Thưa Bộ trưởng Hoàng, hình phạt của ĐH CN TPHCM quả thật "tàn khốc"

07/06/2012 06:04
Độc giả Hồng Quyên
(GDVN) - Chỉ vì đóng học phí muộn mà nhà trường phạt sinh viên gấp đôi số tiền, bắt đăng ký học lại thì khác gì đưa sinh viên vào "đường cùng". Trong số đó sẽ có những sinh viên không thể tiếp tục theo học. Điều đó cho thấy nhà trường đã gián tiếp "đuổi học" các bạn và có thể đã bỏ lỡ đi việc giáo dục những tài năng cho đất nước.
Vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa thông tin về vụ việc sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh phản ánh bị nhà trường bắt đóng học phí hai lần trên một môn nộp học phí chậm và phải lùi môn học đó vào học kì sau. Ngay sau đó, tòa soạn cũng nhận được lá thư xúc động của độc giả Hồng Quyên gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng.
Thưa Bộ trưởng Bộ Công thương, cháu là sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội. Cháu đã là một trong những sinh viên nằm trong diện đóng học phí muộn, nhưng thật may mắn vì trường cháu không có quy định quá khó cho sinh viên như vậy. "Mỗi nhà mỗi cảnh", cháu tin rằng không phải chỉ riêng mình mà rất nhiều những sinh viên nằm trong hoàn cảnh này đều có những câu chuyện muốn kể Bộ trưởng nghe.

Cháu rất đau lòng khi nghe lời phát biểu của vị Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH CN TP.HCM: "Sinh viên không đóng học phí thì nguy cơ ra trường muộn là chuyện bình thường. Đó là do sinh viên không chịu chấp hành quy định của trường".

Hay lời phán xét của TS. Phạm Văn Bổng – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: “Bạn goi một bát phở, người ta làm xong xuôi rồi mà đứng lên không ăn nữa, như vậy là không được. Do đó đã đăng kí là phải đóng tiền dù học hay không".

Hai phát ngôn này từ hai ngôi trường cùng mang tên ĐH Công nghiệp, thuộc Bộ Công thương đã khiến cháu hiểu rằng, quả thật các bạn sinh viên còn phải chịu nhiều ấm ức lắm, và họ tiếp tục phải chịu đựng như vậy, bởi ngay những người làm quản lý công tác đào tạo đã nhăm nhăm muốn phạt rồi, thì họ làm sao còn cơ hội thoát khỏi những khó khăn ấy.

Cháu cũng là sinh viên và chỉ biết viết những dòng thư này gửi đến chú. Trước khi có những quy định, luật lệ hay hình phạt, xin Bộ trưởng hãy lắng nghe một ý kiến nhỏ nhoi của cháu, mặc dù cháu đã đọc trên mạng và biết chú không phải là người trực tiếp quản lý trường mà do cấp dưới làm.

Bảng thông báo phạt tiền học phí gấp đôi của ĐH CN TP.HCM
Bảng thông báo phạt tiền học phí gấp đôi của ĐH CN TP.HCM

Cháu sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo bốn mùa cày lên sỏi đá. Gia đình cháu nhiều đời làm ruộng, quanh năm lam lũ, đầu tắt mặt tối, thế nhưng đời sống không thể khấm khá lên được. Con trai, con gái trong làng lớn lên, ít học lại bám lấy mấy sào ruộng nên cứ đời đời, kiếp kiếp quê cháu vẫn rất nghèo. Ước mơ lớn nhất của bố mẹ cháu là đỗ Đại học để thoát khỏi lũy tre làng.

GS.Trần Văn Nhung và sự nhập nhèm của cái tên Newton với I-sắc-Niu-tơn

GS.Trần Văn Nhung và sự nhập nhèm của cái tên Newton với I-sắc-Niu-tơn

Hình phạt

Hình phạt "tàn khốc" ở ĐH CN TPHCM: Đã gọi phở là phải trả tiền?

Những năm học THCS, do không có tiền mua xe đạp nên cháu hàng ngày phải đi bộ 6km quãng đường từ nhà tới trường. Thấu hiểu vất vả của bố mẹ nên từ nhỏ cháu đã có tính tự lập, quyết tâm trở thành sinh viên cho ngày mai đỡ khổ. Cháu là người duy nhất trong họ, số hiếm con em trong làng thi đỗ hệ đại học. Được học tập dưới mái Trường ĐH Văn hóa Hà Nội là ước mơ của cháu bấy lâu nay trở thành hiện thực.

