Những người chống tiêu cực thường thiệt thòi

09/06/2012 06:59
Kim Ngân (thực hiện)
(GDVN) - “Việc chống tiêu cực trong thi cử không thể là nhiệm vụ của các em. Việc chống tiêu cực là nhiệm vụ của hội đồng thi và là trách nhiệm của ngành giáo dục… Đó là một trong những tình tiết giảm nhẹ để xem xét hành vi kỷ luật đối với học sinh này”.

Báo chí đang xôn xao về những sai phạm quy chế thi ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc học sinh mang bút quay vào phòng thi để ghi lại hình ảnh lộn xộn quay cóp, giáo viên thu phát lời giải có bị xử lý như thế nào, pháp luật bảo vệ quyền lợi, tính mạng của em như thế nào trong việc “lấy tiêu cực chống tiêu cực” ra sao.

Để trả lời cho những câu hỏi ấy, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Phượng Hoàng).

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Phượng Hoàng)
Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Phượng Hoàng)

- Thưa luật sư, nếu xét về mặt luật pháp thì thí sinh mang máy quay vào trong phòng thi có vi phạm luật không?

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp: Theo quy định của quy chế thi được ban hành kèm theo thông tư số10/2012/TT-BGDĐT, ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì thí sinh chỉ được phép mang vào các vật dụng quy định tại điều 20, ngoài những vật dụng theo quy định tại điều 20 thì thí sinh không được phép mang bất kỳ các vật dụng nào vào phòng thi.

Tại Điều 20 quy định: Các vật dụng được mang vào phòng thi

Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi:

1. Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử;

2. Máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản;

3. Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

Như vậy nếu mang bất kỳ vật dụng nào ngoài quy định tại điều 20 này đều là vi phạm quy chế thi, và theo quy định tại khoản 2 điều 43 thì hành vi trên sẽ bị xử lý đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi. 

- Trường hợp này máy quay học sinh này mang vào phòng thi là máy quay mini chứ không phải điện thoại, không có màn hình, chỗ cắm phone, nên không dung để quay cóp được. Vậy thí sinh này có được được coi là vi phạm không thưa ông?

PGS Trần Xuân Nhĩ: Gian lận thi cử do đạo đức của người thầy xuống cấp

PGS Trần Xuân Nhĩ: Gian lận thi cử do đạo đức của người thầy xuống cấp

Chùm ảnh: Giám thị ngồi

Chùm ảnh: Giám thị ngồi "vắt chân chữ ngũ" nhìn thí sinh gian lận

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp: 
Khi áp dụng những quy định của pháp luật ta phải xét từng trường hợp cụ thể để xem xét giảm nhẹ, có thể quy chế thi năm nay chưa quy định cụ thể về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ để xử lý hành vi vi phạm nhưng có thể áp dụng các quy định tương tự pháp luật.
Thứ nhất, ta thấy rằng vật dụng có thể làm phát sinh tiêu cực trong thi cử thì rõ ràng việc xử lý nghiêm là điều mà chúng ta mong muốn. Trong trường hợp chiếc máy quay chỉ là phương tiện lưu giữ hình ảnh thì không thể làm phát sinh tiêu cực trong làm bài thi được vì máy quay không có chức năng thu phát sóng hay có thể trợ giúp thị sinh làm bài thi. Như vậy có thể xem máy quay như là vật dụng đồng hồ hay chiếc khăn tay mặc dù không được quy định cho phép theo điều 20 của quy chế thi, nhưng thí sinh vẩn thường dùng và thông thường chúng ta vẫn không xử lý vi phạm. 
Thứ 2, xét về mục tiêu, có thể nói mục tiêu của em học sinh là vì lợi ích chung của nền giáo dục, em làm việc này trước hết xuất phát từ việc làm không nghiêm túc hội đồng thì, và em tự thấy rằng mình có trách nhiệm để đấu tranh chống tiêu cực, đây là hành vi dũng cảm.
Thứ 3, hành vi của em thực hiện trong giai đoạn cả xã hội chúng ta đang quan tâm đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, nhưng chúng ta vẫn còn đang thiếu đi những con người giám nhìn thẳng, nói thật, và lúc này có thể nói chúng ta đang rất cần những con người như em để thực hiện được mục tiêu chống tiêu cực trong thi cử.

