Mã số 58

Còn gì khổ hơn cảnh sống từ từ và chết... từ từ?

09/06/2012 06:00
Thanh Tuyển – Bùi Liên
(GDVN) - Nhìn con mỗi ngày ốm yếu mỏi mòn vì bệnh tật, người mẹ cùng kiệt chỉ còn biết đau đớn quặn thắt vào lòng khi chưa tìm được chỗ nào để bấu víu…
Hai mẹ con chị bên căn nhà tuềnh toàng, cần lắm những tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ.
Hai mẹ con chị bên căn nhà tuềnh toàng, cần lắm những tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ.

Trong căn nhà ẩm thấp rộng chưa đầy 15m2 bên trong không có gì đáng giá trị là nơi trú ngụ của 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Gái (SN 1958) và cháu Đinh Tiến Thanh (SN 1998) ở thôn Thượng Ngạn 1, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Dưới ánh nắng rọi qua căn nhà dột nát, người phụ nữ thầm lặng ấy kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ngay từ lúc còn nhỏ chị là người con ngoan hiền trong nhà, chịu thương chịu khó nên đi đâu chị cũng được mọi người quý mến.

Mong con được đến trường

Mong con được đến trường

Mong được một lần nghe con gọi

Mong được một lần nghe con gọi "Mẹ ơi"!

Cảm thương hoàn cảnh của hai mẹ con côi cút

Cảm thương hoàn cảnh của hai mẹ con côi cút

Đến khi trưởng thành, năm 1978 chị trở về thôn Thượng Ngạn nhận trông giữ trẻ. Cuộc sống có tiếng cười của trẻ nhỏ khiến chị luôn cảm thấy ấm áp. Những tưởng chị sẽ gắn bó mãi với công việc này, nhưng ít lâu sau chị phải xin nghỉ về nhà để tiện có thời gian chăm sóc cho bố.

Trở lại quê, bám trụ vào đồng ruộng, chị ngày đêm tảo tần nhưng đổi lại vẫn là cái đói, cái khổ đeo bám. Vài năm sau chị rời quê hương bắt đầu cuộc sống bươn trải.

Chị xin vào làm việc tại đội thủy lợi 202 của huyện Thái Thụy - Thái Bình, nhưng được 5 năm thì đội này phải giải thể, chị lại phải xoay đủ nghề để có được cái ăn.

Mải miết lam lũ, ngoảnh đi ngoảnh lại chị đã thấy mình ở độ tuổi đứng bóng. Giấc mơ có được tấm chồng hiền, người con hiếu thảo bấy lâu đã tuột xa không còn cơ hội, chị không còn dám nghĩ tới chuyện xây dựng gia đình.

Những tưởng đã có được hạnh phúc muộn màng

Với tuổi tác cao như vậy, chuyện tình duyên của mình chị tưởng không còn nữa thì đến năm 1995, ông Đinh Tiến Thụy đã hỏi và ngỏ lời xin cưới chị làm vợ.

“Ông Thụy có 5 người con đến nay chúng đã trưởng thành hết cả, sau một thời gian dài lâm bệnh thì người vợ của ông đã mất. Cảnh con cái đi làm ăn trong Nam xa nhà, không có thời gian về thăm bố được. Tuổi già lại cô đơn hiu quạnh, biết tình cảnh tôi như thế ông ấy đồng cảm đã đến dạm hỏi và xin cưới tôi làm vợ”-
chị Gái kể lại.

Thông cảm và chia sẻ cho số phận của nhau, dù hạnh phúc trong muộn màng nhưng họ đến với nhau bằng tình yêu chân thật. Hai vợ chồng chung sống với nhau được ít năm thì ông Thụy quyết định vào Nam ở cùng con cháu, trong khi đứa con trai ở quê nhà thì mới chào đời còn bé bỏng.

Ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi chỉ chừng gang tay ấy đã dần trôi qua. Giờ đây một mình chị phải bươn trải nuôi con. Chị lấy con làm chỗ dựa tinh thần để vượt lên khó khăn, đói nghèo. Nhưng nỗi đau đớn cứ đè nén lên hai mẹ con chị.

Di chứng của chất độc da cam từ ông Thụy để lại khiến cháu Thanh giờ đây đang mất dần đi sự sống. Từ bé đến lúc lớn, cháu Thanh đều “ngặt nghèo” yếu ớt, cứ trái gió trở trời là cháu không thể thở được.

Chân đau như vậy nhưng cháu Thanh vẫn cố gắng làm những công việc nhỏ nhẹ, đỡ đần mẹ.
Chân đau như vậy nhưng cháu Thanh vẫn cố gắng làm những công việc nhỏ nhẹ, đỡ đần mẹ.


Cháu Thanh đáng ra năm nay học lớp 9, trông cháu xanh xao không khác gì tàu lá chuối, dáng người bé nhỏ như đứa học lớp 3, lớp 4. Đôi mắt của cháu thì lác hẳn về một bên, 15 tuổi cháu chỉ nặng đúng 21kg.

Ngoài ra cháu Thanh còn bị viêm phổi, ốm đau triền miên. Chị thì lại mắc phải căn bệnh suy tim do lao lực, kinh tế gia đình ngày càng lâm vào bước đường cùng.

“Nhiều lần tôi mang cháu đến viện nhưng không đủ tiền chữa trị lại phải mang cháu ra về, mỗi lần hai mẹ con bồng bế đi khám là đều có chẩn đoán nhập viện gấp cho cả mẹ, cả con”, chị Gái nghẹn ngào nói.

Năm 2005, chị nhận được tin ông Thụy trở về. Tuy giận ông nhưng muốn bố con gặp mặt nhau, chị cũng mong mỏi ngày đoàn tụ. Nhưng số phận đã không mỉm cười với chị. Tin dữ, ông Thụy đã chết đột ngột do tai biến mạch máu não trên đường ra Bắc, khiến chị từ đó từng ngày sống trong tiều tụy, xơ xác.

Bản thân chị bây giờ trong người có nhiều trọng bệnh, những cơn đau tim dai dẳng, bệnh đau lưng, viêm dạ dày… trông chị ngày một héo hon hơn. Để có được bữa cơm đạm bạc cho hai mẹ con, chị phải gắng gượng đi lượm ve chai để có thêm tiền thuốc “cầm chừng” bệnh tật.

Về học tập của cháu Thanh thì luôn được thầy cô đánh giá cao về ý thức vươn lên “cầu tiến bộ”. Nhưng cũng vì bệnh tật giờ đây cháu phải chậm mất một năm học. Hiện tại thu nhập của gia đình rất ít ỏi, với công việc đi thu gom ve chai của chị, hằng tháng cũng chỉ kiếm được 200.000/ tháng với hơn 200.000đồng tiền tuất thường cho ông Thụy.

Nói đến đây chị rưng rưng: “Tôi còn sống ngày nào thì cố gắng làm lụng nuôi cháu, dù không được bằng bạn bè của nó, nhưng cũng không thể để cháu thất học được. Tôi không sợ nghèo khổ mà chỉ sợ sau này nếu có về bên kia, thì ai nuôi sẽ nuôi cháu đây. Hai mẹ con tôi vẫn luôn động viên nhau “mẹ con mình phải luôn sống và chết từ từ”…” nói rồi chị Gái khóc.

Hoàn cảnh hai mẹ con nhà chị Gái rất thương tâm, cuộc sống của họ đang rất cần được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa.



Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Nguyễn Thị Gái ở thôn Thượng Ngạn 1, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Mã số 58

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu
Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip




Thanh Tuyển – Bùi Liên