Người chồng nhiễm HIV, thiêu sống vợ lĩnh án chung thân

03/06/2012 17:39
Theo Minh Phượng (Vietnamnet)
Nghi ngờ vợ có người đàn ông khác, người chồng đổ xăng lên người vợ rồi châm lửa đốt. Thế nhưng, chính anh ta là kẻ từng nhiều lần “vui vẻ” với gái làng chơi rồi truyền nhiễm HIV cho vợ.
Phiên tòa không có mặt phía đại diện người bị hại, chỉ có người mẹ già của bị cáo lụm cụm ngồi ở hàng ghế phía sau buồn bã.

Thiêu vợ vì ghen
 
“Bị cáo cho biết tên họ đầy đủ là gì?” / - “Dạ, Trần Hữu Trọng”.


“Bị cáo sinh năm nào?”/ - “Năm 1978”.

“Bị cáo bị truy tố về tội gì?”/ - “Tội giết người”.


Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Hữu Trọng chậm rãi trả lời từng câu hỏi trong phần thẩm tra lý lịch của Hội đồng xét xử.
 
Theo nội dung cáo trạng, năm 2000, Trọng và chị N.T.B. đăng ký kết hôn. Họ có một con chung sinh năm 2001. Từ năm 2008, Trọng thường xuyên ghen tuông, đánh đập vợ nên bị công an phường Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP.HCM) xử phạt hành chính.

Khoảng 8 giờ ngày 25/12/2009, Trọng gọi vợ vào phòng ngủ để nói lại chuyện cũ do nghi ngờ vợ có người đàn ông khác. Cuộc trò chuyện bùng nổ trong cơn giận dữ khi người vợ phủ nhận những ghen tuông bóng gió của chồng.

Cơn thịnh nộ nổi lên, Trọng vơ lấy bình xăng có sẵn trong nhà dội lên người vợ rồi châm lửa đốt. Để “cả hai cùng chết”,  bị cáo ôm ghì lấy vợ không cho chị thoát ra ngoài.
 
Mặc dù được mọi người phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng chị B. đã tử vong vì bỏng nặng. Bị cáo Trọng cũng bị bỏng 65% diện tích cơ thể.
 
Phía sau tội ác
 
Tại tòa, trong phần trả lời thẩm vấn, Trọng cho biết mình đang bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Bị cáo thừa nhận trước khi kết hôn, cả hai vợ chồng hoàn toàn khỏe mạnh. Sau này, trong những lần đi chơi cùng nhóm bạn cũ, bị cáo đã ăn nằm với gái làng chơi.

Năm 2004, bị cáo phát hiện mình bị nhiễm HIV sau một lần xét nghiệm. May mắn, đứa con sinh ra trước khi bị cáo bị bệnh nên không việc gì nhưng người vợ thì không thoát được, chị đã bị nhiễm HIV từ chồng.
 
“Tại sao bị cáo đã không chung thủy dẫn đến nhiễm HIV mà lại ghen tuông, cho rằng vợ có người đàn ông khác?”/ - “Vì vợ có người khác nên mới từng đòi ly hôn”.

“Thế bị cáo có nghĩ rằng chính nguyên nhân bị cáo không chung thủy rồi lây HIV cho vợ mới khiến chị B. đòi ly hôn không?”/ - “Dạ, không. Bị cáo chứng kiến cảnh vợ vui vẻ trò chuyện, cho người đàn ông khác mượn tiền, về nhà còn đối xử khác với bị cáo, bị cáo hỏi thì vợ không trả lời nên bị cáo mới nghi”.
 
“Tại sao bị cáo lại dùng xăng đốt chị B.?”/ - “Lúc đầu, bị cáo dội lên mình, dọa tự đốt mình nhưng tại vợ thách thức: “Ông giỏi thì làm đi” nên bị cáo mới đốt”.

“Bị cáo nghĩ gì mà hành động như vậy? Vợ bị cáo chết, bị cáo vào tù thì con bị cáo ra sao?”/ - “Lúc đó, bị cáo không còn nghĩ gì hết”, Trọng bình tĩnh thanh minh cho hành vi đốt vợ.
 