Niềm vui chưa kịp đến cháu đã nhận thấy sự lo lắng hằn sâu trên khuôn mặt bố mẹ bởi nhà nghèo, tiền đâu mà nuôi cháu ăn học? Vì vậy, cháu quyết tâm tự lập cho hành trình sinh viên của mình.

Cháu còn nhớ, ngày nhập học chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo cũ, một ít sách vở và số tiền nhỏ nhoi làm hành trang. Cuộc sống có quá nhiều thứ để lo nghĩ, làm sao để trang trải cho cuộc sống hằng ngày đã là một gánh nặng đối với cháu. Thật may mắn khi nhà trường đã tạo điều kiện cho cháu ở ký túc xá để giảm bớt chi phí.

Trong quá trình học, cháu luôn được bạn bè và thầy cô giúp đỡ. Cháu còn nhớ, vào mùa đông của năm học đầu tiên, cháu không có áo khoác ấm. Khi còn đang co ro trong một vài manh áo mỏng thì cô giáo chủ nhiệm đã mang tới cho cháu một bọc nhỏ. Cô nói: “Đây là áo khoác của cô thời sinh viên. Em hãy mặc để cô thấy lại những ngày tươi đẹp đó và coi như cô luôn bên cạnh động viên em”.

Điều này đã khiến cháu thật sự xúc động. Cháu nhớ mẹ ở quê, ngày còn nhỏ mỗi khi mùa đông về, mẹ thường lấy giấy báo đệm vào trong người cháu, mỗi khi ngủ cho đỡ lạnh. Chính trong những lúc khó khăn con người thêm yêu thương nhau hơn.

Cháu làm từ việc chạy bàn, bán hàng đến gia sư. Số tiền lương bèo bọt chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Mỗi dịp đóng học phí đối với cháu là cả một gánh nặng. Trong kỳ đầu tiên của năm học thứ hai, tới hạn đóng học phí nhưng cháu vẫn không thể nào xoay đâu ra tiền để nộp. Khi bạn bè đã chuẩn bị xong hết những thủ tục để bước vào thi hết kỳ cháu mới thực sự lo lắng, sợ một ngày mình bị đuổi học, hẳn mẹ sẽ buồn lắm, con đường học chưa đến ngày đơm hoa kết trái đã bị sụp đổ. Đến khi đủ tiền đóng học phí thì cháu đã bị chậm mất hai tuần, thế nhưng thật may mắn là nhà trường cũng rất thông cảm và tạo điều kiện cho sinh viên có đủ điều kiện để dự thi cuối kỳ. Điều này làm cho cháu thấy thật cảm ơn và vui mừng vì mình được học dưới mái Trường ĐH Văn hóa.

Vì vậy, khi đọc những bài báo từ hình phạt dành cho sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cháu thực sự thấy đây là hình phạt thật "tàn khốc", gây bất lợi cho sinh viên về nhiều mặt. Theo cháu, môi trường giáo dục nào cũng nên đặt sinh viên lên hàng đầu. Chỉ vì đóng học phí muộn mà nhà trường phạt sinh viên gấp đôi số tiền, bắt đăng ký học lại thì khác gì đưa sinh viên vào "đường cùng". Trong số đó sẽ có những sinh viên không thể tiếp tục theo học. Điều đó cho thấy nhà trường đã gián tiếp "đuổi học" các bạn và có thể đã bỏ lỡ đi việc giáo dục những tài năng cho đất nước.

Đối với cháu, tuy chưa gặp mặt nhưng cháu nghĩ Bộ trưởng Bộ Công thương hẳn sẽ gần gũi, thấu hiểu lòng sinh viên lắm. Nếu đặt địa vị của chú vào các bậc phụ huynh, hẳn chú sẽ rất đau lòng khi thấy con của mình phải từ bỏ giảng đường Đại học không phải vì nhụt chí, học kém mà vì... đóng học phí muộn.

Cháu không biết những dòng chữ này có đến tay chú được không, nhưng cháu toàn tâm hy vọng chú sẽ đọc được bức thư này
Thưa Bộ trưởng Hoàng, hình phạt của ĐH CN TPHCM quả thật "tàn khốc" ảnh 4

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

GS. Phạm Sỹ Tiến hiến kế gỡ rối cho 47 sinh viên tài năng đề án 322

Chùm ảnh: Đắng lòng, nhà trọ ổ chuột sinh viên (P4)

Chùm ảnh: Xót lòng xem cảnh nhà trọ sinh viên ngập trong nước

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan "cháy" cùng Style JC 2012

Đề án 322 dừng: Đến lượt các ứng viên thạc sỹ lên tiếng

Nữ sinh Hải Phòng khiến nhiều chàng trai "say như điếu đổ"

Độc giả Hồng Quyên