Những sinh viên có nghị lực "xương rồng" (Bài 1)

08/06/2012 14:54
Minh Phúc, lớp Báo in k29a2, HV BC&TT
(GDVN) - Trên khắp dải đất hình chữ S vẫn còn không ít gia cảnh đau thương, và các em học sinh là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Cuộc sống bần hàn, khổ cực, cùng áp lực tinh thần đè nặng đã dẫn bước nhiều em đi lầm đường lạc lối. Nhưng, giống như sức sống mãnh liệt của loài xương rồng trên sa mạc, vẫn có nhiều học sinh dũng cảm chiến đấu với nỗi đau số phận để vươn tới giảng đường đại học. Những gương sáng giáo dục ấy đáng được tuyên dương và ngợi ca để cộng đồng học tập. Đó là duyên cớ để một nam sinh báo chí như tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm những sinh viên vượt khó học giỏi.

Bài 1: Chàng sinh viên vẽ lên bức tranh khát vọng bằng nghị lực

Địa chỉ đầu tiên tôi hướng tới là thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Gia cảnh khó khăn, bố thường xuyên ốm yếu, mẹ mắc ung thư di căn, chị gái bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phải bán nhà để chữa bệnh. Nhưng, bằng nghị lực phi thường, người con trai út Đỗ Khắc Quỹ vẫn phấn đấu vươn lên để chinh phục giảng đường đại học.
Bán cả nhà để chữa bệnh
Phải đến tận nơi thì mới thấu hiểu được gia cảnh của Quỹ lay lắt đến nhường nào. 4 thành viên trong gia đình em đang ở nhờ nhà chú Đỗ Viết Nho (em trai anh Đỗ Tiến Dũng – bố Quỹ) ở cùng thôn. Toàn bộ đất đai, nhà cửa đã bán hết sạch từ năm 2009 để chữa bệnh cho cô Nguyễn Thị Năm (45 tuổi) mắc bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối và em Đỗ Thị Hồng Thúy bị xuất huyết giảm tiểu cầu.

Ngôi nhà của gia đình em Quỹ trước đây đã bị bán từ năm 2009 để lấy tiền chữa bệnh cho cô Năm và em Thúy.
Ngôi nhà của gia đình em Quỹ trước đây đã bị bán từ năm 2009 để lấy tiền chữa bệnh
cho cô Năm và em Thúy.

Cô Năm ngồi trên giường, hai tay ôm bụng, mặt nhăn nhó bởi những cơn đau bệnh tật hành hạ, giọng thều thào tâm sự: “Vợ chồng tôi sinh được hai đứa con thì đứa nào cũng yếu ớt. Cái Thúy, chị thằng Quỹ mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ, cứ được năm bữa, nửa tháng chân tay nó lại nổi dày đặc những đốm xuất huyết tím ngắt dưới da, động làm việc mệt nhọc là lại chảy máu cam hoặc ngất và phải đưa đi bệnh viện truyền máu. Mỗi lần vào viện bố nó mang theo cả chục triệu đồng mà vẫn hết. Do cháu Thúy bị thiếu tiểu cầu trong máu trầm trọng nên nếu chảy máu là chảy rất nhiều và rất khó cầm huyết”.

Cô Năm vẫn còn nhớ như in lần đưa con mình đi cấp cứu 6 năm trước. Khi ấy lượng tiểu trong máu của Thúy gần như chạm đáy. Ông nội vào thăm nhìn thấy cháu mình không cầm được nước mắt, khóc rơi cả răng giả. Bệnh viện nhiều lần bảo trả về vì không cứu được nhưng chú Dũng lại van nài các bác sĩ tiếp tục điều trị, "khi nào cháu phải thở ô- xi chờ chết thì mới thôi". Cô Năm vì ngày đêm lo lắng cho con nên bị loét bờ cong nhỏ dạ dày và đại tràng.
Tưởng rằng những nỗi khổ sở của gia đình Quỹ đã đến tột độ. Nhưng bao nhiêu “tội nợ” vẫn chưa buông tha họ. Năm 2008, cô Năm xuất hiện một nốt nhỏ như đầu đũa ở ngực. Do chủ quan lại tiếc tiền đi viện nên cô không đi khám. Sau đó dần dần nốt u lan kín ngực, nách với mật độ dày đặc khiến cô đau nhức nhối. Khi đến bệnh viện K khám thì đã quá muộn vì cô bị ung thư vú ở giai đoạn di căn. Phải điều trị bằng hóa trị và thuốc thang rất tốn kém.

