GS Phạm Sỹ Tiến: "HS quay Clip cần được tuyên dương như thầy Khoa"

08/06/2012 06:03
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - "Một em học sinh chủ ý ghi lại chứng cứ để phát hiện tiêu cực thì việc phát hiện tiêu cực cũng đáng được khen ngợi chứ. Thầy Khoa đã không bị kỷ luật thì có nên kỷ luật học sinh này không?", GS. Phạm Sỹ Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ sau Đại học chia sẻ quan điểm về vụ clip gian lận thi cử ở Bắc Giang.
Thầy Khoa được tuyên dương thì em này cũng cần thế 

Thưa GS Phạm Sỹ Tiến, là người từng giữ chức vụ cao trong ngành Giáo dục Việt Nam, ông đã từng chứng kiến cảnh gian lận thi cử được phanh phui? Và đã có cách giải quyết như thế nào thưa ông?
GS. Phạm Sỹ Tiến: Một trong những vụ bê bối thi cử lớn nhất được phanh phui xảy ra tại Hà Tây (cũ) năm 2006 đã làm cả nước xôn xao. Vụ đó tương tự vụ tiêu cực lần này. Vụ tiêu cực tại Hà Tây cũ đã được thầy giáo Đỗ Việt Khoa phanh phui bằng điện thoại di động của mình. 
Những người lãnh đạo giáo dục địa phương khi đó đã dọa dẫm, dự định kỷ luật thầy giáo Khoa vì tội đã phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi hay khu vực thi. May mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã vào cuộc kịp thời, không những không kỷ luật mà còn tuyên dương thầy Khoa.

Bộ trưởng còn tặng thầy Khoa cuốn sách "Bác Hồ với giáo dục" cùng lời đề tặng: "Thân tặng thầy Đỗ Việt Khoa. Cảm ơn thầy và chúc thầy luôn giữ vững cái Nhân của người Việt Nam, cái Nghĩa của phận làm cha, cái Đức của nghiệp làm thầy" cùng với một chiếc bút và câu nói rất ý nghĩa: "Người thầy giáo, cái bút là cái luôn gắn với mình, viết hay không viết thì cũng là cái thể hiện". Và từ đó Bộ trưởng phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong giáo dục”. 

NHỮNG HÌNH ẢNH GIAN LẬN THI MÔN TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐỒNG NGÔ, LỤC NAM, BẮC GIANG

Ảnh thí sinh chép bài thi môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang)
Ảnh thí sinh chép bài thi môn Hóa tốt nghiệp 2012 tại Hội đồng thi Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang)

Thưa ông, hiện thí sinh quay clip về tiêu cực tại Hội đồng thi Đồi Ngô, Bắc Giang đang rất hoang mang vì sợ bị đánh trượt thi tốt nghiệp. Theo ông nên xử lí trường hợp như thế nào?

GS. Phạm Sỹ Tiến: Khi được xem mấy clip gian lận đó tôi đã có suy nghĩ không hiểu em học sinh quay clip đó có bị trường và hội đồng thi làm khó dễ gì trong tốt nghiệp không? Trong bản tin phát trên VTV chiều ngày 06/6 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thông báo sẽ xử lý nghiêm vấn đề tiêu cực của hội đồng thi và xử lý học sinh phạm quy chế.

Tôi nghĩ rằng, một em học sinh chủ ý ghi lại chứng cứ để phát hiện tiêu cực cũng đáng được khen ngợi chứ. Chúng ta nên chú ý đến mục đích tích cực khi em này vi phạm quy chế. Nên cần tuyên dương hành động tố cáo tiêu cực, còn việc phạm quy chế thi thì nên xem xét một cách có tình có lý. 

Đành rằng quy định là không được mang các phương tiện nghe nhìn vào phòng thi, nhưng nếu em đó không có phương tiện thì sao có thể tố giác các hành vi gian dối của một hội đồng thi. Hơn nữa, nhiều ý kiến phản ảnh cho biết hiện tượng tiêu cực tại Đồi Ngô đã xảy ra nhiều lần. Thầy Khoa đã không bị kỷ luật thì có nên kỷ luật học sinh này không? 
Về kết quả thi, nếu em học sinh này không sử dụng thiết bị kỹ thuật phục vụ làm bài thi thì hoàn toàn có thể coi việc làm của em không liên quan đến kết quả các môn thi. Hội đồng thi cứ chấm thi bình thường, rọc phách, đảm bảo chấm thi khách quan đối với em học sinh này giống như các học sinh khác, không vội vì hành động mang thiết bị theo để trừ điểm.

