PGS. Văn Như Cương: "Cần bảo vệ thí sinh quay clip thi gian dối"

07/06/2012 06:15
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tôi cho rằng đấy là môt hành động dũng cảm. Cần phải bảo vệ những con người dũng cảm như vậy thì cái xấu mới bị đẩy lùi, bởi việc quay clip là nhằm mục đích tốt".
Như Báo GDVD đưa tin hôm qua 6/6, đoạn clip dài 3 phút 52 giây quay lại cảnh thí sinh ở Hội đồng thi Đồi Ngô (huyện Lục Nam, Bắc Giang) thản nhiên chép bài thi tốt nghiệp môn Hóa 2012 mà giám thị làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra. Clip này một lần nữa khiến độc giả khắp cả nước nhớ tới tên Người đương thời Đỗ Việt Khoa - một thầy giáo nổi tiếng chống gian lận thi cử. Điều khá đặc biệt là trước kỳ thi tốt nghiệp 2 ngày, thầy Đỗ Việt Khoa đã lên tiếng cảnh báo "Bộ Giáo dục đừng hứa quyết tâm làm gì".
Sau khi clip này được đăng tải, hàng nghìn bạn đọc đã bày tỏ sự lo lắng về một nền giáo dục nước nhà vẫn chưa thoát khỏi "cơn bạo bệnh tiêu cực thi cử". Và clip này một lần nữa giống như tiếng mìn xé toang sự im lặng của một số người trong cơ quan quản lý ngành giáo dục, nhất là những tiêu cực được thầy Đỗ Việt Khoa đánh giá là "có tính hệ thống chứ không phải vài trường đơn lẻ".

Ảnh thí sinh chép bài thi môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang)
Ảnh thí sinh chép bài thi môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang)

Vấn đề đặt ra ngay lúc này là những giáo viên, thí sinh tham dự kỳ thi này đã dũng cảm ghi lại những hình ảnh tiêu cực sẽ được bảo vệ thế nào?
Đa số bạn đọc của Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần phải có các biện pháp bảo vệ tuyệt đối với những giáo viên, thí sinh dũng cảm thực hiện việc này. Họ biết đây là việc nguy hiểm trực tiếp cho chính mình, nhưng vẫn thực hiện, đó là vì nền giáo dục nước nhà. Nếu không có những clip tiêu cực như thế này được công bố thì có lẽ nhiều người (nhất là các quan của ngành giáo dục) sẽ nghiễm nhiên phát biểu rằng kỳ thi tốt nghiệp 2012 thành công, phao thi hạn chế tối đa, tiêu cực vẫn còn những ít... và vô vàn những phát ngôn kiểu như vậy.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác biệt. Trong một trả lời đăng trên Báo Dân trí, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng nói: "Nếu đúng có hiện tượng giám thị ném phao vào phòng thi thì có thể bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ cho việc bỏ qua vi phạm của thí sinh quay clip. Chuyện chống tiêu cực có nhiều biện pháp chứ không thể dùng một biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực. Bởi nếu chúng ta chấp nhận hành động đó sẽ có nhiều người lợi dụng để vi phạm, xã hội sẽ không có kỷ cương. Không thể nói tôi vi phạm pháp luật để tôi chống tiêu cực được".

Sau khi biết những thông tin gian lận thi cử ở Lục Nam, Bắc Giang và phát biểu của ông Đào Trọng Thi, PGS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh nói với Giáo dục Việt Nam: "Sáng nay, tôi có đọc trả lời của ông Đào Trọng Thi, nhưng quan điểm của tôi thì khác. Tôi cho rằng đấy là một hành động dũng cảm. Cần phải bảo vệ những con người dũng cảm như vậy thì cái xấu mới bị đẩy lùi, bởi việc quay clip là nhằm mục đích tốt. Họ biết rằng những việc làm ấy nguy hiểm, và có thể hại cho chính bản thân mình, nhưng đã làm, vì thế cần phải nhìn thấy bản chất của nó chứ không nên máy móc bắt các thí sinh kia là phạm luật và phạt họ thật nặng".

PGS.Văn Như Cương: "Việc quay clip là nhằm mục đích tốt"
PGS.Văn Như Cương: "Việc quay clip là nhằm mục đích tốt"


Cũng theo PGS.Văn Như Cương, nếu chúng ta không bảo vệ người dũng cảm, mà lại khép họ vào tội này tội khác, trong khi biết rõ hành động này không phải vì vụ lợi cho cá nhân thì chẳng còn ai muốn đấu tranh với cái xấu nữa.

"Tôi lấy thí dụ, bây giờ tôi dừng đèn đỏ và nhìn thấy kẻ ăn cướp, thế là phóng xe qua đèn đỏ bắt cho được kẻ này. Vậy tôi có bị phạt vi phạm luật giao thông không? Nếu phạt, thì thật bi hài. Một thí dụ khác, tôi biết lãnh đạo cơ quan mình gian dối. Tôi lẻn vào phòng ông ta lấy được tài liệu gian dối ấy để công bố. Vậy tôi có bị quy kết là trộm cắp tài sản riêng không? Nếu bị như vậy, thật đau xót. Cho nên, cho dù những thí sinh ở Lục Nam, Bắc Giang có bị coi là vi phạm quy chế thi với chiếc máy quay mang vào phòng thì cũng chỉ nên dừng ở mức xử lý thật nhẹ nhàng mà thôi", PGS. Văn Như Cương bày tỏ.

Ngoài ra, khi nói về vấn đề tiêu cực trong các đợt thi tốt nghiệp THPT đã xảy ra nhiều năm nay, vị giáo sư đáng kính cũng đặt ra một câu hỏi đã cũ, nhưng vẫn còn nguyên đó tính thời sự: "Vì sao tiêu cực? Câu trả lời duy nhất là làm không nghiêm thôi. Hãy nhìn sang các kỳ thi đại học mà xem, rất nghiêm túc. Vậy tại sao thi tốt nghiệp thì dối trá? Đó là do những con người làm công tác tổ chức ở địa phương mà ra, cần phải xử lý mạnh tay thì sẽ không còn ai dám nhăm nhe gian lận".

PGS.Văn Như Cương cũng bày tỏ quan điểm rằng, Bộ GD&ĐT nên xem lại cách tổ chức thi tốt nghiệp hiện nay. "Theo tôi, nên tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hơn, chứ không nên căng thẳng quá như vậy, nó khiến biết bao gia đình vất vả mà suy cho cùng hiệu quả chúng ta đạt được lại không cao, không lấy gì làm vẻ vang. Một năm, hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học gần nhau, làm tốn kém rất nhiều tiền của. Năm nay, đề thi tốt nghiệp đã nhẹ hơn, ấy thế mà vẫn cứ có tiêu cực, mà lại là tiêu cực có liên quan đến nhiều người thì rõ ràng là cần xem lại khâu tổ chức".


Ngọc Quang