Đỗ Khắc Quỹ bên cạnh người mẹ đau yếu
Đỗ Khắc Quỹ bên cạnh người mẹ đau yếu

Nghe tin vợ mình mắc bệnh vô phương cứu chữa, chú Dũng ngất lên ngất xuống, sức khỏe suy sụp hoàn toàn. Nhiều khi đang ốm dở, chú vẫn cố nén mệt để gượng dậy chạy xe máy 30 km lên chợ lao động ở Đê La Thành. 
Quần quật vất vả cả ngày nhưng đồng lương ít ỏi không thể đủ để chữa trị cho vợ con nên chú Dũng đành nuốt nước mắt bán ngôi nhà mà gia đình đang ở cho một người cùng làng và chuyển sang ở nhờ nhà em ruột. Năm nay chú Dũng đã 47 tuổi nên không còn khỏe như trước. Khi tôi đến thăm, chú đang nằm đắp chăn co quắp trên giường vì tối hôm trước bị sốt 40 độ.

Quỹ tâm sự: “Em biết tin mẹ mắc ung thư di căn vào thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh THPT nên nó giống như một nghiệt chướng mà ông trời bắt tội. Mỗi khi nghe thấy tiếng rên rỉ vì đau đớn của mẹ, khuôn mặt khắc khổ, mệt mỏi của cha và thái độ mặc cảm, tự ti của chị, đầu óc em như muốn nổ tung ra, nhiều khi ngồi vào bàn học mà nước mắt rơi thấm đẫm trang giấy. 
Nhưng những lúc đó, em lại tự nhủ với lòng mình phải phấn đấu học thật tốt để thi đậu vào một trường đại học danh giá để an ủi tinh thần bố, mẹ, chị và kiếm được nhiều tiền chăm lo cho cả gia đình”.
Vượt lên gian khó
Có lần, cô Năm hỏi Quỹ: “Nếu nay mai bố mẹ khuất núi thì chị Thúy phải làm sao?”, Quỹ đã nói những lời khiến mẹ mình chảy nước mắt: “Bố mẹ đừng lo. Với con, đã là giọt máu chị em thì phải thương xót nhau. Dù có thế nào đi chăng nữa, con vẫn nuôi chị suốt đời. Bố mẹ tần tảo làm thuê làm mướn nuôi chúng con mà không may bây giờ chị và mẹ lại mắc bạo bệnh, là con trai trong gia đình thì con phải đứng vững để  thương bố, chăm mẹ, bao bọc chị”.
Từ ngày cô Năm và Thúy lâm bệnh nặng, không thể làm việc được, bố lên Hà Nội làm mướn, Quỹ phải thay mẹ và chị làm tất cả mọi công việc nặng nhọc. 4 sào ruộng của gia đình hầu như một mình em cáng đáng.

