Kỳ bí Hang Ma: Hé mở những bí ẩn về những cỗ quan tài "bay" (kỳ 2)

05/06/2012 06:47
Hoàng Sơn - Phạm Hải
(GDVN) - Khi giả thuyết về cách thức đưa những cỗ quan tài “treo” trên vách đá phần nào được hé mở thì một câu hỏi nữa được đặt ra là chủ nhân của nó là ai?
Chủ nhân của những chiếc quan tài “bay” là ai?
Khi đi tìm câu trả lời này thì chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng đây là cách an táng cổ xưa của người Thái cổ còn sót lại cho đến ngày nay. Số khác thì lại cho rằng đây là hang mộ dành cho tầng lớp quý tộc người Thái. Đặc biệt có người còn đặt ra giả thiết có thể những hang động này là nơi an táng những người thuộc thân tộc của Thượng tướng quân Khằm Ban – người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. 

Được bao bọc bởi núi cao và sông sâu, khu di tích Hang Ma được gắn liền với những truyền thuyết nhuốm đầy yếu tố ly kỳ, bí ẩn và vẫn chưa có lời giải.
Được bao bọc bởi núi cao và sông sâu, khu di tích Hang Ma được gắn liền với những truyền thuyết nhuốm đầy yếu tố ly kỳ, bí ẩn và vẫn chưa có lời giải.

Về niên đại của những chiếc quan tài cổ này, theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) và nhiều nhà nghiên cứu khác đã từng đến khu hang động này để khảo sát nghiên cứu thì khu động táng này ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV (trùng với mốc thời gian của giả thiết cho rằng đây là mộ táng của những quý tộc người Thái thời Thượng tướng Khằm Ban). Còn theo ông Hà Văn Tuyên – Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa thì có thể trước kia nơi đây là khu động táng lớn của người Thái cổ.
Tuy nhiên, nếu đồng ý với giả thiết này thì một câu hỏi khác được đặt ra là cách thức mai táng khá kỳ lạ ở Việt Nam này đã xuất phát từ quan niệm nào và tại sao đến giờ không còn lưu truyền, dù chỉ là truyền miệng? Mặt khác, người Thái có thực sự là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Hồi Xuân – Quan Hóa? Hay trước đó rất nhiều thế kỷ, vùng đất này thuộc về một tộc người khác, một nền văn hóa khác, và do những nguyên nhân nào đấy, tộc người đó đã dời đi và để lại dấu tích của nền văn hóa “tiền Thái” còn sót lại đến ngày nay?
Có lẽ những gì còn sót lại ở Hang Ma (cũng như nhiều hang động tương tự khác) vẫn chưa đủ sức để “giải mã” những bí ẩn này. Để “giải mã” những bí ẩn Hang Ma cần có thời gian lẫn một sự khảo sát nghiên cứu tổng thể rộng hơn để hiểu rõ hơn lịch sử văn hóa của vùng đất này.

Tìm dấu tích trong lịch sử vùng đất cổ

Những sử sách, tư liệu còn lại đến ngày nay đều cho biết: Vùng đất Hồi Xuân (và huyện Quan Hóa nói chung) trước kia có tên gọi là Mường Ca Da. Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là một trong bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của người Thái ở miền núi phía Tây xứ Thanh.  Trong khi đó, “Ca da” trong tiếng Thái có nghĩa là “quạ chữa thuốc”. Đến nay, trong các bản người Thái ở huyện Quan Hóa vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết khá phổ biến về xuất xứ tên gọi (hay nguồn gốc ra đời) của Mường Ca Da.  



Hàng trăm cỗ quan tài cùng những hiện vật được tìm thấy tại Hang Ma tuyệt nhiên không có một mảnh xương người nào nên nguồn gốc cũng như chủ nhân của những chiếc quan tài này vẫn còn là điều bí ẩn.
Hàng trăm cỗ quan tài cùng những hiện vật được tìm thấy tại Hang Ma tuyệt nhiên không có một mảnh xương người nào nên nguồn gốc cũng như chủ nhân của những chiếc quan tài này vẫn còn là điều bí ẩn.

Trong sử sách mà người Thái ở Quan Hóa còn ghi chép lại công lao của tướng quân Khằm Ban – vị thủ lĩnh hiển hách nhất và là người lập ra Mường Ca Da (vào khoảng thế kỷ XV). Theo sử sách, tướng quân Khằm Ban là người văn võ song toàn, gia nhập cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và lập nhiều chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh và được vua Lê phong làm Thượng tướng quân, thống lĩnh toàn quân miền núi Tây Bắc, từ Nghệ An – Thanh Hóa cho đến Lào Cai bây giờ. 
Sau khi đất nước bình yên, vua Lê đã cho ông được tự chọn vùng đất đóng quân và lập thái ấp. Vùng đất đó rất rộng, kéo dài từ huyện Yên Định hiện nay cho đến tận Hồi Xuân – Quan Hóa; điểm mốc ranh giới thuộc huyện Yên Định nay vẫn còn lưu lại dấu tích với tên gọi là Quán Lào (nay là thị trấn của huyện Yên Định). 
Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông đã phát hiện đất Hồi Xuân có phong cảnh sơn thủy hữu tình, có thể xây dựng cơ nghiệp lâu dài, liền chọn để dựng bản, lập Mường và đặt tên là Mường Ca Da. Về sau, dân ở các nơi kéo về đất Mường Ca Da ngày một đông, họ cùng làm ăn, sinh sống đoàn kết bên nhau. Tìm trong tư liệu chính sử chép về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng có nhắc đến việc Lê Lợi đã “vỗ về yên ủi các bộ lạc, khen thưởng các tù trưởng” (Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, tr.252).

