Tranh chấp lãnh hải: Trung Quốc làm căng, nhưng sẽ không dùng vũ lực?

31/05/2012 13:39
My Thái (Nguồn: Tân Hoa xã)
(GDVN) - Trang web Chính sách đối ngoại của Mỹ mới đây có bài bình luận, châu Á hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có.

Trang web Chính sách đối ngoại của Mỹ mới đây có bài bình luận, châu Á hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có. Cuộc chạy đua vũ trang này không chỉ làm tình hình khu vực thêm căng thẳng, mà còn đang khiến cho khoảng cách về kinh tế giữa các nước ngày càng gia tăng. Năm 2011, Ấn Độ tiếp tục trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nước này đã chi 20 tỷ USD để có được hợp đồng mua máy bay chiến đấu hiện đại Rafale của Pháp. Không những thế, Ấn Độ còn đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm xa thế hệ mới có khả năng mang đến 10 đầu đạn hạt nhân. Cùng với đó là những bản hợp đồng mua tàu ngầm và tàu mặt nước mới đây. Trong năm 2012, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ sẽ tăng lên 17%, đạt 42 tỷ USD. Còn với Trung Quốc, nước này cũng đang đẩy mạnh việc hiện đại hóa vũ khí trang bị như việc tăng cường sức mạnh của lực lượng Hải quân; phát triển máy bay tàng hình thế hệ tiếp theo; nâng cấp hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa với phạm vi bắn rộng hơn. Mỗi năm Bắc Kinh trung bình tăng 12% ngân sách cho quốc phòng. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 106,41 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Trung Quốc luôn thể hiện sức mạnh quân sự lớn tại khu vực tranh chấp
Trung Quốc luôn thể hiện sức mạnh quân sự lớn tại khu vực tranh chấp
Quan hệ căng thẳng với các nước khu vực trong vấn đề tranh chấp lãnh hải cũng là tác nhân đẩy Trung Quốc theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang mới. Trong thời gian tới, Nhật Bản có kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự lớn đến các khu vực đang xảy ra tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Philippines sẽ chi 1 tỷ USD để mua các máy bay chiến đấu và hệ thống radar hiện đại. Cùng với đó là gần đây nước này đã tổ chức nhiều cuộc tập chung với Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Hàn Quốc cũng vừa thử thành công tên lửa hành trình tầm xa và tăng cường hiện đại hóa cho lực lượng Hải quân. Cùng với đó là Washington đang khôi phục lại quan hệ quân sự với Indonesia, bởi nước này kiểm soát hầu hết các tuyến đường biển huyết mạch tại khu vực Đông Nam Á. Australia cũng đang điều chỉnh lại phương hướng phòng thủ của họ để đối phó với việc Trung Quốc đang muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Tại khu vực Biển Đông, lập trường cứng rắn của Trung Quốc không những đang gây ra quan hệ căng thẳng với Philippines trong vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough, mà còn đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ với Việt Nam, Brunei và Malaysia. Các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể dễ dàng tỏ thái độ cứng rắn với các nước khu vực trong vấn đề tranh chấp lãnh hải do ưu thế vượt trội về quân sự của họ. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiện chứng tỏ rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt trước việc liệu nước nào sẽ giành quyền kiểm soát khu vực Biển Đông, khi mà có khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua vùng biển này.
My Thái (Nguồn: Tân Hoa xã)