Cháu Quỹ hiếu thảo với bố mẹ và thương chị lắm! Cứ vào vụ lúa là cháu lại mò mẫm dưới ao làng xúc bùn rồi gánh về sân để bắc mạ; mượn trâu nhà tôi để cày bừa, cấy lúa, làm cỏ, phun thuốc sâu… Vào mùa thu hoạch, Quỹ lại vác liềm đi gặt, ôm lúa về nhà tuốt, phơi… Mùa nào trồng cây ấy, suốt ngày lầm lũi làm lụng vất vả, mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lấm lem, bụi bặm nhưng không khi nào thấy cháu Quỹ than phiền vất vả nửa lời. Có lần, cháu đang nhổ lạc ngoài đồng thì đột nhiên ngất, may mà lúc ấy tôi phát hiện nên bế cháu lên xe bò chở về trạm xá xã. Rõ khổ!” – Cô Nguyễn Thị Hiền - một người hàng xóm kể lại.

Chú Đỗ Khắc Dũng vì làm việc lao lực nên kiệt sức và ốm nặng
Chú Đỗ Khắc Dũng vì làm việc lao lực nên kiệt sức và ốm nặng

Vất vả là thế nhưng mỗi khi có thời gian rỗi là em lại đem sách vở mượn được của bạn ra học, nhiều khi thức đến tận 4 giờ sáng mà vẫn chưa nghỉ. Suốt 12 năm liền, Quỹ đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 12, em đạt giải nhì tỉnh môn Hóa.

TS. Nguyễn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm của Quỹ cho biết: “Quỹ là sinh viên có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Tháng nào em cũng phải vài ba đợt vào bệnh viện để chăm sóc chị hoặc mẹ đau yếu. Thời gian rảnh rỗi Quỹ lại làm thêm rất vất vả. Tuy nhiên, kỳ học vừa rồi, điểm học tập của em vẫn rất cao. Tấm gương vượt khó học giỏi của Quỹ đáng để mọi người khâm phục”.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, Quỹ đậu vào khoa Kế toán, Học viện Tài chính với điểm số 25,5. Thời gian rảnh rỗi, Quỹ lại theo bố ra chợ lao động trên đường Đê La Thành làm việc để kiếm thêm tiền trang trải việc học hành và đỡ đần gánh nặng cho bố. Người ta thuê em làm gì thì em làm cái đấy, từ việc thông bể phốt, đến chuyển đồ... Công việc nặng nhọc ban ngày đã vắt kiệt sức lực của Quỹ, nhưng khi về nhà, em  lại học bài đến tận khuya. Trong học kỳ I vừa qua, Quỹ đạt điểm trung bình là 7,7, cao thứ 2 trong lớp.

Cách đây 4 tháng, Quỹ bị viêm mi mắt trái nặng sau đó biến chứng thành u bã đậu. Sợ cả nhà lo lắng nên em đã tự đi khám rồi mổ mắt ở phòng khám tư. Tuy nhiên, vết mổ chưa hết nên lan sang mắt phải. Khi Quỹ báo cho gia đình thì mọi người tá hỏa. Cô Năm vừa tức giận vừa khóc vì thương con. Chú Dũng lại đèo con lên viện Mắt Trung ương để điều trị cho dứt điểm.
Hiện tại, gia đình Quỹ đang vay nợ số tiền trên 80 triệu đồng. Do nhà cửa đã bán sạch nên chỉ có thể vay được 15 triệu đồng vốn chính sách hộ nghèo và 10 triệu vay vốn sinh viên của Quỹ để trang trải phần nào cuộc sống và chữa bệnh. Cuộc sống của gia đình em đang đứng bên bờ vực thẳm. Nhưng tôi tin, một chàng trai giàu nghị lực như Quỹ sẽ vượt qua mọi sóng gió.


Rời xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, chiếc xe Dream Việt cà tàng lại dẫn tôi lên xã Hợp Đức, thôn Tiến Sơn 2, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đó có em Nguyễn Hữu Tài, dù cha mất sớm, mẹ bị tâm thần đã 10 năm, nhưng, em vẫn nỗ lực vươn lên để thi đậu Học viện Tài chính với những thành tích xuất sắc.

Bài 2: "Thầy giáo" học sinh và bảng thành tích vàng
Minh Phúc, lớp Báo in k29a2, HV BC&TT