Với vị trí địa lý khá đặc biệt nên khu di tích hang ma vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Với vị trí địa lý khá đặc biệt nên khu di tích hang ma vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Ông Phạm Văn Thúy – Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quan Hóa cho biết: “Thượng tướng quân Khằm Ban có tên gọi theo tiếng Thái là Chu Kha Lai, tiếng Kinh là Phạm Hiếu, ông là con rể của vua nước Ai Lao (tức Lào) nên có tên gọi là Khằm Ban. Khằm Ban là tiếng Lào: “khằm” có nghĩa là vàng, “ban” có nghĩa là bạc. Dấu tích về tướng quân Khằm Ban hiện nay vẫn còn lưu giữ ở vùng đất Hồi Xuân – Quan Hóa với tên gọi của hai bản là Bản Khằm và Bản Ban và một tấm bia đá lớn ghi dấu công ơn của ông” (hay còn gọi là làng Khằm, làng Ban, sát ngay với thị trấn Hồi Xuân – TG).
Ông Thúy cũng cho biết thêm, lần theo gia phả họ Phạm ở Quan Hóa (hiện nay vẫn còn lưu lại – do ông Phạm Hồng Nêu sưu tầm và cất giữ) những người Thái mang họ Phạm ở Quan Hóa đều thuộc dòng dõi con cháu của tướng Phạm Hiếu (tức Khằm Ban), bản thân ông Thúy cũng ở trong số đó. Hiện nay, di tích đền thờ Khằm Ban đã được công nhận di tích cấp tỉnh. 
Tạm bỏ qua những yếu tố kỳ ảo của truyền thuyết vì không có cơ sở khoa học, chỉ dựa vào những tư liệu quý giá được ghi chép lại trong sử sách về tướng quân Khằm Ban và vùng đất Mường Ca Da, có thể nhận thấy rằng: Người Thái di cư đến và định cư ở vùng đất Hồi Xuân – Quan Hóa khá muộn (khoảng thế kỷ XIV – XV).


Trong khi đó, theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì khu động táng ở Hang Ma ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV. Điều đó có nghĩa những chiếc quan tài theo tục “động táng” trong Hang Ma có thời gian tồn tại lâu hơn (từ thế kỷ XV trở về trước), trước cả khi người Thái đến định cư ở vùng đất này. Chính vì vậy, giả thiết chủ nhân của Hang Ma có thể là người Thái cổ sẽ vẫn còn là một sự hoài nghi. 
Trở lại vấn đề Hang Ma ở Hồi Xuân – Quan Hóa, như trên đã nói, người Thái đến định cư ở vùng đất này khá muộn, vậy thì nền văn hóa của tộc người nào đã từng tồn tại và phát triển trước cả người Thái? Câu trả lời không hề dễ dàng, nó cần một sự khảo sát nghiên cứu cả tổng thể lẫn chi tiết, và nhất là đòi hỏi phải có thời gian.
Để làm sáng tỏ những câu hỏi trên cần phải có thời gian cũng như một sự nghiên cứu khảo sát thật tỉ mỉ, công việc này đòi hỏi tốn không ít công sức. Dẫu thế nhưng đây vẫn là một công việc có ý nghĩa to lớn và nên làm. Với những phát hiện trên, chúng tôi chưa thể đi đến một kết luận cuối cùng cho vấn đề này, nhưng hi vọng nó sẽ hé mở ra một hướng tư duy khác, một hướng tiếp cận nghiên cứu khác đối với vấn đề “giải mã” những bí ẩn của di tích Hang Ma nói riêng cũng như lịch sử văn hóa vùng đất cổ Mường Ca Da nói chung.

Điểm nóng

Nam thanh niên tìm đến khách sạn người yêu tự tử để… tự vẫn

Nhọc nhằn lội mương mưu sinh ở thủ đô

3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối trên sông Dinh

Bàng hoàng trà chanh làm từ phụ gia

Năm Cam làm gì, ở đâu ít giờ trước khi bị bắt?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về giải quyết tranh chấp biển Đông

Báo Phụ nữ TP.HCM: Ai lá cải? Ai đơm đặt? Ai dựng chuyện?

Hoàng Sơn - Phạm Hải