QH cần giám sát đặc biệt tập đoàn nhà nước

09/06/2012 07:35
Chính phủ cần tạm dừng ngay việc thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước, kiểm kê lại vốn, tài sản nhà nước tại tất cả tập đoàn kinh tế nhà nước xem còn bao nhiêu, lỗ và thất thoát bao nhiêu.
“Quốc hội (QH) cần đặt tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐ) dưới sự giám sát đặc biệt của QH, đôn đốc Chính phủ thực hiện nghiêm các yêu cầu sau giám sát, tăng cường sử dụng công cụ kiểm toán để nâng cao hiệu quả giám sát và đưa dự án Luật Kinh doanh vốn Nhà nước vào chương trình chính thức của năm 2013. Vì càng để chậm ngày nào thì càng khó quản lý số vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) ngày đó”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị như vậy trong phiên thảo luận tại hội trường về đề án Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế vào ngày 8-6.

Cử tri mất lòng tin vào các ông lớn

Theo bà Nga, hiện nay hành lang pháp lý riêng cho TĐ còn khá sơ sài, về cơ bản chưa được điều chỉnh ở tầm luật, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý một cách đầy đủ cho hoạt động của TĐ. Việc thí điểm mô hình TĐ kéo dài đến nay chưa được tổng kết, đánh giá nhưng vẫn thành lập thêm nhiều TĐ mới trong khi đã có TĐ đổ vỡ. Chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước còn chồng chéo, chưa tách bạch tạo lỗ hổng pháp lý dẫn đến sự chi phối chính sách và lợi ích nhóm…

QH cần giám sát đặc biệt tập đoàn nhà nước ảnh 1

Đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) cho rằng trên thực tế dư luận xã hội và cử tri trong cả nước đang thiếu sự tin tưởng và có nhiều hoài nghi về tính hiệu quả của các TĐ, tổng công ty nhà nước (TCT). “Theo tôi, đây là một thời điểm rất tốt để chúng ta minh bạch, công khai để lấy lại niềm tin và huy động được sức mạnh của toàn xã hội” - ĐB Bảo nói.

“Tôi đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước tại kỳ họp này liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hàng hải Vinalines. Đồng thời, báo cáo quá trình thực hiện kết quả việc thoái vốn đối với 21 DNNN, TĐ đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỉ đồng” - ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhấn mạnh.

Băn khoăn về vai trò chủ đạo

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) lại tỏ ra lo lắng về vai trò đạo trong nền kinh tế của DNNN: “Với việc đề án phân chia DNNN thành bốn nhóm (DN cung cấp dịch vụ công ích thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng; DN làm công cụ, lực lượng vật chất để điều tiết thị trường; DN hiện các nhiệm vụ phát triển quốc gia mà DN thuộc các thành phần khác không hoặc làm chưa được và các DN khác), chúng tôi cũng còn rất phân vân. Chúng tôi vẫn nhìn thấy bóng dáng của kinh tế bao cấp, yếu tố thị trường vẫn chưa được mở ra. Nếu như vậy, các loại hình DN này vẫn còn được nuông chiều và dễ xảy ra như tình trạng hiện nay”.

Tuy ủng hộ việc duy trì các DNNN như đề án tái cơ cấu kinh tế nhưng ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên) yêu cầu phải làm rõ các định chế, các luật pháp cho việc kiểm soát và quản lý các DNNN, không được thả lỏng như hiện nay dẫn đến các vi phạm, không minh bạch và không nghiêm minh. “Nếu chúng ta không đầu tư và không kiểm soát tốt DNNN hoạt động minh bạch và có hiệu quả thì không thể có cơ sở để thực hiện chủ trương của Đảng về vấn đề xây dựng kinh tế nhà nước là ngành kinh tế chủ đạo của nền kinh tế” - ĐB Hổ đặt vấn đề.

Tạm dừng thành lập mới

Nhiều ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần tổng kết toàn diện việc thí điểm TĐ, có đánh giá mặt tích cực và những hạn chế. “Chính phủ tạm dừng ngay việc thành lập mới TĐ, kiểm kê lại vốn, tài sản Nhà nước tại tất cả TĐ xem còn bao nhiêu, lỗ và thất thoát bao nhiêu, phương án xử lý, làm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo QH. Tổng kết việc thí điểm nếu khẳng định là thành công thì cần xây dựng văn bản ở tầm QH cho tổ chức và hoạt động của TĐ, trong đó cần khắc phục những hạn chế đã nêu” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga thẳng thắn đề nghị.

Đồng tình với ĐB Nga, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cũng đề nghị QH phải có cơ chế giám sát trực tiếp và thường xuyên đối với tài sản và hoạt động của các TĐ, TCT thông qua các báo cáo kiểm toán và trả lời giải trình trước QH hằng năm tại các kỳ họp.

Chưa nên thông qua đề án

Tôi đồng tình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ QH, đề án này chưa thông qua và thành nghị quyết ở kỳ họp này mà phải tiếp tục lấy ý kiến bổ sung để xây dựng một đề án có chất lượng và khả năng thực thi hơn. Trong đó phải tiếp tục làm rõ bốn nội dung. Thứ nhất, phải nêu được và rút ra những bài học kinh nghiệm qua mấy kỳ tổ chức đổi mới và sắp xếp lại nền kinh tế và DN của đất nước. Thứ hai, làm rõ những tư duy mới về nhận thức trong các lĩnh vực như kinh tế thị trường đầy đủ, vai trò của Nhà nước, chỉ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của DN, vai trò kinh tế tư nhân. Thứ ba, phải làm rõ cần hay không cần nguồn tài chính để làm. Thứ tư, có hay không có hội đồng, tổ chức, hay ủy ban độc lập để thực hiện quá trình tái cơ cấu này.

ĐB CAO SĨ KIÊM (Thái Bình)

Quy hoạch như thế thì chúng tôi khó tin được!

Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta phải triệt để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ trong những năm vừa qua, điển hình như ngành công nghiệp tàu thủy và hàng hải. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, ngành tàu biển trong giai đoạn năm 2011-2020 sẽ mua và đóng mới khoảng 160 con tàu, dự toán 100.000 tỉ đồng. Sau khi báo chí nêu, các nhà khoa học phản biện, Vinalines lại điều chỉnh tổng kinh phí xuống 68.000 tỉ đồng. Chỉ trong vài hôm quy hoạch đã được thay đổi và giảm 32.000 tỉ đồng, nếu làm quy hoạch như thế này, chúng tôi khó tin được.

Trong lĩnh vực xây dựng các công trình cầu, đường bộ về giao thông, xuất đầu tư đường bộ cao tốc ở Việt Nam cũng đang cao hơn rất nhiều so với các nước khác 1,5-2 lần. Theo số liệu điều tra thống kê thì xây dựng đường cao tốc ở Trung Quốc khoảng 6 triệu USD/km, ở Mỹ 8 triệu USD/km còn ở Việt Nam: đường Láng-Hòa Lạc mất 250 tỉ đồng/km (khoảng 12 triệu USD/km), đường TP.HCM-Trung Lương bốn làn xe 9,9 triệu USD/km…

ĐB LÊ VĂN HỌC (Lâm Đồng)

THU HẰNG