Người mẹ làng phong

01/06/2012 07:21
Ai đã từng đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An) sẽ thấy một phụ nữ sáng tối chăm sóc tận tình cho từng bệnh nhân phong, từ đút cháo, thay quần áo, tắm giặt, thay băng cho người bệnh...

Người phụ nữ đặc biệt đó là nữ tu sĩ Trần Thị Lài, được người dân làng phong thân thiện gọi là sơ Lài, nhưng có người thì nói sơ Lài thực sự là người mẹ hiền của làng.

Cái duyên trời định
Nữ tu Trần Thị Lài (SN 1980) trong một gia đình công giáo ở Nghệ An. Sau khi đã vào dòng tu sơ và học xong lớp trung cấp y tế, chị đã đi phục vụ, làm việc từ thiện nhiều nơi, từ các trạm xá, bệnh viện cho đến các trung tâm trẻ em mồ côi, khuyết tật... Công việc hằng ngày lúc đó của chị là chăm sóc, phát thuốc cho các bệnh nhân, đồng thời thăm hỏi những cảnh đời neo đơn không nơi nương tựa, nhất là những người già cả. Những công việc đó sơ đã làm được ngót 10 năm. Rồi bỗng một ngày chị quyết định xin về trại phong Quỳnh Lập để tiếp tục công việc của mình trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Chị kể: "Một lần tình cờ biết đến thông tin về số phận những con người đặc biệt đang sống ở trại phong Quỳnh Lập, trong đầu mình lúc đó liền nảy ra ý định là phải đến đây để chăm sóc họ vì nơi đây mới đang thực sự cần mình. Hình ảnh những con người không còn nguyên hình dạng do con vi khuẩn Hansen gây ra luôn ám ảnh mình".

Nghĩ là làm, chị âm thầm viết đơn lên xin bề trên cho mình đến mảnh đất phong Quỳnh Lập để sống, phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân nơi đây. "Khi quyết định tình nguyện phục vụ ở đây mình không dám nói với gia đình vì mình biết bố mẹ sẽ ngăn cấm, vì không ai muốn cho đứa con gái một thân một mình đến nơi như thế này. Nhưng sau khi được bề trên nhà Dòng chấp thuận mình đã thu dọn đến đây để ở và chăm sóc các bệnh nhân đang mắc căn bệnh mà nhiều người ngày nay vẫn thấy khiếp sợ khi nhắc đến", chị tâm sự.

Người mẹ làng phong, Tin tức trong ngày, lang phong, benh nhan phong, nguoi me, benh hui, trai phong quynh lap, y ta, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Sơ Lài cẩn thận đút từng thìa cháo cho các bệnh nhân già yếu

Năm 2010, chị mới chính thức đến đây để chăm sóc cho những người mắc bệnh phong cùi. "Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt mình khi đến đây đó là những con người tàn tật, hầu hết họ đã nhiều tuổi, nhưng mình thấy trong ánh mắt họ sự thân thiện và mến khách. Điều này đã làm cho quyết tâm về đây của mình càng vững chắc hơn", chị nhớ lại. Tuy thời gian về đây chưa lâu nhưng cũng đủ để những người bệnh hiểu về chị với một tấm lòng mến phục trước sự cống hiến sức lực và lòng nhiệt tình cho những con người nơi đây.
Căn phòng chị ở chỉ là dãy nhà bỏ hoang được những người quản lí của trại phong cho mượn lại. Dãy nhà được xây từ thời Pháp làm nơi để quan tài cho các bệnh nhân lúc xưa và hiện nay đang dùng làm nhà kho chứa đồ nhưng được sửa sang lại và đặt những vận dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Mọi chi tiêu, mọi sinh hoạt hằng ngày chị đều tự lo lấy. "Mình làm việc thiện mà, chủ yếu là giúp đỡ người khác, có một chỗ ở như thế này là tốt rồi chứ không cần đòi hỏi gì nữa cả", chị bộc bạch.
Hằng ngày sơ Lài đến từng phòng bệnh nhân, ân cần hỏi thăm, động viên, chăm sóc từng người, nhất là đối với những bệnh nhân già yếu không tự chăm sóc cho mình được. Hàng tháng, chị lại đều đặn đem tiền từ thiện của các tổ chức xã hội gửi tặng cho gần 250 bệnh nhân phong ở đây, mỗi bệnh nhân nhận được 180.000 đồng. Đây là số tiền ít ỏi nhưng rất quý giá đối với các bệnh nhân nơi đây khi họ không có một thu nhập nào cả từ cá nhân.
Từng học trung cấp y nên việc chăm sóc bệnh nhân của chị dễ dàng hơn. "Lúc đầu cũng thấy rợn rợn người khi chạm vào họ nhưng dần sau thành quen. Nhiều người thấy mình cầm tay, cầm chân trực tiếp các bệnh nhân lở loét, mất tay, mất chân thì thấy e ngại, lo lắng nhưng mình học qua rồi nên biết cách phòng trừ khỏi lây bệnh. Do vậy mình thấy không có gì đáng phải sợ như nhiều người từng nghĩ về người mắc bệnh phong cả", chị chia sẻ.