Trước thái độ của bị cáo, chủ tọa phiên tòa phải nghiêm giọng chấn chỉnh thái độ của bị cáo. Ông cho biết, mẹ của nạn nhân đã gửi đơn đến Tòa xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bà không yêu cầu bị cáo phải bồi thường.

Tuy nhiên, với cách trình bày của người mẹ, Tòa nhận thấy người mẹ ấy không thể đến dự tòa là vì một lý do khác. Bà không đủ can đảm để đối mặt, nghe lại cái chết của con, không muốn đứa cháu ngoại phải nhìn thấy cảnh cha nó bị xét xử vì đã đốt chết mẹ nó.
 
“Vậy mà, hôm nay ra trước Tòa, bị cáo vẫn có thể bình thản thế sao?”, Trọng im lặng, mặc câu hỏi của vị chủ tọa rơi vào khoảng không yên tĩnh.
 
Hiện tại, Trọng đang ở trại giam nhưng hàng ngày vẫn được uống thuốc, điều trị đều đặn tại bệnh xá nhà giam, được đưa đến bệnh viện mỗi khi cần thiết. Trọng chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống hàng ngày, nhưng chính người này lại nhẫn tâm cướp đi những ngày tháng cuối đời của người vợ vốn đã là nạn nhân của chồng khi bị lây nhiễm HIV.

Hành vi của bị cáo thể hiện sự mất hết nhân tính. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với Trọng về tội “giết người”.
 
Nghe đến mức án tử hình, Trọng ngước gương mặt có những đám da sạm đen loang lổ cùng bàn tay co quắp do di chứng bỏng lên phía trước, khẩn khoản: “Bị cáo xin tòa xem xét, cho bị cáo cơ hội được sống tiếp những ngày còn lại để bị cáo có cơ hội gặp con bị cáo lần nào hay lần ấy”. Câu nói của bị cáo khiến người nghe không khỏi đắng lòng.
 
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo mang tính côn đồ, thể hiện sự coi thường pháp luật, bị cáo dùng xăng thiêu vợ là hành vi phạm tội một cách man rợ nên có đủ cơ sở xử phạt bị cáo như mức án mà Viện kiểm sát đã đề nghị.

Tuy nhiên, hiện nay sức khỏe bị cáo yếu, bị cáo đang bị HIV giai đoạn cuối nên cần xem xét, giảm nhẹ hình phạt để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Từ đó, Tòa tuyên phạt Trọng mức án tù chung thân về tội “giết người”.
 
Mỗi bị cáo được thoát án tử đều có thể có cơ hội trở về nếu họ biết phục thiện, biết làm người có ích. Thế nhưng, với Trọng, dù thoát án tử về tội giết người nhưng có lẽ sẽ không có ngày về vì “bản án tử hình” do bệnh AIDS đang lơ lửng trên đầu bị cáo.

Sự trừng phạt của pháp luật giờ đây dường như không quan trọng khi chính bị cáo đã tự nhận lấy bản án tử hình vì những phút lầm lạc tội lỗi trong đời sống vợ chồng.
 
Phiên tòa kết thúc, Trọng lật đật bước lên, cánh cửa chiếc xe bít bùng đóng sập. Chỉ còn người mẹ già nua đứng ngẩn ngơ dõi theo bóng chiếc xe xa dần rồi khuất hẳn.

Điểm nóng

Nam thanh niên tìm đến khách sạn người yêu tự tử để… tự vẫn

Nhọc nhằn lội mương mưu sinh ở thủ đô

3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối trên sông Dinh

Bàng hoàng trà chanh làm từ phụ gia

Năm Cam làm gì, ở đâu ít giờ trước khi bị bắt?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về giải quyết tranh chấp biển Đông

Báo Phụ nữ TP.HCM: Ai lá cải? Ai đơm đặt? Ai dựng chuyện?

Theo Minh Phượng (Vietnamnet)