Mẹ đã sai khi nói xấu bố với con!

20/04/2011 13:16
Biết anh rất yêu con, chị quyết tâm chia rẽ bằng cách chỉ đồng ý cho anh một tháng gặp con một lần. Với chị, anh vừa là người chồng vô tình vô nghĩa, vừa là người cha vô lương tâm.

Anh không xứng đáng với con chị. Vậy là chị làm đủ mọi cách để gieo rắc những ý nghĩ vô cùng xấu xa về bố trong đầu đứa con gái non nớt mới 5 tuổi của hai người.

Gia đình chị Hằng sẽ mãi vui vẻ hạnh phúc như biết bao gia đình khác nếu như không có một ngày chồng chị thông báo rằng anh trót lỡ có con riêng với một người phụ nữ khác, và giờ đây cô ta đang bắt chồng chị phải chịu trách nhiệm với hai mẹ con và phải li hôn để mẹ con cô ta được danh chính ngôn thuận làm vợ anh.

Đau đớn tột cùng, chị Hằng đã mất cả tháng trời không ăn uống, chỉ u sầu. Nhìn đứa con gái 5 tuổi xinh xắn, giống bố như tạc lòng chị càng đau thắt. Cứ nhìn những lúc hai bố con vui đùa với nhau là chị lại hình dung ra cảnh anh cũng vui đùa với thằng con riêng như vậy là chị không cầm lòng được. Từ chỗ đau buồn chị chuyển sang hận thù, chị hận cho chị một nhưng hận cho con chị mười.

Chị hận chồng đã có gia đình đầy đủ, vợ đẹp con ngoan, hạnh phúc đến vậy rồi mà vẫn còn “ham hố” bên ngoài, để rồi tình cảm vợ chồng phải chia sẻ đã đành, đây đến tình cảm bố con cũng không được trọn vẹn. Vậy là, ngọn lửa hờn ghen pha lẫn căm giận trong chị càng ngùn ngụt, chị nhất quyết không nghe anh giải thích, không cùng anh giải quyết vấn đề mà một hai đòi ly hôn bằng được và đòi quyền nuôi con.
 

 

Biết anh rất yêu con, chị quyết tâm chia rẽ bằng cách chỉ đồng ý cho anh một tháng gặp con một lần. Với chị, anh vừa là người chồng vô tình vô nghĩa lại vừa là người cha vô lương tâm. Anh không xứng đáng với con chị. Chị làm đủ mọi cách để gieo rắc những ý nghĩ vô cùng xấu xa về bố trong đầu đứa con gái non nớt mới 5 tuổi của hai người.

Chị nói với con rằng bố nó hư hỏng, là người vô trách nhiệm, không thương yêu 2 mẹ con nên bỏ 2 mẹ con để yêu thương 2 mẹ con nhà khác. Chị còn nói rằng, bố toàn nói dối, kể cả nói yêu con cũng là nói dối. Chị còn dạy con cách cãi lại bố, nói xấu bố, nói không yêu bố và ghét bố. Thế là từ một bé gái vui tươi, hay hát, con gái chị trở nên lầm lì hơn. Nó nghĩ rằng bố nó rất tệ, rất đáng ghét và mỗi khi bố đến là phải tránh xa. Con bé cũng ít cười hơn, khi hỏi có nhớ bố không thì nó vẫn nói là nhớ bố lắm, muốn bố mẹ ở cùng nhau cơ, nhưng khi hỏi có yêu bố không là y như rằng nó nói không yêu bố và kể ra một loạt những tật xấu của bố. Nó chẳng hiểu như thế nghĩa là thế nào nhưng mẹ nói vậy nên nó tin và luôn nghe lời mẹ. Dần dần chị Hằng đã tách được tình cảm của hai bố con. Chị biết dù chồng chị xót xa lắm nhưng cũng không làm sao lay chuyển được con bé, giờ nó coi bố nó như kẻ thù bởi những gì chị reo rắc vào cái đầu ngây thơ của con.

Trả thù được chồng, đáng lẽ phải vui vẻ. Nhưng nhìn con gái tha thẩn chơi một mình, hoặc ngẩn ngơ nhìn các bạn đang được bố mẹ dắt đi công viên hay được bố đón lúc tan học mà lòng chị thương con xiết bao.

Không biết chị đã hối hận chưa? Hối hận vì đã tước đi một bầu trời tuổi thơ của con có cả cha cả mẹ, hối hận vì chị đã không nghĩ đến con, để rồi giờ đây tình cảm của con gái chị bị khuyết mất một góc dành cho người cha.

Đáng lẽ chị Hằng cần hiểu ngay từ đầu là, chỉ riêng việc vợ chồng li hôn cũng đã có thể khiến thế giới của con bị đảo lộn, và rất có thể con sẽ rơi vào một “ốc đảo” của riêng mình. Để con không bị sốc và quen dần với sự chia tay của cha mẹ, cả cha và mẹ vẫn cần có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với con để con bạn không có cảm giác thiếu hụt tình cảm của gia đình.

Để nói với con về chuyện gia đình chia ly, không nên đổ lỗi cho nhau, thay vào đó hãy nói để con hiểu rằng dù đây là chuyện không ai muốn nhưng lại cần thiết, mọi người cần sống xa nhau là tốt nhất. Nhưng sự chia tay chỉ là với người lớn, còn cha mẹ vẫn là cha mẹ của con.

Con cái có thích nghi với môi trường mới của gia đình sau khi bố mẹ chia tay hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của cha mẹ. Hãy để con bên ngoài “cuộc chiến” này, đừng dùng mọi cách để lôi kéo con, nhất là nói xấu “đối phương” hoặc bắt con phải chọn lựa. Không dùng con như một “vũ khí” để làm tổn thương nhau.

Trong trường hợp chị Hằng, để sửa chữa những sai lầm, chị sẽ mất khá nhiều thời gian. Ngoài sự quan tâm của cha mẹ lúc này chị nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía người thân và nhà tư vấn để con chị hiểu ra vấn đề, rằng chia tay chỉ là việc của người lớn, con trẻ vẫn còn nguyên cả bố lẫn mẹ và vẫn còn nguyên tình cảm gia đình.

Theo PLXH

Hãy chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc của bạn với cha mẹ hoặc với con cái mình vào email: toasoan@giaoduc.net.vn. Chân thành cảm ơn bạn!