'Cần đưa học sinh quay clip ném phao thi vào Ban chống tham nhũng'

08/06/2012 06:22
Độc giả Lê Thanh Phong
(GDVN) - "Chúng ta đang tìm cách chống các tiêu cực trong xã hội và vận động người ta tố cáo tiêu cực, ở đây người tố cáo lại là người vi phạm quy chế. Thử hỏi có phải là một nghịch lý không?!...Theo tôi, học sinh quay clip này rất dũng cảm, nên tuyên dương, thậm chí sau này có thể chọn những người như thế vào ban chống tham nhũng...", độc giả Lê Thanh Phong bày tỏ.
Xung quanh các đoạn clip ghi lại hình ảnh các thí sinh nhốn nháo chép bài, giám thị thay vì nghiêm túc thì lại thờ ơ để mặc thí sinh thả sức gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) vừa qua do chính một thí sinh dự thi quay lại, tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.

Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải bài viết của độc giả Lê Thanh Phong với nội dung cho rằng, việc quay clip của học sinh đó tuy đã vi phạm qui chế nhưng nó thể hiện sự dũng cảm, cương quyết, đương đầu với cái xấu, cái tiêu cực. Đó là hành động nên tuyên dương và có lẽ các cơ quan chức năng nên xem xét sửa đổi lại qui chế cho phù hợp... Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Ảnh thí sinh chép bài thi môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang)
Ảnh thí sinh chép bài thi môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang)

Những ngày qua cùng với dư luận cả nước, tôi đã theo dõi rất kỹ những đoạn clip ghi lại hình ảnh các thí sinh nhốn nháo chép bài, giám thị thay vì nghiêm túc lại thờ ơ để mặc thí sinh thả sức gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), do chính một thí sinh dự thi tại đây ghi lại.
Quả thực, sau khi xem xong những hình ảnh này, tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác cũng cảm thấy rất bức xúc, thậm chí là phẫn nộ trước các hành động hết sức phản giáo dục như vậy. Những hình ảnh nhốn nháo này lại làm cho tôi nhớ lại cảnh trường thi của nhiều năm về trước, khi mà chính các thầy giáo đã từng công bố với dư luận đã thu gom được tới hàng kg "phao" sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và ở đây, với những clip được công bố này dường như đã cho thấy, công cuộc "hai không", chống bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử mà ngành giáo dục đã và đang cố gắng thực hiện vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn, "căn bạo bệnh trong thi cử" vẫn đè nặng lên không ít đơn vị giáo dục ở các địa phương. Tỷ lệ học sinh theo học đỗ tốt nghiệp thật cao phải chăng vẫn là thước đo để đánh giá, so sánh giữa các trường và cũng là để tạo niềm tin với phụ huynh, lãnh đạo? Có lẽ chỉ có như vậy, nên việc bằng mọi giá, kể cả bằng cách thực hiện những hành vi phản giáo dục để hướng tới tỷ lệ đó vẫn là mục tiêu hướng tới của không ít trường, địa phương. Có người đã nói với tôi rằng, các clip được đưa ra lúc này như một tiếng chớp sáng chói, xé toang màn đêm đen tối của những im lặng với bệnh thành tích, tiêu cực vẫn đang ăn sâu không chỉ ở các cơ sở đào tạo mà còn ở chính không ít người lãnh đạo ngành giáo dục. Một vấn đề mà không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người khác thấy cần phải đặt ra ngay lúc này, đó là những hình ảnh tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua lại do chính một thí sinh tham dự trong kỳ thi đã dám băng qua "rào càn qui chế" để ghi lại. Như một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã trả lời trên báo chí và cho rằng, mặc dù có công quay lại và nêu ra các tiêu cực trong kỳ thi tại Hội đồng thi này nhưng xét trên qui chế thi hiện hành thì thí sinh này đã vi phạm vào qui chế khi mang và sử dụng điện thoại trong phòng thi. Dù có công ở một mặt nhưng mặt khác vẫn phải xử lý để giữ nghiêm qui chế. Với quan điểm cá nhân của mình, theo tôi, hiện nay chúng ta đang bàn về cách chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và đang vận động người ta tố cáo tiêu cực, vậy thì ở đây người tố cáo lại là người vi phạm quy chế. Thử hỏi có phải là một nghịch lý không ?!
Hội đồng thi THPT Dân lập Đồi Ngô có 12 phòng thi, với gần 300 thí sinh
Hội đồng thi THPT Dân lập Đồi Ngô có 12 phòng thi, với gần 300 thí sinh

Tôi cho rằng, ở đây chúng ta nên có sự nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, thấu đáo trong trường hợp này. Hành động của thí sinh đó là một hành động dũng cảm, dù biết nguy hiểm, có thể hại cho bản thân nhưng cậu ta vẫn làm, đó là điều đáng được trân trọng. Chúng ta cần phải bảo vệ những người như thế. Ở đây, nên chăng, ngành giáo dục cần sớm nghiên cứu, sửa đổi lại qui chế thi cử để sao cho phù hợp hơn với thực tế. Chúng ta không khuyến khích việc mang các thiết bị nghe nhìn vào trường thi nhưng cần có một cơ chế tốt hơn để sao cho những hành động phản giáo dục như tại Hội đồng thi này phải được thông tin một cách kịp thời với những cơ quan có trách nhiệm để xử lý. Và những người đứng ra phát hiện, ghi lại và tố cáo các hành động đó như trong trường hợp này phải được bảo vệ, đảm bảo quyền lợi, được miễn trừ ở một số lỗi nhất định... Có như vậy, chúng ta mới khuyến khích được việc phát giác, tố cáo tiêu cực. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu không có được những video clip thật đến như thế này, thì khó có ai sẽ đứng ra nhận là mình đã sai, đã có lỗi.  Tôi cũng mạo muội nghĩ rằng, nếu cứ để như hiện nay thì, không khéo dư luận lại cho rằng ngành giáo dục nói chống tiêu cực như vậy nhưng thật ra là không muốn ai tố cáo việc tiêu cực trong thi cử của mình. Như đã nói ở trên, theo tôi, học sinh quay clip này thật sự rất dũng cảm, nên tuyên dương và nếu thậm chí sau này có thể tuyển chọn những người như thế vào ban chống tham nhũng thì càng tốt. Mọi ý kiến xin mời gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc quí độc giả cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Lê Thanh Phong