảng cáo các diễn viên đóng vai người thật. Ví dụ như anh Phạm Bằng khụ khụ lê lết để người khác mang thuốc tới nhưng chắc chắn anh Phạm Bằng không phải bị bệnh như vậy. Trên tivi, rất nhiều người đàn ông đóng mình bị loạn dương chắc chắn ngoài đời anh ta không phải bị loạn dương. Việc quảng cáo thuốc dùng diễn viên cũng như các quảng cáo khác dùng diễn viên đều được pháp luật cho phép”. Tuy nhiên, nếu so sánh như vị cán bộ này chẳng phải đã đánh đồng clip quảng cáo mì Gấu đỏ với hàng loạt các quảng cáo thương mại khác, như vậy, mặc nhiên không phủ nhận tính thương mại của chương trình này. Và nếu biết clip trên chỉ là “diễn” thì người tiêu dùng có mất nhiều nước mắt và sự cảm động cũng như tình thương đến như vậy không?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến của vụ việc này....
Mọi ý kiến xin mời gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vnhoặc quí độc giả cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY

Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.

Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Hà Nhi - Thành Chung