CHẤN ĐỘNG VÌ CLIP GIAN LẬN MÔN TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐỒI NGÔ, BẮC GIANG

Hình như phong trào chống tiêu cực chưa đi đến đâu

GS Phạm Sỹ Tiến: "HS quay Clip cần được tuyên dương như thầy Khoa" ảnh 2

"Sau vụ clip gian lận thi cử ở Bắc Giang, nhiều trường sẽ tinh vi hơn"

Thí sinh quay clip ném phao thi: 'Em sợ bị đánh trượt'

Thí sinh quay clip ném phao thi: 'Em sợ bị đánh trượt'

PGS. Văn Như Cương:

PGS. Văn Như Cương: "Cần bảo vệ thí sinh quay clip thi gian dối"

Thưa ông phong trào nói không với tiêu cực đã diễn ra được 6 năm, tuy nhiên một lần nữa dư luận lại bàng hoàng vì tiêu cực vẫn đang xảy ra. Ông đánh giá như thế nào về phong trào này, liệu rằng nó có thực sự đạt kết quả và đi vào cuộc sống?


GS. Phạm Sỹ Tiến: Sau khi vụ tiêu cực trong thi cử tại Hà Tây bị phanh phui, tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu chấn chỉnh nạn dạy thêm học thêm, bệnh thành tích, đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải có hành động quyết liệt để đẩy lùi những tiêu cực trong giáo dục. Thế nhưng 6 năm đã trôi qua kể từ ngày phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong giáo dục”, nhưng tiêu cực tương tự Hà Tây cũ vẫn xảy ra. 

Tất nhiên là ta không nên quy kết, nhưng cũng có quyền nghi vấn: liệu những nơi khác không có học sinh dám quay clip như ở Bắc Giang thì sẽ không ai có chứng cứ để tố cáo hành vi gian lận trong thi cử, sao có thể tin ở nơi khác không có hành vi gian lận? Vì vậy mà tôi vẫn luôn đặt ra câu hỏi rằng liệu kết quả của phong trào chống tiêu cực trong giáo dục đã đạt được đến đâu? 

Theo ông thì nguyên nhân từ đâu dẫn đến hiện tượng tiêu cực vẫn còn đất sống trong nền giáo dục Việt Nam?

GS. Phạm Sỹ Tiến: Nếu đi tìm nguyên nhân dẫn đến tiêu cực thì có thể phát hiện nhiều điều, nhưng mấy nguyên nhân chính quy tụ như sau:

Một là, bệnh thành tích vẫn còn trầm trọng trong giáo dục, không hề suy giảm, hành vi lộ liễu như vụ thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi Đồng Ngô, Bắc Giang chỉ là hiện tượng có thể nhìn thấy, nhưng còn nhiều tiêu cực tinh vi khó lộ diện xảy ra ở nhiều cấp, nhiều trường học, cả trong lãnh đạo cơ sở giáo dục cũng như giáo viên.

Hai là, sự buông lỏng kỷ cương của cơ sở giáo dục, hội đồng thi, sự coi thường kỷ cương pháp luật của một số giảng viên cũng như lãnh đạo trường mà chưa bị xử lý một cách thích đáng. 

Ba là, cách kiểm tra, thanh tra hiện nay còn chung chung. 

Theo ông, với hiện tượng tiêu cực này trách nhiệm thuộc về ai?

GS. Phạm Sỹ Tiến: Tôi nghĩ rằng trách nhiệm trước hết thuộc về ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Toàn xã hội cần phải chung tay, góp sức mới đẩy lùi được nạn tiêu cực trong giáo dục được. Và cũng cần nhiều hơn nữa những người dám đứng lên chống tiêu cực như thầy Khoa hay em học trò ở Bắc Giang.

Và trước tiên hãy nghiêm túc kiểm điểm xem có phải chỉ ở hội đồng thi Đồi Ngô, Bắc Giang xe biển xanh có đến nhưng chỉ loáng thoáng bên ngoài? Khi bị phát hiện có lộn xộn, tiêu cực thì đoàn thanh tra, kiểm tra có bị kỷ luật gì không? Chúng ta cần có cơ chế kiểm tra, thanh tra của quần chúng tích cực mới mong có một nền giáo dục trong sạch và phát triển được.Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

ĐÁP ÁN 6 MÔN THI TỐT NGHIỆP


Bích Thảo (Thực hiện)