Máy bay JF-17 Trung Quốc có bộ phận tương đồng F-35 Mỹ?

09/06/2012 16:43
Đông Bình (nguồn báo Quang Minh)
(GDVN) - Theo báo Anh, “hàng đẹp giá rẻ” JF-17 Thunder là đối thủ của các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, đang được Trung Quốc chào bán khắp nơi.
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder hay FC-1 Kiêu Long do Trung Quốc sản xuất.
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder hay FC-1 Kiêu Long do Trung Quốc sản xuất.

Máy bay JF-17 Thunder có tính năng tốt?

Báo Trung Quốc dẫn lời “Jane’s Defense Weekly” Anh có bài viết cho rằng, Trung Quốc đang ra sức chào hàng ra nước ngoài máy bay chiến đấu có khả năng mạnh hơn, giá trị lớn hơn, trong đó máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng JF-17 Thunder/FC-1 Kiêu Long, do Công ty Máy bay Thành Đô Trung Quốc sản xuất, là một ví dụ nổi bật.

Máy bay này là một chương trình do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển và sản xuất. Phía Pakistan gọi máy bay này là JF-17 Thunder.

Trên máy bay chiến đấu Thunder, Công ty Máy bay Thành Đô hoàn toàn không lựa chọn làm nổi bật lên tính năng chính nào, mà là tìm cách tích hợp thành máy bay đa năng ấn tượng.

Chương trình này lần đầu tiên đặt mục tiêu vào sử dụng máy bay chiến đấu hạng nhẹ (12-13 tấn), để đối phó với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư 20 tấn trở lên như F-16.

Mặc dù trọng tải của máy bay chiến đấu F-16 có thể gấp đôi Kiêu Long, nhưng ưu thế này được Trung Quốc hóa giải bằng vũ khí dẫn đường chính xác tự sản xuất cỡ nhỏ hơn.

Đối với nhiệm vụ không chiến, hai loại máy bay chiến đấu có bán kính tác chiến gần giống nhau, giống như F-16, Thunder loại mới nhất sẽ được lắp thiết bị tiếp dầu trên không để mở rộng hành trình. báo TQ cho rằng, Thunder không phải là F-16, nhưng có tính năng tương tự, mà lại giá rẻ (?).

Để giảm chi phí chế tạo, Thunder đã sử dụng ít vật liệu composite giá đắt, chủ yếu sử dụng vật liệu nhôm, hơn nữa vật liệu nhôm còn giảm chi phí bảo trì.

Thunder chỉ áp dụng công nghệ kiểm soát bay số hóa đắt đỏ ở trục pitch, công nghệ này đã tận dụng tốt hơn kết cấu LERX cánh máy bay, đã tạo được trọng tâm tốt hơn, đồng thời làm cho kết cấu LERX này giúp máy bay chiến đấu có lực nâng lớn hơn khi tiến hành tấn công góc lớn, nâng cao tính cơ động chiến đấu.

Cửa hút gió (đầu hút không khí, DSIs) của Thunder được thiết kế lại, có đặc điểm đã áp dụng công nghệ DSI, đây là loại máy bay chiến đấu thứ hai sử dụng công nghệ này, sau máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Khung máy bay đơn nhất và nhỏ nhẹ của Thunder đã làm giảm tốc độ không khí đi vào động cơ và có lợi cho nâng cao hệ số tàng hình.

Máy bay chiến đấu Thunder đã sử dụng radar KLJ-7 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Điện tử Nam Kinh-Trung Quốc, radar này thực sự là phiên bản thu nhỏ của radar dùng cho máy bay chiến đấu J-10A. Loại radar sóng ngắn X nhiều kiểu (không đối không, không đối đất) này, với kiểu không đối không thì khoảng cách tìm kiếm khoảng 105 km,

có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu độc lập, sử dụng tên lửa không đối không vượt tầm nhìn tự dẫn đường mà nó mang theo, có thể đồng thời tấn công 2 mục tiêu. Mặc dù vào đầu thập niên 1990 Mỹ đã có khả năng này, nhưng máy bay chiến đấu Thunder có được khả năng này với giá rẻ đã gây ngạc nhiên.

Đặc điểm buồng lái của máy bay chiến đấu Thunder là sử dụng ba máy hiển thị số hóa đa năng hiện đại, phi công có thể sử dụng ống ngắm trên mũ kết nối với tên lửa không đối không.

Máy bay JF-17 Thunder của Không quân Pakistan.
Máy bay JF-17 Thunder của Không quân Pakistan.

Còn về tấn công đối đất, Thunder có thể mang theo một khoang treo ngắm trúng điện quang (thiết bị chỉ thị mục tiêu quang điện tử), dùng laser dẫn đường hoặc vệ tinh dẫn đường cho đạn. Kiêu Long đã sử dụng khoang treo ổn định cho thiết bị điện tử mang tính phòng thủ, dưới cánh máy bay có thể mang theo khoang treo tác chiến điện tử riêng.

