Cần xử lý nghiêm người tiếp tay vụ gian lận thi tốt nghiệp ở Bắc Giang

08/06/2012 07:24
Độc giả Bùi Đình Phong
(GDVN) - Tôi không thể tin được hệ thống giáo dục nước nhà lại có thể tiêu cực đến mức như thế này. Vậy phong trào “hai không” đưa ra để làm gì hay chỉ là hô hào, là phong trào chứ không phải thực tế?

Gần đây, dư luận xôn xao clip học sinh THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thản nhiên quay cóp, trao đổi; giáo viên phát cho học sinh đáp án và làm ngơ trước hành vi gian lận trong thi cử. Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được không ít bức thư, lời bình luận của độc giả. Đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều, tâm trạng, ý kiến khác nhau về việc thực trạng con số, chất lượng tốt nghiệp của học sinh THPT trong những năm gần đây ở Việt Nam.

Báo GDVN xin trích đăng bức tâm thư của một độc giả - là một giáo viên nghỉ hưu, có gần 40 công tác trong ngành giáo dục về vụ việc này. Trong thư có bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở về chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay.

CHẤN ĐỘNG VÌ CLIP GIAN LẬN MÔN TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐỒI NGÔ, BẮC GIANG

Người mặc áo đỏ nhận lại "phao" từ thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang
Người mặc áo đỏ nhận lại "phao" từ thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang

Tôi là cựu giáo viên dạy văn của một trường THPT ở Hà Nội. Hơn 40 năm trong nghề, đứng trên bục giảng dạy dỗ học trò, cũng có nhiều niềm vui, nỗi buồn và có không ít có kỷ niệm, sự cố xảy ra trong nghiệp giáo. Đến bây giờ tôi vẫn luôn tự hào vì làm một người thầy, mang chữ đến cho học trò. 

Nhưng, vấn đề tiêu cực trong thi cử, đặt năng thành tích vẫn luôn khiến tôi đau đầu. Phong trào “hai không”, chống bệnh thành tích đã được phát động hơn 5 năm nay nhưng tác động của nó đến ý thức học và thi của học sinh thì chẳng đáng là bao. Tôi không thể tin được hệ thống giáo dục nước nhà lại có thể tiêu cực đến mức như thế này. Vậy phong trào “hai không” đưa ra để làm gì hay chỉ là hô hào, là phong trào chứ không phải thực tế?


CHÙM ẢNH: THÍ SINH CHUẨN BỊ PHAO THI Ở HÀ NỘI

Cần xử lý nghiêm người tiếp tay vụ gian lận thi tốt nghiệp ở Bắc Giang ảnh 2

"Sau vụ clip gian lận thi cử ở Bắc Giang, nhiều trường sẽ tinh vi hơn"

PGS. Văn Như Cương:

PGS. Văn Như Cương: "Cần bảo vệ thí sinh quay clip thi gian dối"

Trong gần 40 năm làm nghề giáo, tôi cũng đã được điều động đi coi thi, tiêu cực từng nhìn thấy, nhưng không đáng kể và cũng chỉ là những hành động xuê xoa cho thí sinh. Tuy nhiên, việc cán bộ coi thi làm cả hệ thống đáp án, phô tô mang vào phòng thi phát cho học sinh chép và ngang nhiên thu lại phao, đáp án thì khó có thể tin được. Bất bình và đáng lo!

Không những thế, ở hội đồng thi Đồi Ngô, người ta còn tổ chức giải đề, tiến hành phô tô ngay trong trường rồi đưa cho nhân viên trong trường phát cho thí sinh ở các phòng thi… thì quả là khó tin, khó chấp nhận được. Người coi thi ngồi cố tình “lơ” đi các học sinh tha hồ nhìn bài nhau, bàn tán nhau và cầm phao chép. Khi nhìn thấy những hình ảnh ấy, tôi thấy xót xa. Tôi buồn cho phong trào chạy theo thành tích của giáo viên, của nhà trường, và thất vọng cho những nỗ lực cải cách đẩy lùi tiêu cực giáo dục của Nhà nước ta.

“Một con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là chuyện bình thường, ở nơi nào cũng xảy ra tình trạng như vậy đâu chẳng riêng gì ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Lục Ngạn, Bắc Giang và xảy ra trong nhiều năm nay. Clip này khiến tôi nhớ lại clip gian lận trong thi cử được thầy Đỗ Việt Khoa ghi lại tại Phú Xuyên năm 2006 và công bố, gây chấn động ngành giáo dục. Đấy là bài học cho nền giáo dục nước nhà, đó không nên chỉ là “một hạt muối bỏ biển” mà hy vọng tất cả mọi người chung tay có ý thức trong việc chống tiêu cực trong giáo dục.

Thực sự, tôi dám chắc nhiều bậc phụ huynh xem xong clip đó cũng thấy buồn và bất ngờ vì lòng tin vào chất lượng giảng dạy và học, đâu mới là thực chất của thành tích trong học tập, giáo dục nữa. Thật giả lẫn lộn, khó đoán. Con của họ vừa vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, có người sẽ thở phào nhẹ nhõm vì con họ “học thật thi thật”, nhưng vài người sẽ nghĩ rằng liệu phòng thi của con mình có như ở Đồi Ngô, Bắc Giang hay không. Niềm tin vào cải cách giáo dục nước nhà, sự minh bạch, công khai, thực chất trong thi cử, học tập, phong trào “hai không”, khẩu hiệu chống bệnh thành tích giáo dục… có thể vẫn nằm trên giấy, ở trên miệng?

Là một người giáo viên đã về hưu, hàng ngày tôi vẫn đọc báo và theo dõi thông tin trên truyền hình, tôi vẫn mong những hành vi tiêu cực trong giáo dục sẽ được nghiêm trị xử lý, loại bỏ hoàn toàn để không ảnh hưởng đến những thế hệ sau. Hành động chống tiêu cực là đáng hoan nghênh, biểu dương. Đó thể hiện sự dũng cảm, đặc biệt là từ một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như em này. Thiết nghĩ, liệu trong chúng ta có ai đủ quyết tâm, chí khí làm như thế? Chứ không phải lên án, chê trách hay xử lý “lấy tiêu cực để chống tiêu cực” của học sinh này.

Và cần thiết là phải xử lý và loại bỏ tất cả những người đã mang phao vào cũng như những người giải đề vì mục đích này ra khỏi ngành giáo dục để ngăn chặn kịp thời sự lan truyền hành vi xấu, bệnh thành tích trong giáo dục. 

Hy vọng rằng những lời tâm huyết này của người đã từng đứng giảng trong nhiều năm có thể đến được với Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận với mong muốn nước ta có một nền giáo dục nước nhà thực chất, chất lượng và trong sạch.

ĐÁP ÁN 6 MÔN THI TỐT NGHIỆP THPT 2012


Độc giả Bùi Đình Phong