Người mẹ làng phong, Tin tức trong ngày, lang phong, benh nhan phong, nguoi me, benh hui, trai phong quynh lap, y ta, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Sơ Lài không ngần ngại trong việc tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân đang mang trên mình căn bệnh phong

Người mẹ thầm lặng
Để thuận tiện cho việc chăm sóc, chị tìm hiểu từng hoàn cảnh của các bệnh nhân, từ quê quán, sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình cho đến con cháu của họ, vì đó là nguồn động viên lớn nhất mà những người bệnh nơi đây có được. Chị còn tự tay mình cắt tóc, thay quần áo, thậm chí thay băng quấn vết thương cho các bệnh nhân và còn đút từng thìa cháo cho các bệnh nhân già cả. "Tui ở đây mấy chục năm rồi ngoài mấy cô y tá ra thì có ai dám đến gần đâu chứ? Chưa nói đến các chuyện khác, ấy vậy mà sơ Lài thỉnh thoảng lại đến đây để thay băng quấn chân, lắp chân giả vào cho tui mỗi khi tui di chuyển. Sơ Lài thật đúng là người mẹ của cả làng phong này", một bệnh nhân tên Thâm cho hay.
Hầu hết các bệnh nhân nơi đây sống trong các khu nhà tập thể với các phòng tách biệt. Do vậy việc quản lý các bệnh nhân không mấy khó khăn. Nhưng do đặc thù bệnh tật và di chứng của căn bệnh nên nhiều bệnh nhân không thể tự lo cho mình được. Đã từng có những vụ tai nạn được sơ Lài cứu chữa. Bác Nguyễn Thị Đam, một bệnh nhân từng được sơ Lài cứu thoát khỏi cái chết nhớ lại: "Hôm đó trời lạnh mà căn phòng tui ở thì bị ngập nước mưa, do không đi lại được nên tui bị ngã xuống nền nhà, người lạnh cóng mà không có ai ở nhà, may mà lúc đó sơ Lài kịp thời đến giúp nên tui mới thoát chết". Nói đến đây mà bà Đam vẫn chưa hết bàng hoàng.
Những người dân trong làng phong này đều mến phục và quý trọng sơ Lài. Bà Dương Thị Bảy, một bệnh nhân nặng ở khu 2 cho biết: "Sơ Lài đối với mọi bệnh nhân rất tận tình, sơ phục vụ mọi người không phân biệt ai cả. Tui là một người ngoại đạo ở Bắc Ninh nhưng sơ thường xuyên động viên, hỏi han và còn tự tay mình tắm giặt cho tui nữa. Cả cái trại phong này không ai mà không coi sơ Lài như mẹ hiền". Đó chính là tình cảm chân thành của bà cụ và cũng là tình cảm chung mà mọi người dân trong làng này dành cho sơ Lài. 
Hằng ngày sơ Lài vào thăm những cụ ông, cụ bà, đưa thuốc cho họ rồi cùng chuyện trò với các bệnh nhân. Ngôi nhà nhỏ chị ở tạm lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười nói của những người dân nơi đây. Thỉnh thoảng những người hàng xóm lại ghé nhà hỏi thăm và không quên đem theo bó rau xanh, con cá mà họ làm được. Chị bảo: "Nhìn cảnh các bệnh nhân không có ai chăm sóc, không người thân thích nhất là khi ốm đau mình lại càng mong muốn ở lại lâu dài mảnh đất này để được chăm sóc cho họ, nhất là những cụ già cả sống đơn độc không có con cháu".
Đó là tâm nguyện của một nữ tu chỉ muốn góp một phần mình để giúp đỡ những người đau khổ vì bệnh tật, không nơi nương tựa. Chị làm công việc này với tất cả tình thương, không chút vị lợi hay mong được đáp trả.

Góp một phần sức mình là thêm niềm vui, nụ cười cho người bệnh
 
"Những ngày đầu vừa về trại phong, bước vào các phòng bệnh nhân đủ các mùi hôi thối bốc lên từ những phần thịt trên người bệnh hoại tử, thêm vào đó là những mùi hôi của nhà vệ sinh, lúc đó dạ dày mình muốn trào ngược tống các thức ăn ra ngoài nhưng mình đã cố nén chịu không để mình nôn trước mặt họ. Lúc đó, mình đã bật khóc, khóc không phải vì sợ bệnh, không phải sợ gian khổ mà khóc vì thấy họ mất mát, thiệt thòi quá nhiều. Mình bắt đầu làm quen với bệnh tật, dần dần khứu giác của mình cũng bão hòa mất cảm giác các mùi lạ. Công việc tắm rửa thay quần áo, lau nhà, cắt tóc, đứt cơm, thay bông gạc… cho bệnh nhân bây giờ đã quen, mình xem bệnh nhân như là những người thân trong gia đình, họ cũng đã gắn bó với mình rồi. Mình sẵn sàng làm cho họ tất cả những gì mình có thể, miễn là được góp thêm niềm vui, đem lại nụ cười cho họ".

Nữ tu sĩ Trần Thị Lài

Theo Xuân Lê (Gia đình & Xã hội)

Điểm nóng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ trả lời về bê bối tại Vinalines

Lại một sản phụ tử vong sau khi sinh

Xế hộp mất lái chổng vó dưới chân đê

Chuyện đời ông lão “cướp cơm hà bá”

Nghệ An: 20 cán bộ, nhân viên Công ty Y, Dược nhập viện vì ngộ độc

Bí mật đau đớn sau vụ nữ sinh dìm chết bạn

SV bán dâm 2 triệu: Trần tình của “má mì”