So với máy bay chiến đấu phương Tây như F-16, máy bay chiến đấu Thunder bắt đầu từ khi đi vào hoạt động đã cung cấp “khả năng tác chiến đẳng cấp thế giới” (?-PV), trong tương lai rất có thể sẽ tiếp tục cải tiến hệ thống điện tử, đổi dùng động cơ mới, đồng thời nâng cao tính năng tàng hình.

Khi mang theo vũ khí dẫn đường chính xác ngoài khu vực phòng thủ do Trung Quốc sản xuất, máy bay chiến đấu Thunder sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn cho đối thủ.

Rất nhiều nước đều muốn mua

Pakistan là nước đầu tiên hợp tác với Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu đa dụng hạng nhẹ, là do Thunder có thể giúp họ sở hữu có hiệu quả nhiều máy bay chiến đấu có khả năng nhất định, từ đó có thể duy trì sự răn đe trên không đối với Ấn Độ, nhưng đối với càng nhiều nước đang phát triển, Thunder có thể sẽ giúp họ dễ sở hữu khả năng chiến đấu trên không hiệu quả.

Khi đứng trước cuộc cạnh tranh về máy bay chiến đấu cùng cấp, khả năng Thunder sử dụng vũ khí không đối không hiện đại của Trung Quốc là một lợi thế quan trọng.

Chẳng hạn, sử dụng tên lửa không đối không chính xác, có thể nhanh chóng lấp chỗ hổng về tính cơ động của máy bay, bởi vì tên lửa không đối không bắn chính xác hoàn toàn không phải dựa vào tính cơ động của máy bay, mà là khả năng tập trung vào mục tiêu của phi công.

Tên lửa không đối không PL-8 và PL-9C đều đã áp dụng ngắm chuẩn qua mũ trang bị cho phi công. Trong rất nhiều trường hợp, khả năng này sẽ là năng lực “khai hỏa trước” rất quan trọng cho Thunder, từ đó quyết định kết quả cuối cùng trong giao chiến trên không.

Gần đây, máy bay chiến đấu Thunder còn bắt đầu mang theo 2 quả tên lửa hành trình chống hạm YJ-83K và tiến hành bay thử, tầm phóng của tên lửa này đạt 200 km. Ngoài ra, có người còn thấy Thunder mang theo bom lượn dẫn đường vệ tinh LS-6.

Hai công ty Lạc Dương và CASIC Trung Quốc đã sản xuất 2 loại bom dẫn đường laser và vệ tinh, bao gồm bom dẫn đường vệ tinh cỡ rất nhỏ, giúp cho Thunder có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công chính xác giống với máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây.

Được biết, cách đây không lâu, đại diện Quân đội Indonesia trong đó có Tư lệnh Không quân Imam Sufaat đã thăm Pakistan, tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất máy bay Thunder. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cũng sẽ thăm Pakistan trong thời gian sắp tới, tham quan phân xưởng lắp ráp hoàn chỉnh JF-17.

Một khi Pakistan và Indonesia ký kết thỏa thuận cung ứng JF-17, sẽ có điều khoản chuyển giao công nghệ, cấp giấy phép cho Indonesia sản xuất máy bay Thunder. Năm 2010, hai nước ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng, quy định Indonesia có thể nhập công nghệ sản xuất các loại vũ khí trang bị của Pakistan, bao gồm cả một số sản phẩm mà Trung Quốc-Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Mặc dù máy bay chiến đấu Thunder còn chưa được xuất khẩu cho các nước ngoài Pakistan, nhưng loại máy bay chiến đấu này đã thu hút sự quan tâm của các nước như Algeria, Azerbaijan, Bangladesh, Congo, Ai Cập, Iran, Nigeria, Myanmar, Sri Lanka, Sudan và Zimbabwe.

Có tin cho biết, Venezuela đã xem xét nhập máy bay chiến đấu Thunder. Nếu Thunder bán thành công cho Venezuela thì sẽ cũng dẫn đến các nước khác ở Mỹ Latinh cũng xem xét nhập Thunder hoặc máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc.

Động thái này giúp Trung Quốc có thể phát triển quan hệ chiến lược sâu hơn ở tây bán cầu, đồng thời tăng cường vị thế của mình, nhằm bảo đảm vai trò ảnh hưởng lớn hơn ở “khu vực chống Mỹ”.

Là một loại máy bay chiến đấu do Trung Quốc và Pakistan hợp tác, JF-17 Thunder luôn được cho là “hàng đẹp giá rẻ”. Ngày 30/5, mạng tin tức công nghiệp quốc phòng Nga cũng có bài viết cho rằng, gần đây Pakistan tiếp tục đề nghị, cung cấp cho Indonesia máy bay chiến đấu phản lực đa dụng hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Quang Minh)