Do vậy theo tôi có thể xem đây là những tình tiết giảm nhẹ để xem xét hành vi kỷ luật đối với em. Tôi tin cơ quan giáo dục sẽ có cách xử lý kỷ luật phù hợp đối với em.
- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nói rằng: 'Không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực' Thí sinh mang các phương tiện ghi hình vào phòng thi là vi phạm quy chế thi. Khi sử dụng nó, tức là thêm một lần vi phạm. Là người hành nghề luật sư lâu năm, ông có thể đưa ra ý kiến về vấn đề này?

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp: Việc chống tiêu cực trong thi cử không thể là nhiệm vụ của các em. Việc chống tiêu cực là nhiệm vụ của hội đồng thi và là trách nhiệm của ngành giáo dục. Hành vi của em xuất phát từ việc không hoàn thành nhiệm vụ từ hội đồng thi và em thấy rằng mình phải có trách nhiệm đấu tranh vì những việc tiêu cực trong thi cử, theo tôi học sinh này thật sự là người dũng cảm, em biết hy sinh vì lợi ích của bản thân để đấu tranh lợi ích chung cho ngành giáo dục và cho xã hội. 

Học sinh này đã nhận được giấy triệu tập của công an và đang rất lo lắng, hoang mang về việc cơ quan chức năng gây khó dễ, bài thi có thể bị hủy, thậm chí còn bị trả thù. Vậy, luật sư có thể cho biết  về cơ chế của pháp luật hiện nay trong việc bảo vệ học sinh tố cáo tiêu cực?

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp: Việc xử lý hành vi của em chỉ trong phạm vi quy chế thi, vì thế tôi tin rằng không một cơ quan pháp luật nào can thiệp để có thể gây khó dễ cho em, việc cơ quan điều tra triệu tập trong trường hợp này chỉ để xác minh về nội dung em có phải là người quay đoạn video trên. 

Và về tâm lý của em nếu có chút hoang mang hoặc lo lắng theo tôi đó là diễn biến tâm lý bình thường của em, điều đó càng chứng minh em là người thánh thiện, trong sáng. 

- Vậy theo ý kiến của luật sư, liệu luật pháp chúng ta có nên quy định thêm về vấn đề lợi ích của những người dũng cảm đứng ra tố cáo như em học sinh này?

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp: Chúng ta đang bàn về vấn đề chống tiêu cực trong thi cử, điều này phải có cái nhìn thật khách quan, quan điểm của tôi là trách nhiệm của thí sinh là làm bài thi tốt, còn trách nhiệm của hội đồng thi là đảm bảo kỳ thi có sự đánh giá công bằng cho các thí sinh, để làm được điều đó thì kỳ thi phải không có tiêu cực.

Chúng ta nên quy định cho phép tham gia của các cơ quan chống tiêu cực khác vào tham gia hội đồng thi, ví dụ như cơ quan báo chí, hoặc thanh tra nhà nước, và áp dụng các biện pháp kỳ thuật để lưu lại các diển biến của kỳ thi. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn các em sẽ không phải hy sinh bản thân để tố cáo tiêu cực đó là biện pháp theo tôi là hữu hiệu nhất.

- Và xin luật sư có thể dẫn dụ vài luật quy định bảo vệ người tố cáo tiêu cực?

Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp: Về pháp luật chúng ta đã có rất nhiều quy định để bảo vệ người chống tiêu cực, như luật phòng chống tham nhũng, luật báo chí, Luật khiếu nại tố cáo, ….., luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên nhìn chung thì những người chống tiêu cực thường bị thiệt thòi. 


Kim Ngân (thực hiện)