Nghề săn xác chết: Sự bất nhẫn đáng trách

02/06/2012 14:27
Theo An Ninh Thủ Đô
"Những người thích chụp xác tử thi, thích xem những cảnh đâm chém máu me rùng rợn… có khả năng bị rối loạn về sở thích. Đây là một biểu hiện nhẹ của bệnh tâm thần nên nhiều người không đi khám và điều trị...”.
Bất bình trước thú chơi rợn người
Trên đây là nhận xét của bác sĩ Trần Thị Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai. Theo bác sĩ Hà không có loại thuốc nào để điều trị các triệu chứng này, trừ khi bản thân người bệnh nhận thức được đó là việc làm không bình thường, lệch lạc về suy nghĩ. Giữa lúc các “tín đồ” của thú chơi “săn xác” tỏ ra phấn khích trước những “chiến tích” máu me của mình thì không ít người tình cờ nhìn ghé qua “vương quốc của các xác chết”, đặc biệt là người thân của những nạn nhân xấu số bị đội quân săn xác chụp ảnh đưa lên mạng rồi tung hứng, bình luận bừa bãi đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ. Chị Nguyễn Hoàng Anh, ở quận Hoàng Mai, có người thân bị chết do tai nạn giao thông cách đây 2 năm chia sẻ: “Tôi từng hỏi một sinh viên thích “săn xác” rằng nếu bố mẹ hay anh chị em của họ bị xe cán chết, bị chụp ảnh rồi tung tràn lan trên mạng với những kiểu đặt tít, lời bình cay độc, bất nhẫn thì họ sẽ nghĩ như thế nào…”.
Những hoạt động ngoại khóa hướng tới cộng đồng giúp thanh niên có thêm kỹ năng sống và tinh thần lành mạnh. Ảnh: Phú Khánh

Những hoạt động ngoại khóa hướng tới cộng đồng giúp thanh niên có thêm kỹ năng sống và tinh thần lành mạnh. Ảnh: Phú Khánh

“Một con người chẳng may bị tai nạn chết thảm, mình không những không giúp đỡ, an ủi mà còn lấy đó ra làm trò tiêu khiển thì thật là bất nhẫn”, anh Vũ Trung Anh, ở Vĩnh Phúc có em trai bị tai nạn giao thông chết và bị đội ngũ săn xác chụp ảnh tung lên mạng tỏ ra vô cùng bất bình. Chia sẻ của anh Trung Anh cũng là suy nghĩ của nhiều người trước thú tiêu khiển săn xác của giới trẻ hiện nay.

Không ít bạn trẻ sau khi nhìn nhận ra thú chơi nhuốm màu bạo lực đã từ bỏ cuộc chơi. Nhiều câu chuyện đau lòng đã được chính những tay săn xác máu lạnh kể lại khi họ đã “rửa tay gác kiếm”. “Cách đây chưa lâu, một nạn nhân còn rất trẻ chẳng may bị xe cán đứt lìa nửa thân mình. Thay vì cứu giúp người bị nạn, em và nhiều người đi đường đã thản nhiên rút điện thoại quay cảnh nạn nhân trong tình trạng thê lương rồi tung trên mạng, bình phẩm bằng giọng bỡn cợt. Bây giờ nghĩ lại em cảm thấy hành động của mình thật đáng xấu hổ”, một cựu thành viên của nhóm “kền kền” hối hận.

Gần đây nhiều trang web còn tập hợp, dán ghép cảnh máu me của bé Trịnh Ngọc Bích, con chủ tiệm vàng Ngọc Bích ở tỉnh Bắc Giang bị Lê Văn Luyện chém đứt lìa tay phải cùng hình ảnh những người thân với mục đích thu hút thành viên truy cập. Bản thân những người khi thực hiện công việc cắt, dán ghép ảnh dường như không quan tâm đến chuyện sau này, khi lớn lên, xem lại những hình ảnh của quá khứ kinh hoàng, bé Bích sẽ bị ám ảnh, đau đớn như thế nào.

Ảnh hưởng đến lối sống và tư duy

Lý giải về trào lưu săn ảnh xác chết kinh dị của một bộ phận giới trẻ hiện nay, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng, hầu hết những hình ảnh đó chỉ là thế giới ảo với thập cẩm các loại thông tin xấu, tốt lẫn lộn mà các cơ quan chức năng vẫn đang đau đầu đi tìm giải pháp quản lý. Với những trang web như thế, người ta dễ dàng đưa lên đó cả những thông tin tiêu cực, lệch chuẩn miễn sao nó phải thật khác thường, đặc biệt, kinh dị và sốc để gây sự chú ý, gây scandal.

Trào lưu săn ảnh xác chết không nằm ngoài mục đích tạo ra những thông tin giật gân, thể hiện sự khác thường, độc đáo mà một số người vẫn cho rằng đó mới là cá tính, là đẳng cấp. Từ thế giới ảo đến đời thực là ranh giới rất mong manh, nếu bản thân mỗi cá nhân không biết nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về sự vật, hiện tượng mà mình tiếp xúc. Về lâu về dài chắc chắn những trào lưu lệch chuẩn như vậy có thể gây ra những tác hại khôn lường, ảnh hưởng đến xã hội và nhất là đến lối sống của giới trẻ.

Theo cô Nguyễn Thu Phương, nguyên giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều thì có nhiều lý do đưa các em vào thú chơi bệnh hoạn này. Bởi, hiện nay chúng ta còn quá ít sân chơi cho các em. Mặt khác, xung quanh cuộc sống của các em nhan nhản những trò chơi bạo lực, thiếu những trò chơi lành mạnh, bổ ích và đặc biệt thiếu cả sự giao tiếp thân thiết giữa con người với con người. Chính những lý do ấy đã khiến các em dễ dàng tìm đến những thú vui khác. Những thú vui càng lạ, càng độc càng hấp dẫn. Và khi lún sâu vào thú săn xác, các em sẽ không còn biết rung động trước nỗi đau của người khác, sẽ vô cảm đối với những sự việc thương tâm xảy ra quanh mình.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Các bậc phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con em mình, giúp các em định hướng những giá trị đúng đắn của bản thân. Đó chính là trách nhiệm bảo vệ xã hội, bảo vệ con người trong xu thế hội nhập hiện nay, cô Phương đưa ra lời khuyên.            

Điểm nóng

Hà Nội: Cháy rụi siêu thị đồ trẻ em trên phố Sơn Tây

Chủ xế hộp tiền tỷ bốc mùi trứng thối…thua kiện

Vợt châu chấu, hốt bạc 60 triệu đồng/tháng

Những qui định có hiệu lực từ tháng 6/2012

Nỗi đau sau ngày nữ sinh lớp 9 đâm chết bạn

Rùng mình với mốt chơi...xăm sẹo của teen

Báo Phụ nữ TP.HCM: Ai lá cải? Ai đơm đặt? Ai dựng chuyện?

Theo An Ninh Thủ Đô