Giáo dục trong nhà trường: Cần khuyến khích học sinh đọc báo

07/06/2012 01:34
Mai Thị Hằng CĐTH
(GDVN) - Theo khảo sát, đa số trẻ em đều có hứng thú với việc đọc báo và 1/3 trong đó thích viết báo. Nhưng không phải tất cả các em đều được đọc báo hàng ngày.

Trẻ em ít được tiếp xúc với báo chí

Với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng, báo chí có những tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới sự phát triển trí tuệ, hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, bồi đắp tình cảm nhân văn cho trẻ em, góp phần rất lớn vào việc định hướng những suy nghĩ và hành động của trẻ. Đồng thời nâng cao hiểu biết về nhiều mặt, trau dồi đạo đức, nhân cách và tuyên truyền lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên, một thực trạng đang xảy ra ở nước ta hiện nay là việc giáo dục trẻ em trong nhà trường mới chỉ dừng lại ở đào tạo kiến thức mà ít khi chú trọng đến vấn đề cập nhật thông tin xã hội cho học sinh. Trẻ em vốn rất ham học hỏi và muốn được khám phá thế giới xung quanh, hay đặt ra những câu hỏi vì sao, tại sao lại như thế…, phụ huynh hay giáo viên sẽ không thể giải đáp hết được. Báo chí chính là kênh thông tin hiệu quả cho các em.

Đa số trẻ em đều thích đọc báo (Ảnh minh họa)
Đa số trẻ em đều thích đọc báo (Ảnh minh họa)

Hiện nay, mới chỉ có một số tờ báo dành cho lứa tuổi này, như báo Rùa vàng dành cho lớp mầm non, báo Nhi đồng dành cho học sinh tiểu học, báo Thiếu niên tiền phong dành cho Trung học cơ sở... Như vậy là vẫn ít so với nhu cầu thực tế. Đồng thời, cũng quá ít so với các kênh truyền thông khác dễ dàng tiếp cận với trẻ em như truyền hình, internet, truyện tranh, game...

Đưa báo vào lớp học

Nhà trường nên phối hợp với phụ huynh khuyến khích trẻ em đọc báo bằng cách bổ sung giờ đọc báo vào trong buổi học. Mỗi giờ đọc báo, giáo viên sẽ để cho học sinh được tự do đọc đồng thời trao đổi thông tin với nhau, trao đổi các vấn đề liên quan với thầy cô. Hoặc có thể lồng ghép vào các môn kiến thức xã hội như Giáo dục công dân, Đạo đức... để các em đọc báo, học tập những tấm gương tốt, bài học hay trên báo, liên hệ và tổng kết ý nghĩa thực tiễn. Như thế sẽ rất thiết thực, giờ học không khô cứng, dễ thu hút các em vào bài giảng và quan trọng nhất là kích thích tính sáng tạo, chủ động của trẻ em. Các môn khác cũng có thể áp dụng hình thức lồng ghép này. Điều cốt lõi là ý tưởng và phương pháp giảng dạy lồng ghép của các giáo viên.

Nếu không thể đưa vào giờ học, học sinh có thể đọc trong giờ ra chơi. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc nhiều em không biết làm gì khác ngoài đọc truyện tranh, chơi game. Giờ đọc báo cũng chính là những lúc các em giải trí sau những giờ học kiến thức căng thẳng, nó như một giờ học ngoại khóa không thể thiếu.

Đồng thời, khuyến khích các em viết báo, bài do giáo viên chỉnh sửa sau đó gửi lên tòa soạn. Mỗi buổi đầu tuần sẽ tuyên dương những em có bài được đăng báo. Chắc chắn các em sẽ rất hứng thú với việc này. Viết báo nhằm rèn luyện kĩ năng viết của các em, và sau này nhiều em có thể trở thành nhà báo giỏi.

Kinh phí mua báo do nhà trường kết hợp với phụ huynh. Nhiều gia đình vẫn mua về nhà cho con song hiệu quả chưa cao, bởi ở nhà các em có nhiều nhu cầu giải trí khác, và không có được sự trao đổi thông tin trực tiếp với bạn bè, thầy cô. Nên có lẽ phụ huynh sẽ không ngần ngại "chuyển giao" kênh thông tin này tới lớp.

Ngoài ra, Việt Nam cần có nhiều đầu báo viết về trẻ em hơn nữa, các tác giả cần viết những bài báo chuyên sâu hơn. Nội dung chính là những tâm tư tình cảm của các em, những cảm xúc mới lạ cần chia sẻ, những kiến thức về thế giới quan xung quanh.

Một thế hệ năng động và phát triển hơn khi có được những kiến thức bổ ích và thực tế. Kiến thức không bao giờ là đủ cho những con người ham học hỏi.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

 Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

 Chủ đề tuần này (1-10/6): Báo chí với trẻ em

  
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

 Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Mai Thị Hằng CĐTH